PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trải lòng chuyện khám bệnh cho trẻ em và tư vấn cho bố mẹ

Suốt cuộc trò chuyện, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng luôn nhắc tới phụ nữ và trẻ con. Họ là những người ông yêu thương nhất và một phần tạo nên ông ở thời điểm hiện tại.

Trong căn phòng làm việc tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, chất giọng khàn của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chảy trôi trong những câu chuyện của một người bác sĩ lãng mạn, đầy chất nghệ sĩ.

Ông đã có những thay đổi như thế nào từ khi thôi giữ chức trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai?

- Sau  khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, tôi trở về Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai công tác. Sau một thời gian dài, tôi được phân công làm trưởng khoa. 

Có thời điểm, tôi cùng một lúc vừa khám chữa bệnh vừa giảng dạy cho sinh viên trường ĐH Y Hà Nội và Đại học Dược lại vừa làm công tác quản lý.

Nhiều người hỏi tôi tại sao một lúc lại có thể làm nhiều việc như thế? Tôi nghĩ chẳng có cách nào ngoài việc phối hợp nhịp nhàng và sử dụng tối đa thời gian trong ngày.

Tất cả thời gian soạn bài, nghiên cứu, viết sách, tôi thực hiện ở nhà, từ khoảng 9 giờ tối đến 12 giờ đêm. Cho đến bây giờ cũng thế, 12 giờ 30 tôi mới bắt đầu chợp mắt và gần 6 giờ sáng hôm sau tôi dậy rồi và tôi không ngủ trưa bao giờ cả.

Trước kia, cuối tuần tôi hay đi nghe nhạc, xem kịch, đi bộ trên phố… Nhưng khi tôi làm quản lý tôi không có thời gian cho những việc đó nữa.

Vậy sau khi thôi giữ chức trưởng khoa được 2 năm nay, chắc hẳn ông dành nhiều thời gian cho việc nghe nhạc, xem kịch, đi bộ hơn?

- Tôi nhớ có lần vào TP. Hồ Chí Minh, mọi người rủ tôi đi cà phê và nghe nhạc, tôi thích lắm, sướng lắm.

Tôi chợt nghĩ, mình cần phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt không thì sức khoẻ sẽ yếu dần đi.

Từ sau hôm đó, trong những đợt đi công tác nước ngoài, tôi đều tranh thủ các buổi sáng dậy sớm, dạo phố, đi công viên để lấy lại sức khoẻ. Khi về Hà Nội, tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc đi bộ.

Ông thường đi một mình hay có người đồng hành?

- Khi đi bộ, có người đi cùng cũng được mà tôi đi một mình cũng không sao. Nhớ có lần đi bộ dọc bờ sông ở nước Nga với một người bạn, tôi thấy cũng hay. Tôi từng đi quanh hồ hay đi học bờ biển rất đẹp chỉ có một mình.

Những lúc đấy, bạn thử tưởng tượng xem, chúng ta không suy nghĩ gì về công việc, hoà mình với thiên nhiên. Vào một buổi sáng đẹp trời như thế, bầu trời trong veo, gió hiu hiu thổi, nhìn người đi đường, chạy bộ. Tuyệt vời!

Tôi thấy ông là một người giàu cảm xúc. Đã bao giờ ông nghĩ tới việc viết lại những cảm xúc đó và xuất bản một cuốn sách văn chương, thay vì những cuốn sách chuyên khoa mà ông đứng tên tác giả?

- Chà, ý này rất hay. Tôi đã xuất bản 43 cuốn sách, toàn viết về chuyên ngành y khoa của mình.

Lúc tôi còn trẻ, tôi cũng làm thơ. Nhưng vì công việc ngành y cuốn tôi đi nên tôi không có thời gian cho những việc đó. Bây giờ thơ không làm được, thi thoảng tôi ngồi hát nghêu ngao với bạn bè, người thân.

Những cái đó tốt cho đời sống tinh thần của tôi. Tôi thấy yêu cuộc sống này hơn. Nó như một liều thuốc tinh thần rất tốt, tôi chẳng cần dùng vitamin, thuốc bổ nào cả.

Những khán giả trung thành nghe ông đàn, hát là ai?

- Đó là những người bạn cùng ngành y, dược với tôi và những người tôi gặp trong các chuyến đi về các tỉnh.

Cứ lúc nào có chút thời gian là chúng tôi tụ tập, ca hát cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Tôi mới thấy, khi chúng tôi thoải mái thì làm việc cũng hiệu quả hơn.

