'Đây là sân chơi của tao, luật của tao', 'Bà không có tư cách' - màn đấu khẩu nặng mùi 'chợ búa' ngay giữa lớp học này phải chăng cho thấy đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại những giá trị của môi trường giáo dục giữa thời buổi kinh tế thị trường?
Tối 5/5, mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cuộc cãi vã giữa nữ giáo viên của một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội và nam học viên. Nó lập tức gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng bởi tính chất gay gắt, lời lẽ thoá mạ không đúng với chuẩn mực sư phạm. Cô giáo thậm chí văng tục và mắng thẳng vào mặt nam học viên là "mặt lợn", "mặt người óc lợn".
Cái giá nào cho hai tiếng "giáo viên"?
Những câu nói "Không thầy đố mày làm nên", "Nửa chữ cũng là thầy, một chữ cũng là thầy" đã in sâu vào tâm trí đến mức thuộc làu, nhưng nhìn vào thực tế với đủ kiểu "scandal" của ngành giáo dục hiện nay, dường như hai tiếng "thầy cô" không còn có giá trị như xưa nữa.
Hãy tạm gác sang một bên những giá trị tình cảm, đạo nghĩa, bởi tình cảm và đạo đức là phạm trù khó đong đếm mà đã đong đếm thì dễ thành méo mó, ta hãy nhìn vào giáo dục theo một cách "trần trụi" và lạnh lùng hơn.
Trong thời buổi mà người ta quan niệm "thứ gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền", rõ ràng rằng kiến thức là một thứ hàng hóa, và khi đã là hàng hóa thì học sinh được coi như người mua và giáo viên được coi như người bán.
Khác với cái thời "muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", ở nhiều môi trường giảng dạy ngày nay, việc truyền thụ kiến thức cũng như một dạng "tiền trao cháo múc", tôi bỏ ra 100 đồng thì anh phải cho tôi thứ tương xứng với giá trị của 100 đồng ấy, nếu không đừng trách tôi bảo anh "treo đầu dê bán thịt chó".
Thế nhưng câu hỏi ở đây là những giá trị vô hình như sự tôn trọng của giáo viên và học sinh dành cho nhau nằm ở đâu trong cái giá 100 đồng ấy?
Phải chăng giờ đây, muốn được giáo viên tôn trọng và đối xử như một con người chứ không phải như những "con lợn", những kẻ điếc hay những ca đựng nước giặt giẻ lau bảng, học sinh sẽ phải trả thêm cả "phí dịch vụ" mới được coi là đủ?
Lớp học là "sân chơi" của ai?
Từ những sự việc gây xôn xao dư luận: Giáo viên tát học sinh rồi bị người nhà học sinh đánh gãy sống mũi, cô giáo phạt quỳ học sinh rồi phụ huynh đến bắt cô giáo quỳ như một cách "ăn miếng trả miếng", có thể thấy rằng môi trường giáo dục đang tràn ngập những bất an, bất ổn và bất lực.
Phụ huynh bất an vì nơm nớp lo sợ mỗi khi lên báo thấy tin học sinh bị thầy cô nhiếc mắng, nhục mạ hay thậm chí là dùng bạo lực, không lẽ mỗi lần đưa con đến trường là một lần chúc con "thượng lộ bình an"?
Học sinh bất ổn vì chứng kiến quá nhiều mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của thầy cô lẫn phụ huynh: Sách vở giảng dạy những điều tốt đẹp nhưng vẫn phải coi việc "đi thầy" như một lẽ thường tình, phải làm ngơ khi thấy bạn bè bị đối xử bất công và im lặng khi thầy cô... im lặng.
Giáo viên bất lực vì dạy cũng chết mà không dạy... cũng chết, phụ huynh vừa muốn con ít áp lực cũng vừa muốn chạy theo thành tích, muốn con phát triển toàn diện nhưng phó mặc hết cho nhà trường, và cũng rất nhanh nhạy trong việc "bóc phốt" mà nhiều khi chưa cần biết đến việc xác minh.
Giữa những bất an, bất ổn và bất lực như thế, có lẽ khó có thể nói lớp học thật sự là "sân chơi" của ai, mà giống một chiến trường hơn.
Ở đó, tất cả đều cố đặt cái tôi của mình lên cao nhất, cho đến khi ngã ngũ, chẳng biết ai mới tổn thương xơ xác hơn ai.
"Có những cái sai không thể sửa được"
Nhân vật Trương Ba trong tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đã từng nói: "Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác".
Câu nói ấy có lẽ không chỉ đúng với anh Trương Ba đang khổ sở trong thân xác hàng thịt, mà có lẽ còn đúng với rất nhiều người khác nữa.
Mỗi khi lựa chọn một nghề nghiệp cũng như khi ta phải chọn việc khoác lên mình "chiếc áo" của nghề nghiệp ấy.
Nếu nó không vừa vặn, nếu những đường may gò ép chật chội, có lẽ ta nên chọn hoặc... giảm cân, hoặc thay một chiếc áo khác, thay vì cố sửa chiếc áo ấy theo vóc dáng của mình để làm nó méo mó, xấu xí hơn.
Nhưng có lẽ trước khi trông chờ vào ý thức của người mặc, chúng ta cũng cần những người bán áo có tâm.
Bởi nếu vẫn còn tình trạng bán đại trà, bán đổ bán tháo mà chẳng cần may đo cân nhắc như hiện nay, thì thẩm mỹ xuống cấp là điều không thể nào tránh khỏi.