Tác giả: Bùi Thị Mai Đông
Tóm tắt: Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực học đường (BLHĐ) đang diễn ra khá phổ biến ở mọi cấp học, lớp học và trở thành vấn đề quan ngại trong các trường học ở Việt Nam. Bài viết này phản ánh kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài: “Thực trạng bạo lực học đường và nhu cầu hỗ trợ của học sinh một số trường THPT Dân tộc nội trú trong phòng, chống BLHĐ” do nhóm giảng viên Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2023. Kết quả khảo sát giai đoạn đầu trên 102 học sinh lớp 12 trường trung học phổ thông (THPT) dân tộc nội trú (DTNT) cho thấy, trong suốt thời gian học tập và sinh sống tại trường DTNT, có 5,9% học sinh đã từng bị học sinh khác tấn công bằng dụng cụ (thắt lưng, gậy, gạch, đá…); 12,7% học sinh đã từng bị đánh/đấm/đạp (không sử dụng hung khí); 7,8% học sinh từng bị bạn cố tình xô đẩy, giằng co, làm đau, làm bị thương. Số học sinh bị bạo lực tinh thần chiếm từ 8,0 đến 13,7% tuỳ từng biểu hiện cụ thể. Số học sinh bị bạn trấn lột tiền, đồ đạc chiếm 11,8%. Số học sinh bị học sinh khác bắt phải xem văn hoá phẩm đồi truỵ để quấy rối tình dục chiếm 10,0%. Hầu hết học sinh tham gia khảo sát đều có nhu cầu được hỗ trợ để phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, nội dung và mức độ của nhu cầu hỗ trợ tuỳ thuộc vào từng nhóm đối tượng học sinh là nạn nhân hay học sinh có hành vi bắt nạt, bạo lực; học sinh chứng kiến bắt nạt, bạo lực.
Từ khoá: Bạo lực học đường, học sinh THPT, trường dân tộc nội trú, nhu cầu hỗ trợ.
THE CURRENT SITUATION OF SCHOOL VIOLENCE AND THE NEED FOR SUPPORT OF STUDENTS IN SCHOOL VIOLENCE PREVENTION: THE STUDY AT TWO ETHNIC MINORITY BOARDING HIGH SCHOOLS IN HOA BINH PROVINCE AND HANOI CITY
Abstract: Like many countries around the world, school violence is quite common at all levels and classrooms and has become a concern in schools in Vietnam. This article reflects the initial research results of the topic: „The current situation of school violence and the need for support of students at some ethnic boarding high schools in school violence prevention“ implemented by a group of lecturers from the Faculty of Social Work, Vietnam Women‘s Academy in 2023. The results of the first phase survey on 102 students in grade 12 of ethnic minority boarding high schools showed that during the period of studying and living at ethnic minority boarding schools, 5.9% of students have ever been attacked by other students with tools (belts, sticks, bricks, stones...); 12.7% of students have ever been beaten/punched/kicked (no weapon used); 7.8% of students have been intentionally pushed, struggled, hurt, or injured by their friends. The number of students experiencing mental violence ranges from 8.0 to 13.7% depending on the specific manifestations. The number of students whose friends robbed them of money and belongings accounted for 11.8%. The number of students forced to watch depraved cultural products for sexual harassment by other students accounts for 10.0%. Most students participating in the survey are in need of support to prevent school violence. However, the content and level of support needs depend on each group of students who are victims or students who commit bullying or violence; students witness bullying and violence.
Keywords: School violence, high school students, ethnic minority boarding schools, support needs.
1. Đặt vấn đề
Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp học độc lập” (Chính phủ, 2017). Bạo lực học đường gây tổn thương về thể chất, tinh thần, tổn thất về tài chính; ảnh hưởng đến kết quả học tập và quá trình hình thành nhân cách của học sinh; ảnh hưởng đến gia đình và nhà trường. Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, không có bạo lực; ngày 17 tháng 7 năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/ NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ nhằm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và các cấp địa phương thực hiện công tác phòng chống BLHĐ. Trước thực trạng BLHĐ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 12 tháng 4 năm 2019, Bộ GD-ĐT đã ra Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục, qua đó hướng dẫn, chỉ đạo cho các trường học lập kế hoạch triển khai thực hiện công tác này.