Chắc hẳn mọi người sẽ nhìn thấy ông với nhiều phiên bản khác nhau, khi là bác sĩ khám chữa bệnh, khi là một nhà quản lý, lúc là ca sĩ, nhạc công…  

- Khi đi công tác nước ngoài, tôi không mặc áo blouse, họ hỏi tôi làm nghề gì? Tôi bảo tôi là bác sĩ, họ không tin. Tôi cũng không hiểu sao nhìn bộ dạng bên ngoài của tôi lại không giống một bác sĩ.

Thực ra khi làm nghề lâu rồi, tôi mới thấy bác sĩ cũng có lúc phải như một người nghệ sĩ, cũng cần có tố chất của một người nghệ sĩ.

Bên ngành y của chúng tôi có câu nói ‘Khám người bệnh, chữa người bệnh chứ không phải chữa bệnh’. Vì nếu nói là chữa bệnh thì hoá ra mình lại coi ai cũng như ai, bệnh nào cũng như bệnh nào. Trong khi đó, bệnh nhân chẳng ai giống ai.

Ví dụ cũng là bệnh viêm phổi nhưng đứa vừa đẻ khác với người già, người nông thôn khác người thành thị...

Thì cũng giống như một ca sĩ, hôm nay đi hát ở sân khấu lớn, người ta sẽ có tâm trạng này nhưng khi hát ở nhóm nhỏ họ lại khác. Tôi thấy cuộc sống là như vậy, nghề nghiệp là như vậy.

- Nhìn bề ngoài, nhiều người không nghĩ ông là một bác sĩ nếu không mặc áo blouse. Ông nghĩ yếu tố ngoại hình nào của mình khiến mọi người nghĩ vậy?

Tôi không hiểu về mình lắm. Từ bé đến giờ tôi vẫn như thế này, vẫn một phong cách như vậy. Nhiều người có lẽ để ý đến mái tóc của tôi. Tôi để kiểu tóc này từ hồi thanh niên, tôi không có thay đổi gì nhiều. Tôi cứ hồn nhiên thế thôi.

Gần đây, tôi đi giảng về nghệ thuật giao tiếp, tôi hỏi ‘Nếu không giới thiệu tôi là bác sĩ thì các bạn nghĩ tôi làm nghề gì?’ thì mọi người bảo tôi là nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên…

Khi mọi người nói như vậy thì tôi cũng thấy thích, điều đó rất hay. Mọi người có yêu thích mình thì họ mới nói mình như vậy. Tôi thích cuộc sống nó phải đa dạng như thế.

Có vẻ như chất nghệ thuật giúp ông nhiều trong công việc bác sĩ. Làm thế nào để ông nuôi dưỡng những cảm xúc rất nghệ sĩ đó?

- Chính là bạn bè, bệnh nhân, người thân. Nhiều người hỏi tôi ‘Nếu cho anh được tự do thì sao?’ tôi bảo khi đó tôi muốn làm gì thì làm nhưng một ngày mà tôi không nói chuyện với ai thì có lẽ tôi không còn trên đời này nữa.

Tôi thích giao tiếp với mọi người, tôi thích có bạn bè, thích có những người thân ở bên cạnh, thích có bệnh nhân ở bên. Nếu một ngày tôi ngồi một mình, tôi rất khó chịu.

Nhưng trong cuộc sống, chắc hẳn ông vẫn có những lúc một mình. Ông làm thế nào để chế ngự sự khó chịu đó?

- Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng có những lúc chỉ có một mình, nhưng là do hoàn cảnh thôi. Còn tôi không thích như vậy, tôi không thích ở một mình. Tôi sẽ nghe nhạc, nhẩm theo vài bài hát để lúc nào đó đi gặp gỡ bạn bè, giao lưu thì tôi sẽ thể hiện. Lúc đó tôi hay nghĩ với khung cảnh này thì mình hát bài này, tới chỗ kia thì mình hát bài khác, vui thì mình hát bài vui, lãng mạn mình hát kiểu lãng mạn…

Trong công việc thường ngày, ông tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi. Ông có cách nào đặc biệt để khiến những em bé bớt sợ không, trong khi chúng xem bác sĩ là kẻ thù?

- Diễn biến tâm lý của các bệnh nhi rất khác nhau, từ đứa mới lọt lòng cho đến các cháu 15-16 tuổi. Chúng tôi phải thích ứng với điều đó và phải hiểu tâm lý của chúng. Mỗi cháu bé mình phải ứng xử như thế nào để nó ít sợ nhất. Điều đầu tiên tôi làm là nở nụ cười.

