Người dân đang đi làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp thay thế Chứng minh thư 9 số và căn cước công dân đã hết hạn.
Một trong những câu hỏi người dân băn khoăn trước khi đi làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp là có được trang điểm đậm, nhuộm tóc hay có quy định gì về mặc trang phục không?
Theo Đoàn Luật sư Hà Nội, tại điểm d, khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định hiện hành về ảnh chân dung khi làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp như sau:
"Ảnh chân dung của công dân là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt".
Như vậy, hiện nay không có quy định bắt buộc người dân phải mặc trang phục gì, chỉ cần nghiêm túc, lịch sự và cũng không cấm người dân không được trang điểm hay nhuộm tóc…khi thực hiện chụp ảnh thẻ làm căn cước công dân gắn chíp.
Để đảm bảo các đặc điểm về nhận dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch pháp lý về sau, lực lượng cảnh sát sẽ hướng dẫn công dân chụp ảnh để làm căn cước gắn chip nên mặc áo sáng màu, không trang điểm quá đậm hoặc có tác động khác khiến khuôn mặt không rõ ràng trên ảnh chân dung.
Có được chụp lại ảnh căn cước công dân gắn chíp khi ảnh không đẹp?
Theo Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA, cán bộ làm công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp sau khi thu nhận vân tay và chụp ảnh chân dung của công dân, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin phải in Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân gắn chíp, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.
Như vậy, công dân có quyền kiểm tra và ký xác nhận về vân tay, ảnh của mình trên Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân gắn chíp.
Do đó, người dân có thể thỏa thuận với cán bộ tiếp dân, xin chụp lại ảnh nếu cảm thấy không ưng ý. Tuy nhiên, việc cho phép chụp lại hay không phụ thuộc vào cán bộ.
Thông thường, trên thực tế chỉ trường hợp ảnh thẻ không rõ mặt (nháy mắt, nghiêng đầu), không rõ hai tai hoặc tác phong không lịch sự thì công dân có quyền không xác nhận vào Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân gắn chíp và yêu cầu được chụp lại ảnh.
Theo Thông tư số 06/2021 của Bộ Công an, thẻ căn cước công dân gắn chip có hình chữ nhật, 4 góc được cắt tròn. Thẻ có chiều dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm và dày 0,76 mm giống kích thước của mẫu thẻ căn cước mã vạch đang lưu hành.
Ảnh chân dung của công dân được giữ nguyên kích thước 20x30 mm và nằm ở mặt trước của căn cước.
V.LinhBạn đang xem bài viết Trang điểm đậm, xăm mắt, xăm môi, nhuộm tóc có được làm thẻ Căn cước công dân gắn chip? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].