Trường THPT Dân tộc nội trú là hệ thống trường công lập chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, được nhà nước thành lập cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng này (Bộ GD&ĐT, 2016). Trường PTTH Dân tộc nội trú không chỉ là nơi các em học sinh người dân tộc thiểu số học tập mà còn là nơi các em ăn, ở ngủ, nghỉ trong suốt 3 năm học tại ký túc xá của trường; Vì vậy ngoài các vấn đề nảy sinh trong các trường THPT nói chung, trong các trường DTNT còn nảy sinh nhiều vấn đề khác có liên quan đến sinh hoạt cùng nhau, sống cùng nhau giữa những học sinh; trong đó bắt nạt, bạo lực học đường là vấn đề đáng quan ngại, cần được quan tâm nghiên cứu, tìm ra các giải pháp để phòng ngừa và giải quyết.
2. Tình hình nghiên cứu về bắt nạt/bạo lực học đường và nhu cầu của học sinh trong phòng chống bắt nạt/bạo lực học đường ở Việt Nam
- Nghiên cứu về hành vi bạo lực, bắt nạt học đường:
“Bạo lực học đường (BLHĐ) là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập” (Chính phủ, 2017). BLHĐ là sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để gây tổn hại ở trường hoặc trong các hoạt động liên quan đến nhà trường bao gồm nhiều hình thức bắt nạt, gây hấn, đánh nhau, đe dọa và tội phạm về vũ khí (Polanin & cộng sự, 2020). Bạo lực học đường là cụm từ dùng để chỉ những hành vi bạo lực xảy ra giữa các thành viên trong nhà trường (học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường) với nhau; hoặc do những đối tượng bên ngoài nhà trường (cha mẹ học sinh, học sinh cũ, các đối tượng xung quanh trường) gây ra cho các thành viên của nhà trường. Tuy nhiên, BLHĐ thường xảy ra phổ biến giữa học sinh với học sinh; giữa giáo viên với học sinh và ngược lại (Trịnh Thị Anh Hoa & cộng sự, 2018).
“Bạo lực học đường” có quan hệ mật thiết với “bắt nạt học đường”. Bắt nạt học đường (BNHĐ) là hành vi thể hiện sức mạnh về thể chất và tinh thần để đe dọa hoặc thực hiện các hành vi làm tổn thương người khác, nhằm kiểm soát và duy trì quyền lực với người bị bắt nạt. Hành vi bắt nạt không xảy ra một lần mà lặp đi lặp lại theo thời gian giữa những trẻ em trong độ tuổi đến trường” (Plan, 2015). BLHĐ và BNHĐ tuy không hoàn toàn là một nhưng cả hai loại hành vi này đều có liên quan đến hành vi, lối sống, thói quen, kỹ năng cá nhân, kỹ năng xã hội của cá nhân và văn hóa ứng xử gia đình, văn hóa ứng xử học đường, diễn ra ở trong hoặc ngoài phạm vi trường học. Học sinh thực hiện hành vi BLHĐ hay BNHĐ đều hướng đến mục đích: giải quyết mâu thuẫn, thể hiện quyền lực, thu hút sự chú ý, thể hiện sự không phù hợp, trả đũa. Cả hai loại hành vi này đều biểu hiện ở các hành vi cụ thể và đều được phân chia thành các nhóm: bạo lực/bắt nạt tinh thần (như: chửi bới, gọi tên bằng biệt hiệu xấu, bịa đặt, vu khống, tung tin đồn gây hiểu lầm, cô lập, xa lánh, tẩy chay, đánh đập...); Bạo lực/bắt nạt về thể chất (đấm đá, giật tóc, bạt tai, xô đẩy); bạo lực/bắt nạt vật chất/kinh tế (ép làm việc không theo ý muốn, lấy, xin đểu, cố ý sử dụng hoặc làm hỏng tài sản, đồ dùng học tập) và bạo lực/bắt nạt/quấy rối tình dục (ép nghe hoặc xem những hình ảnh khiêu dâm, cố ý đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Vì vậy, BNHĐ được xem là một biểu hiện của hành vi BLHĐ (Lê Minh Công & cộng sự, 2022).