Với người nhà bệnh nhân cũng vậy, chúng tôi luôn phải tiếp xúc với họ. Tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nên hiểu được tâm lý của họ, để có những ứng xử hợp tình hợp lý. Và tôi vẫn luôn nở nụ cười.

Tôi nhớ đợt dịch sởi bùng phát năm 2014, lúc nào cũng căng như dây đàn. Có một bệnh nhân đi bốn viện mà bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, khi đưa con tới khoa, bố bé dậm chân chỉ tay ‘Con tao mà chết thì tao giết’.

Tôi ra nói chuyện rất nhẹ nhàng với người nhà, giải thích, tư vấn cho họ. Dù tất cả các y bác sĩ đều quyết tâm cứu chữa ca bệnh, 2 tuần sau bé vẫn tử vong. Người nhà khi đó vẫn tới cảm ơn các y bác sĩ trong khoa.

Tôi nghĩ, bất cứ lúc nào cười được hãy cười.

Nhưng chắc hẳn công việc có những lúc căng thẳng, ông không thể cười được?

- Trong ngành của chúng tôi không phải lúc nào cười cũng cười được. Những lúc căng thẳng, cấp cứu bệnh nhân, một động tác đưa kim vào tiêm, máy móc đều phải thực hiện chính xác. Lúc đó không thể cười được, chúng tôi cần nghiêm túc và tập trung thao tác.

Nhưng cứ nghiêm túc mãi thì nguy hiểm, cấp cứu cho bệnh nhân xong rồi thì thôi, mình trút bỏ căng thẳng và mình lại nở nụ cười.

Ông nhắc nhiều tới quy luật cho đi và nhận lại. Nghề y đã cho ông những gì?

- Nghề y giúp tôi học được nhiều điều. Tôi học ngay từ những bệnh nhân của mình, người nhà bệnh nhân. Khi đi giảng bài, tôi phổ biến kinh nghiệm và kiến thức cho các học trò.

Khi đứng lớp hay giờ nghỉ giải lao, tôi nói chuyện với các học trò của mình, tôi cũng học được từ các bạn nhiều thứ. Các em sinh viên mới vào nghề giúp tôi biết những cái mới, bác sĩ lâu năm chia sẻ kinh nghiệm của họ với tôi.  

Những câu chuyện mà bác sĩ vùng sâu vùng xa chia sẻ thực sự là những bài học bổ ích với tôi. Tôi mới nghĩ, nếu chỉ hạn hẹp cái nhìn của mình ở khoa Nhi này, trong môi trường có máy móc hiện đại, kỹ thuật tiên tiến… thì mọi thứ thật thuận lợi.

Nhưng chỉ cần lên vùng cao thôi, có mỗi ống nghe trong tay, bằng cách thăm khám nhưng vẫn ra bệnh, vẫn chữa bệnh tốt. Đôi khi, cái đó còn tốt hơn những máy móc hiện đại.

Vì trong nghề có những bệnh không một máy móc hiện đại nào có thể giúp chúng tôi chẩn đoán ra bệnh mà chỉ bằng cách tiếp xúc với bệnh nhân, thăm khám kỹ lưỡng thì mới tìm ra bệnh.

Như vậy, phải chăng hiện nay có nhiều bác sĩ ỷ lại vào sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại đó? Với tư cách là nguyên trưởng khoa, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Nghề thầy thuốc là nghề làm việc với con người. Bệnh tật của con người không chỉ do những con vi trùng, vi rút hay chấn thương gây ra mà nó còn bệnh trong tinh thần.

Tôi nghĩ, nếu không hỏi bệnh tốt trong quá trình thăm khám, không nói chuyện với bệnh nhân khéo léo thì không ra bệnh được. Nên tôi nói việc ứng xử hỏi bệnh nhân nhiều khi còn hơn tất cả máy móc.

Tôi luôn nói với các học trò của mình: Các em phải biết cách nói chuyện với bệnh nhân thì người ta mới kể hết những điều mà người ta vướng mắc. Điều đó dễ dàng hơn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.

Nếu chúng ta làm tốt được điều đó thì có thể chúng ta không cần dùng đến máy móc gì. Theo tôi đó là yếu tố cốt lõi để tìm ra bệnh.

