Khi đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chip người dân sẽ phải đi thay đổi/cập nhật thông tin trên các giấy tờ liên quan dưới đây.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như CMND/CCCD/hộ chiếu còn hạn...
Do đó, khi đổi chứng minh nhân dân (CMND) sang căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đặc biệt đổi CMND 9 số sang CCCD sẽ bị đổi số, các thông tin của người dân tại ngân hàng sẽ không khớp với giấy tờ tùy thân.
Vì vậy, khi giao dịch tại ngân hàng, người dân phải xuất trình thêm giấy xác nhận số CMND cũ hoặc CMND cũ đã cắt góc để ngân hàng đối chiếu thông tin, xác nhận đúng chủ tài khoản nhằm thực hiện các giao dịch (đặc biệt là rút tiền).
Nếu hai giấy tờ trên bị mất, ngân hàng sẽ phải từ chối giao dịch do không xác nhận được nhân thân của chủ tài khoản.
Vậy nên, để tránh gặp phiền phức khi mỗi lần đến ngân hàng làm việc đều phải mang giấy xác nhận CMND hoặc CMND đã cắt góc, người dân nên tiến hành cập nhật ngay thông tin về CCCD mới của mình.
Thủ tục cập nhật thông tin tại ngân hàng như sau: công dân mang theo giấy xác nhận số CMND 9 số hoặc CMND đã cắt góc, thẻ CCCD mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản, điền tờ khai là sẽ được giải quyết.
Đối với những người đang sử dụng số CMND 12 số, CCCD mã vạch khi đổi qua CCCD gắn chíp thì không cần thực hiện thủ tục đổi/cập nhật nêu trên do việc đổi sang CCCD gắn chíp không làm thay đổi sổ định danh của cá nhân (Trừ trường hợp trước đó có đổi từ CMND 9 số qua CMND12 số/CCCD mã vạch mà đến hiện tại vẫn chưa cập nhật thông tin).
Khi người dân đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip, số thẻ CMND sẽ bị thay đổi, chuyển từ 9 số sang 12 số. Người dân được cấp giấy xác nhận CMND cũ khi làm thủ tục này.
Giấy xác nhận CMND cũ được sử dụng khi thực hiện các giao dịch trong nước. Tuy nhiên, đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh, có thể bị cán bộ hải quan các nước làm khó nếu thấy thông tin trên CCCD và hộ chiếu không khớp nhau.
Do đó, ngay sau khi được cấp CCCD và giấy xác nhận CMND cũ, người dân cần tiến hành đi sửa đổi các thông tin trên hộ chiếu.
Việc sửa thông tin trên hộ chiếu khi thay đổi số CMND được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6, 7, 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA.
Theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH về mẫu sổ bảo hiểm xã hội, trang 2 sổ bảo hiểm xã hội có ghi thông tin số CMND/hộ chiếu/ thẻ căn cước của người tham gia. Trường hợp người tham gia vừa có CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước.
Tại Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, việc đổi hoặc điều chỉnh nội dung trên sổ bảo hiểm xã hội thực hiện trong các trường hợp sau:
- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên, trước đó, Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và CMND có nêu:
Nếu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số CMND, ngày cấp, nơi cấp Giấy CMND, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.
Số CMND hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan BHXH. Chính vì vậy, người lao động cần làm thủ tục điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để cơ quan bảo hiểm xã hội cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.