- Nghiên cứu về thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của BLHĐ:
Bạo lực học đường là vấn đề toàn cầu, xảy ra ở mọi khu vực và quốc gia trên thế giới (UNESCO & UN Women, 2016). Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng hơn một tỉ trẻ em bị bạo lực để lại hậu quả về sức khỏe tâm thần (UNICEF, 2021). Nghiên cứu ở 5 nước châu Á gồm Nepan, Indonessia, và Pakistan, Cam- pu-chia, và Việt Nam với 9000 học sinh từ 12-17 tuổi cho thấy 7/10 học sinh đã từng trải qua các dạng bạo lực như tinh thần, thể chất, bạo lực tình dục (Plan, 2015). Ở Việt Nam, trong những năm gần đây bạo lực học đường ngày càng gia tăng và lan rộng trong các trường học. Trung bình cứ 5 học sinh thì có 1 học sinh đã từng vài lần xô xát với bạn ở trường học trong một năm học (Nguyễn Như Trang, 2017). Nghiên cứu khảo sát 468 học sinh trung học sơ sở tìm hiểu biểu hiện và mức độ của hành vi gây hấn của học sinh. Học sinh có hành vi gây hấn thái độ nhiều hơn là hành động; học sinh nam thường có hành vi gây hấn hành động, học sinh nữ gây hấn thái độ; những học sinh có học lực xuất sắc, giỏi có hành vi gây hấn với học sinh có học lực trung bình, yếu (Trần Hằng Ly, 2019). Bạo lực và phân biệt đối xử trong trường học có tác động tiêu cực đến môi trường, khả năng học tập của học sinh (Pinheiro, 2006). Việc bắt nạt, bạo lực, trừng phạt thân thể là phổ biến ở các trường học gây ra các hậu quả đối với học sinh như mất tập trung, tình trạng học kém và các vấn đề về sức khỏe tâm thần (Ncontsa & Shumba, 2013). Bạo lực học đường dẫn đến hậu quả tiêu cực về sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng đến kết quả học tập và trở thành tội phạm, phạm pháp (Polanin & cộng sự, 2020).
- Nghiên cứu về khó khăn và nhu cầu hỗ trợ của học sinh trong phòng chống BLHĐ
Học sinh có nhiều nguy cơ và khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống. Vì vậy, các em có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua những vấn đề đó (Kutash & Duchnowski, 2007). Các em cần được trang bị các kĩ năng để quản lí và giải quyết xung đột thông qua các khóa học với nhiều hình thức như sắm vai, thực hành tình huống. Giúp các em nâng cao kiến thức, kỹ năng về các tình huống bạo lực học đường. Thúc đẩy các giá trị về sự khoan dung, quan tâm và hỗ trợ của mọi người trong vấn đề giải quyết bạo lực học đường (Berkowitz, 2014). Nhân viên CTXH trong trường học cần có trách nhiệm báo cáo về các hành vi xâm hại học sinh và có trách nhiệm bảo vệ quyền, sự công bằng xã hội cho học sinh khi bị bạo lực, bắt nạt (Reyneke, 2020).
- Nghiên cứu về các giải pháp phòng, chống BLHĐ
Bạo lực, BNHĐ cần được giải quyết triệt để và toàn diện. Một trong những giải pháp để phòng tránh, bắt nạt, BLHĐ là phương pháp tâm lí học và giáo dục giá trị, giúp học sinh hiểu về giá trị của loài người, sự tự tôn dân tộc, giá trị gia đình, cộng đồng và giá trị bản thân, từ đó tập trung vào các hoạt động học tập và tham gia hoạt động ở nhà trường (Phạm Minh Hạc, 2016). Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức và tham vấn, tư vấn cho cán bộ, các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trong phòng ngừa BLHĐ (Lê Thị Xuân, 2018). BLHĐ là vấn đề toàn cầu, vì vậy, cần có sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc ứng phó với BLHĐ. Đưa nội dung kỹ năng sống vào trường học, đào tạo giáo viên kỹ năng kỷ luật tích cực và thu thập thông tin về vấn đề bảo vệ trẻ em (Nguyễn Thị Thu Hằng & Trần Ngô Thị Minh Tâm, 2013). Cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường, xã hội và nhận thức của chính bản thân học sinh (Trần Thị Mỵ Lương & Trần Hằng Ly, 2020).
Có thể thấy các nghiên cứu về bạo lực, bắt nạt học đường đã được thực hiện rất nhiều và chỉ ra những phát hiện đa dạng. Tuy nhiên, những nghiên cứu chuyên sâu về BLHĐ trong các trường THPT dân tộc nội trú và nhu cầu hỗ trợ của học sinh trong phòng chống BLHĐ hầu như chưa được quan tâm nghiên cứu.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết hợp các phương pháp: Nghiên cứu các văn bản, tài liệu có liên quan với điều tra bằng bảng hỏi 300 học sinh lớp các khối 10,11 và 12; Phỏng vấn sâu (PVS) 12 học sinh thuộc 3 khối lớp (mỗi khối 2 học sinh thuộc hai trường khác nhau); PVS 02 giáo viên chủ nhiệm lớp; 02 cán bộ công tác Đoàn, 02 đại diện cha mẹ học sinh và 02 cán bộ quản lý của hai trường THPT dân tộc nội trú để tìm hiểu về thực trạng BLHĐ và nhu cầu hỗ trợ của học sinh trong phòng chống BLHĐ. Việc khảo sát được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu vào tháng 5, do học sinh khối 10 và 11 đã nghỉ hè nên chỉ khảo sát học sinh lớp 12. Tháng 9 khảo sát học sinh khối lớp 10 và 11. Các số liệu và dữ liệu trong bài viết chỉ phản ánh kết quả nghiên cứu ở giai đoạn đầu.