Còn chúng ta vẫn cần dùng các máy móc, thiết bị hiện đại cho những bệnh bắt buộc cần sự can thiệp của chúng. Chúng ta phải có sự kết hợp hài hoà.

Ông đã có vận dụng sự kết hợp hài hoà đó như thế nào?

- Nhiều cháu có những rối nhiễu về tinh thần trong cuộc sống với việc đi học quá căng thẳng. Tôi phát hiện ra nhiều điều hay để giúp các cháu vượt qua được khi chỉ điều trị tinh thần, điều trị tâm lý cho chúng.

Có bệnh nhân cả năm trời đi khám chữa bệnh, làm rất nhiều xét nghiệm, tốn rất nhiều tiền mà không tìm ra bệnh.

Khi bệnh nhân đó tới khám, hoá ra những triệu chứng của bệnh nhân là do chơi điện thoại dẫn đến, đến nỗi ngồi mà cứ bị giật liên tục. Sau khi tìm ra bệnh rồi, bệnh nhân điều trị ở đây nửa tháng, chúng tôi điều trị cho cháu bằng cách thoát ra khỏi chiếc điện thoại. Kết quả là cháu hết giật, khoẻ mạnh vui tươi trở lại. 

Như ông chia sẻ, trong tất cả mọi chuyện thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Khi làm ở vị trí quản lý, ông đã làm thế nào để dung hoà các mối quan hệ giữa cấp dưới với nhau và mối quan hệ của mình với cấp dưới?

Quản lý trong ngành y vừa dễ vừa khó. Khi làm quản lý, tôi bớt thời gian chữa bệnh đi vì tôi phải điều hành cả một tập thể gồm bác sĩ, điều dưỡng, những người phục vụ trở thành một tập thể chữa bệnh tốt chứ không phải riêng bản thân mình tốt. Nó rất khác.

Cách quản lý của ngành y là một đặc thù. Tôi sợ nhất lúc nhân viên của tôi có khuyết điểm, còn nếu người ta làm tốt thì tôi mừng lắm. Tuy nhiên, cả một tập thể không phải lúc nào cũng làm tốt, cũng có những lúc có khuyết điểm chứ.

Khi đó, tìm cách phê bình họ như thế nào để họ tự nhận thấy và sửa chữa là cái khó nhất của tôi. Chứ mình phê bình họ mà họ lại buồn phiền, chán nản thì sao mà khám chữa bệnh được nữa. Ai có khuyết điểm vẫn phải phê bình nghiêm khắc nhưng sau đó thì thôi, phải giải toả buồn phiền trong người đi.

Tôi cứ suy nghĩ đi suy nghĩ lại mãi, tôi nghĩ mình phải làm gì đó để thúc đẩy tinh thần làm việc nhân viên của mình lên mỗi ngày, giúp họ có hứng khởi với công việc luôn trong tình trạng quá tải này.

Và ông đã làm như thế nào?

- Tôi luôn nghĩ cách làm thế nào để các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa vào từng buồng bệnh tiếp xúc với bệnh nhân đều có tâm trạng thoải mái. Tuỳ hoàn cảnh của mỗi buổi giao ban mà tôi kết nối những câu chuyện với nhau, để mọi người cùng cười đi ra ngoài và làm việc tốt hơn.

Bao giờ chấm dứt buổi giao ban bằng một nụ cười hoặc mọi người thoải mái rồi thì mới bước ra khỏi phòng, đi đến các buồng bệnh, gặp gỡ bệnh nhân chứ vẫn còn lấn cấn thì không.

Nhưng quả thực điều đó không dễ chút nào, mới đầu tôi không làm được điều đó đâu. Tôi cũng học nhiều lắm, đọc nhiều để làm thế nào giúp mọi người vui vẻ mỗi ngày.

Ông luôn bắt đầu và kết thúc mọi thứ bằng một nụ cười. Đấy có phải là bí quyết giúp ông nhận được nhiều sự yêu quý từ đồng nghiệp, bệnh nhân…?

- Nếu gặp ai, đầu tiên hãy gây ấn tượng với người ta bằng câu chào hỏi, trong chào hỏi nên có nụ cười. Sau đó tạm biệt nhau cũng phải để lại thiện cảm với họ, bằng một nụ cười là tốt nhất.

Từ khi gặp mặt đến khi chia tay nhau, nếu cứ mở đầu bằng nụ cười, kết thúc bằng nụ cười thì cuộc sống này tuyệt vời lắm.

