Nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết các thành viên phi hành đoàn đối mặt với nguy cơ cao bất ngờ về mắc các căn bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp, ung thư da... hơn so với các nghề khác
Nghiên cứu được tiến hành trên 5.366 tiếp viên hàng không của các hãng bay Mỹ.
Các nhà nghiên cứu so sánh tỷ lệ ung thư ở các tiếp viên hàng không với một nhóm khoảng 2.700 người có mức thu nhập và trình độ giáo dục tương tự nhưng không làm công việc tiếp viên hàng không.
Kết quả cho thấy với tất cả các loại ung thư được xem xét thì tỷ lệ mắc của các tiếp viên đều cao hơn mức trung bình.
Một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Sức khỏe môi trường (Environmental Health) cho biết các thành viên phi hành đoàn mắc phải một số loại bệnh ung thư cụ thể với tỷ lệ cao hơn mức trung bình.
Đó là: ung thư vú mắc ở mức 3,4% - so với tỷ lệ trung bình 2,3%, ung thư cổ tử cung là 1,0% so với 0,70%, đường ruột là 0,47% so với 0,27% và tuyến giáp là 0,67% so với 0,56%.
Tiến sĩ Irina Mordukhovich, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay nguyên nhân gây tình trạng này có thể do sự tiếp xúc với chất bức xạ ion hóa cao nhất trong các ngành nghề ở Mỹ, tia cực tím, kết hợp với sự gián đoạn nhịp sinh học - do thiếu ngủ và lịch trình bất thường - cả ở nhà lẫn nơi làm việc của các tiếp viên hàng không.
Tiếp viên hàng không phải tiếp xúc với nhiều chất được chứng minh hoặc nghi ngờ là gây ra ung thư, ngoài ra họ thường xuyên hít thở trong cabin, nơi được cho là có chất lượng không khí kém.
Trong khi tiếp viên hàng không nữ có nguy cơ cao hơn hẳn với người bình thường về ung thư vú, thì tiếp viên hàng không nam nguy cơ cao về ung thư da.
Các nhà khoa học cũng phát hiện rằng cứ tăng thêm 5 năm làm việc thì nguy cơ ung thư da cũng tăng lên với nữ tiếp viên hàng không.
Thời gian làm việc không có mối liên quan với ung thư vú, ung thư tuyến giáp với các nữ tiếp viên hàng không, nhưng lại có liên quan tới nhóm nữ tiếp viên không sinh con hoặc có từ 3 con trở lên.
Tiến sĩ Mordukhovich nói: “Nghiên cứu của chúng tôi mở ra những ưu tiên nghiên cứu trong tương lai về sức khỏe của tiếp viên hàng không, đồng thời đặt câu hỏi về những gì có thể được thực hiện để giảm thiểu sự tiếp xúc với yếu tố gây ung thư của phi hành đoàn”.
Nghiên cứu chỉ mới xem xét ảnh hưởng đến sức khỏe của các tiếp viên mà chưa đánh giá ảnh hưởng sức khỏe của những khách hàng thường xuyên bay.