4. Thực trạng bạo lực học đường tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Hoà Bình và trường Hữu Nghị T78, Hà Nội
- Về các hành vi phổ biến và mức độ thường xuyên xảy ra
Kết quả khảo sát giai đoạn đầu trên 102 học sinh khối lớp 12 của hai trường cho thấy các hành vi bắt nạt, bạo lực phổ biến khá đa dạng và có một số hành vi rất manh động, trong đó:
Các hành vi bạo lực về thể chất:
Trong các hành vi bạo lực thể chất (làm tổn thương thể chất), hành vi bạo lực có sử dụng hung khí (thắt lưng, gậy gộc, gạch, đá) xảy ra mỗi tuần 1-2 lần chiếm tỉ lệ cao nhất, sau đó là hành vi bắt nạt cấm không cho sử dụng bình nóng lạnh hoặc bắt phải chờ đợi lâu. Các hành vi khác đều xảy ra nhưng chiếm tỉ lệ thấp ở các mức độ thường xuyên.
Biểu đồ 1. Mức độ thường xuyên xảy ra các hành vi bạo lực về thể chất
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023.
+ Các hành vi bạo lực về tinh thần:
Biểu đồ 2 cho thấy, trong các hành vi gây tổn thương về tâm lý, cả 4 hành vi bạo lực tinh thần mà đề tài đưa ra khảo sát đều xảy ra khá thường xuyên ở mức độ diễn ra hằng ngày và mỗi tuần 1 vài lần (chiếm tỷ lệ từ 17-31%). Các hành vi: miệt thị, xúc phạm danh dự, gọi bằng từ lóng, trêu chọc ác ý, nói những lời không hay trước tập thể diễn ra không chỉ khá thường xuyên ở mức độ hằng ngày và mỗi tuần một vài lần mà ở mức độ mỗi tháng 1 vài lần cũng được nhiều học sinh lựa chọn (18-20%).
Biểu đồ 2. Mức độ thường xuyên xảy ra các hành vi bạo lực về tinh thần
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023
+ Các hành vi bạo lực về kinh tế/ tài chính
Khác với các hành vi bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần. Nhìn một cách tổng thể Các hành vi gây bạo lực kinh tế xảy ra ít thường xuyên hơn. Hành vi phổ biến nhất, diễn ra hàng ngày là hành vi trấn lột tiền bạc, đồ đạc của bạn (hơn 25%) sau đó là các hành vi diễn ra mỗi tuần chỉ 1 vài lần nhưng được nhiều học sinh chọn lựa, đó là hành vi cố tình làm rách, bẩn, hỏng quần áo, sách/vở, đồ dùng học tập, tư trang cá nhân ở mức độ mỗi tuần 1-2 lần. Sau đó là các hành vi: “Giật đồ, bắt giao nộp đồ ăn, thức uống và hành vi “Quăng/ném, cố tình làm hư hỏng đồ dùng học tập, đồ đạc, tư trang cá nhân” (đều chiếm tỉ lệ từ 27-28% ở mức độ mỗi tuần 1-2 lần).
Biểu đồ 3. Mức độ thường xuyên xảy ra các hành vi bạo lực về kinh tế
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023
+ Các hành vi quấy rối/lạm dụng tình dục
Một số liệu rất đáng quan tâm là trong 4 hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục mà đề tài đưa ra khảo sát thì hành vi “Bắt bạn xem văn hoá phẩm đồi truỵ để khiêu dâm„ diễn ra hằng ngày giữa các em học sinh lớp 12 chiếm tỉ lệ 23%. Các hành vi bạo lực tình dục khác đều xảy ra nhưng với mức độ thường xuyên đều thấp (từ 4 - 12%).
