Theo tiêu chí về sức khỏe liên quan đến đối tượng tuyển sinh năm 2019, Học viện Tòa án quy định nữ phải có cân nặng từ 48 – 60kg mới được dự tuyển.
Học viện Tòa án vừa ban hành Công văn 97/TANDTC-HVTA, hướng dẫn công tác sơ tuyển vào Học viện Tòa án năm 2019, trong đó đưa ra một số tiêu chuẩn sơ tuyển với thí sinh vào Học viện Tòa án.
Bên cạnh các tiêu chuẩn về trình độ, phẩm chất đạo đức, trường này có quy định về chiều cao và cân nặng. Cụ thể, đối với nữ cao từ 1m55 trở lên, cân nặng từ 48kg đến 60kg; Đối với nam cao từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 48kg đến 80kg.
Quy định về cân nặng của Học viện Tòa án gây thắc mắc trong dư luận.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Gia Đình Mới, Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh (Hà Nội) cho rằng, bản thân bà cảm thấy thắc mắc trước quy định nay của Học viện Tòa án.
“Tôi cũng chưa hiểu khi đưa ra quy định đấy thì trường dựa trên cơ sở khoa học nào. Vấn đề cân nặng ảnh hưởng gì đến tính chất công việc? Hay nói cách khác là yêu cầu công việc ấy cụ thể là yêu cầu gì liên quan đến cân nặng?".
Theo bà Minh, yêu cầu sức khỏe, chiều cao, cân nặng là tiêu chuẩn bắt buộc đối với một ngành rất đặc thù như trở thành phi công hay trong ngành công an, quân đội...
Vấn đề là do đặc thù công việc, sức khỏe xuất phát từ yêu cầu của công việc thì mới đề ra quy định, chứ không nên nhắm vào sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới tính.
Chính vì vậy, khi đưa ra quy định tuyển sinh giới hạn cân nặng, phía nhà trường cần làm rõ hơn về việc cơ sở nào, vị trí công việc mà người ta đào tạo cần những yêu cầu cụ thể nào để đáp ứng tốt cho vị trí công việc thì sẽ hợp lý hơn.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, bất kỳ ngành nào cũng đều có áp lực, yêu cầu riêng. Nghề nào cũng cần đến sức khỏe tốt, nhưng cốt lõi là cá nhân thí sinh biết dựa vào khả năng của mình về mọi mặt để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Riêng với ngành tòa án thì theo bà quan trọng nhất là trí tuệ, các chỉ số IQ, EQ, nhận thức… còn nếu yêu cầu về sức khỏe thì phải đưa ra các lý do thật đặc biệt, chi tiết, cụ thể, thỏa đáng cho từng nhóm ngành cụ thể thì mới thấy thuyết phục.
"Tôi hi vọng Học viện tòa án sẽ có những suy xét hợp lý để đưa ra tiêu chí cuối cùng chính xác và được sự đồng thuận của dư luận. Bởi nếu giữ nguyên quy định này sẽ là rào cản đối với những nữ sinh yêu thích ngành Tòa án, và vô hình lại có sự bất bình đẳng giới" - bà Minh khẳng định.
Nữ giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Vinh (trường Trần Đại Nghĩa, Hà Nội) cũng cho rằng, nhiều nữ học sinh của trường tuy hơi gầy (dưới 48kg) hay hơi mập (trên 60kg) nhưng lực học khá, tư duy tốt, rất phù hợp nếu các em được dư tuyển vào Học viện Tòa án.
"Không lẽ các nữ sinh gầy hay mập một chút lại phải đi tập GYM để sau 3 tháng nữa có cân nặng phù hợp với tiêu chuẩn của Học viện Tòa án? Tôi thấy có sự không hợp lý trong tiêu chuẩn này. Do đó, nếu Học viện Tòa án áp dụng quy định về cân nặng, nhiều nữ sinh sẽ không có cơ hội học tập và trở thành một cán bộ Tòa án trong tương lai" - cô giáo Vinh bày tỏ.