Tôi luôn nói với các học trò của mình: 'Các bạn có muốn yêu và được yêu không?’ Ai cũng bảo muốn. Chúng ta đến cơ quan có muốn đồng nghiệp quý mến, bệnh nhân yêu quý không? Về nhà có muốn vợ chiều, con cái, anh chị em họ hàng yêu mến không? Tất cả các nhu cầu yêu thương đó, con người ai cũng có.

Vậy muốn người ta yêu mình thì mình phải yêu thương, quý mến họ trước đã. Triết lý sống của tôi là như vậy. Mình yêu thương họ thì không có nghĩa lý gì mà họ lại không yêu quý mình. Cứ tự nhiên như thế thôi.

Vậy có khi nào ông cho đi tình yêu thương nhưng nhận lại điều ngược lại?

- Cuộc đời mà, cũng có lúc mình giúp đỡ người khác mà họ quên đi việc mình giúp họ nên có những cái đáp trả không theo ý mình muốn. Không sao cả, trong cái rủi cũng có cái may.

Cuộc đời luôn có những điều như vậy, nhiều khi đúng, sai cũng không phân định được rõ ràng. Là một xã hội, chúng ta chấp nhận điều đó, không việc gì phải băn khoăn.

Những lúc đó ông vẫn tìm tới âm nhạc chứ?

- Đúng là thế, tôi tìm tới âm nhạc hay đi đâu đó. Tôi tìm tới những người bạn thân thiết của mình, ngồi nói chuyện với họ. Tôi thả mình với thiên nhiên, nhìn cây nhìn cỏ, sẽ quên hết tất cả. Nhìn thấy khu rừng có thác chảy, có cây cối thì sẽ quên thôi.

Mỗi vị trí lại mang đến cho ông nhiều trải nghiệm khác nhau, ông thích mình ở thời điểm nào nhất?

- Mỗi thời điểm, tôi lại có những vai trò riêng. Trước kia tôi chỉ tập trung vào chuyên môn thì tôi tập trung học hành, nâng cao kỹ năng khám chữa bệnh. Khi chuyển sang quản lý, tôi phải học thêm cách giao tiếp với nhân viên của mình để điều hành một tập thể tốt.

Bây giờ thôi làm quản lý, tôi dành toàn bộ thời gian cho việc khám chữa bệnh và giảng dạy cán bộ. Làm việc gì tôi cũng thích và làm một cách say sưa.  

Bây giờ tôi thích khám chữa bệnh những ca khó từ khâu chẩn đoán đến điều trị. Và cũng từ chính những ca bệnh khó đó, tôi giảng dạy, chuyển giao kỹ năng, kinh nghiệm cho lớp trẻ sau này.

 

Như những gì ông chia sẻ, ông là người không ngừng học hỏi, cả về chuyên môn và về giao tiếp trong cuộc sống?

- Đúng vậy. Tôi luôn nói: Giao tiếp là cả một quá trình. Trừ khi chúng ta không còn trên đời này thì chúng ta mới không phải giao tiếp thôi.

Bài mà nhiều người mời tôi tới giảng nhất là nghệ thuật giao tiếp trong y tế. Tôi kỳ vọng với các học viên rằng sau khi các bạn lắng nghe buổi chia sẻ này, các bạn sẽ giao tiếp tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay.

Tôi thấy ông rất biết cách cân bằng cuộc sống

- Không biết duyên có gì mà dạo gần đây nhiều người mời tôi tới giảng về cân bằng cuộc sống trong khi tôi đâu có phải là nhà tâm lý học.

Ông vẫn nhận lời. Chắc hẳn tự bản thân ông cũng thấy ở mình có sự cân bằng trong cuộc sống tốt? 

- Đúng thế, tôi vẫn nhận lời đi giảng. Thời gian của mỗi buổi giảng không nhiều, chỉ có 2 tiếng đồng hồ thôi, chứ nếu cho tôi nói cả buổi sáng tôi cũng nói được.

Ông từng nói, một phần trong sự thay đổi của ông đều xuất phát từ phụ nữ và trẻ em. Điều này có có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Bây giờ có ai hỏi tôi yêu ai nhất? Tôi vẫn cứ nói tôi yêu phụ nữ và trẻ em. Tôi nhìn thấy phụ nữ khóc tôi thương lắm, dù có thể họ không phải là người tôi quen biết.

Tôi không bao giờ quát mắng phụ nữ, tôi không nặng lời với họ bao giờ cả. Không hiểu sao khi tôi làm việc với phụ nữ, tôi rất nhẹ nhàng. Tôi cũng không lý giải được.

Sự thay đổi rõ nhất của ông do phụ nữ và trẻ em mang lại là gì?

- Trước kia tôi nghiện thuốc lá nặng. Một bác sĩ nữ khuyên ‘Anh phải bỏ thuốc’, tôi hứa ‘Tôi sẽ bỏ’. Từ lúc có ý chí bỏ thuốc đến khi thành công, tôi đã mất 3 năm. Đó cũng là khi đứa con trai thứ 2 của tôi ra đời, tôi thấy thuốc có hại cho con nên tôi bỏ.

Sau khi ngừng hút thuốc nhiều năm, ngửi mùi thuốc từ người khác hút, tôi thấy khó chịu. Thế mà, lúc tôi còn hút thuốc, vợ cứ bảo thơm. Tôi mới thấm cảm giác của vợ mình khi suốt ngày ngửi mùi thuốc. Chắc lúc đó vợ cũng khó chịu nhưng vì vợ yêu mình nên vợ cứ bảo thơm.

Tình yêu của vợ dành cho tôi quả thật tuyệt vời lắm. Người ta quên cái của người ta đi, yêu mình nên người ta chiều mình. Thực ra nó nhỏ thôi nhưng tôi trân trọng vô cùng. Tôi yêu vợ nhiều hơn sau trải nghiệm đó.

Đảm nhiệm nhiều vị trí ngoài xã hội, làm thế nào để giữ gìn được hạnh phúc gia đình mình?

- Tôi may mắn vì có một người vợ rất hiểu và thông cảm cho tôi. Khi hai vợ chồng tôi thảo luận vấn đề gì đó, vợ chỉ cần hơi lớn tiếng là tôi tự động thôi.

Khi cáu lên quá thì tôi cũng quát nhưng ngừng lại được ngay, chỉ cùng lắm đến câu thứ 3. Tự bản thân tôi chế ngự được những cơn tức giận đó.

Rời cơ quan về nhà, chúng tôi rất ít khi nói chuyện công việc. Trước kia tôi nấu cơm rất giỏi, sau 1 thời gian bận bịu, tôi không làm nữa nhưng bây giờ bảo tôi nấu cơm tôi vẫn nấu được.

Vợ bảo tôi nhặt rau, rửa bát, dọn dẹp, lau nhà… thì tôi làm ngay. Tôi không nề hà việc nhà nào, cái gì làm được tôi sẽ làm.

Tôi làm công việc trí óc nhiều quá, có những lúc tôi thích làm những việc chân tay, chỉ là mình ít thời gian quá thôi.

Vậy từ những điều nhỏ nhất mà ông yêu vợ mình hơn?

- Một cuốn sách đã dạy tôi muốn giữ được gia đình hạnh phúc thì phải từ những cái nhỏ nhất, chính những cái nhỏ giúp các thành viên trong gia đình kết nối với nhau, bỏ qua cái nhỏ là vứt.

Trong cuộc sống gia đình, vợ nấu cho mình bữa cơm ngon mà mình nên khen vợ một câu, đó là sự yêu thương. Giống như Xuân Diệu nói ‘Em có tài nấu nướng thì anh có tài khen ngon’.

Hai vợ chồng ông thường hâm nóng tình cảm bằng cách nào?

- Chúng tôi gần như không nói ‘Anh yêu em’, ‘Em yêu anh’ mà cảm nhận nhiều hơn.

Có lần làm giấy tờ, khai tên vợ thì nhớ nhưng ngày sinh thì tôi không nhớ. Tôi phải gọi điện cho vợ hỏi ‘Em ơi em sinh ngày nào?’. Nhớ lại điều này tôi thấy buồn và cũng thấy đó là khuyết điểm lớn. Bây giờ, tôi lưu số vợ tôi là ngày sinh của cô ấy không thì tôi không nhớ được.

Mới đây, tôi có chuyến làm việc ở Phú Thọ, lên đến nơi mới nhớ vợ cũng đang công tác ở Tuyên Quang. Tôi gọi điện hỏi thì biết vợ đang ngồi trong một quán cà phê ở đó. Bất chợt, tôi bước vào, vợ lúc đó xúc động lắm.

Những điều đó rất tự nhiên, xuất phát chính từ chính trái tim tôi.

Tú Anh - Linh Ly - Phạm Tùng /giadinhmoi.vn