Biểu đồ 4. Mức độ thường xuyên xảy ra hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023
Về các dạng bạo lực học đường:
Trong các dạng bắt nạt, bạo lực học đường, bạo lực giữa một nhóm học sinh với cá nhân một học sinh diễn ra phổ biến nhất với điểm trung bình (ĐTB) là 2.64, tiếp đến là dạng bạo lực giữa các nhóm học sinh với nhau (ĐTB 2.54); bạo lực giữa cá nhân học sinh với một nhóm học sinh (ĐTB 23.8) và bạo lực giữa cá nhân với cá nhân học sinh (ĐTB 2.34).
- Về địa điểm diễn ra hành vi bắt nạt, bạo lực:
Kết quả khảo sát cho thấy các hành vi bạo lực diến ra rất nhiều nơi, tuy nhiên, địa điểm thường xuyên xảy ra nhất là ở góc khuất trong khuôn viên trường học như nhà vệ sinh, gầm cầu thang...(chiếm tỉ lệ 45,0%); tiếp theo là xảy ra ngay trong lớp học (43,0%); xảy ra ngoài đường, nơi vắng người qua lại (35,0%); xảy ra ngoài cổng trường (20,0%) và xảy ra ở những nơi công cộng (công viên, ngoài chợ, siêu thị) chiếm tỉ lệ thấp (2-4%).
- Về nạn nhân của hành vi bắt nạt, bạo lực:
Trong số 102 học sinh tham gia khảo sát có 5.9% học sinh bị cho biết em đã từng bị học sinh khác tấn công bằng dụng cụ (thắt lựng, gậy, gạch, đá…); 12,7% học sinh bị đánh/ đấm/đạp (không sử dụng hung khí); 7.8% học sinh bị xô đẩy, giằng co làm đau, bị thương và 10.0% học sinh bị học sinh khác cấm không cho sử dụng nhà vệ sinh, bình nước nóng lạnh hoặc cố tình bắt phải chờ đợi lâu. Như vậy, nếu tính cả 4 mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực thì số học sinh đã từng là nạn nhân của bạo lực thể chất chiếm tới 36,4%. Số học sinh là nạn nhân của các hành vi bạo lực tinh thần chiến 8,0 đến 13,7%, trong đó, học sinh bị bạn khác miệt thị, xúc phạm (gọi bằng biệt danh xấu như: còi, thọt, lé, lác, con hoang...) chiếm tỉ lệ 13,7%. Số học sinh là nạn nhân của hành vi trấn lột tiền, đồ đạc chiếm tỉ lệ 11,8%. Điều đáng quan tâm là số học sinh bị học sinh khác bắt phải xem văn hoá phẩm đồi truỵ để khiêu dâm chiếm tỉ lệ không nhỏ (10,0%) và có tới 9,0 % số học sinh tham gia khảo sát cho biết em đã từng bị bạn khác giới/cùng giới gạ gẫm quan hệ tình dục dưới các hình thức khác nhau. Hầu hết nạn nhân của bắt nạt, bạo lực học đường là học sinh nữ. Một số là học sinh nam có vóc dáng nhỏ bé, yếu ớt, không có khả năng chống trả, một số em hiền lành ít nói; một số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là con hộ nghèo, thiếu tự tin. Tuy nhiên, cũng có nạn nhân là nam học sinh, có dáng vóc to cao, khoẻ mạnh nhưng ngông nghênh, hợm hĩnh, tự cao, tự đại hoặc thu hút sự chú ý của nhiều học sinh nữ.
- Về học sinh có hành vi bắt nạt, bạo lực:
Điều khá thú vị là trong số 102 học sinh tham gia khảo sát, số học sinh thừa nhận mình chính là thủ phạm chính của các hành vi bạo lực chiếm tỉ lệ không nhỏ; trong đó, số học sinh thừa nhận đã thực hiện các hành vi bạo lực thể chất chiếm từ 2,9 – 5,0%; số học sinh tự nhận đã thực hiện các hành vi bạo lực tinh thần chiếm 3,0 - 8,8%; hành vi trấn lột tiền, đồ đạc của người khác chiếm 6,9%. Đa số những học sinh này có kết quả học tập trung bình, hạnh kiểm khá. Trong đó, có em bố mẹ đã ly hôn hoặc đang sống ly thân hoặc bố/mẹ đi làm ăn xa nhà.
- Về học sinh chứng kiến hành vi bắt nạt, bạo lực
Cách ứng phó/xử lý của học sinh chứng kiến vụ việc BLHĐ cũng rất khác nhau. Trong số 102 học sinh tham gia khảo sát, số học sinh chứng kiến học sinh khác bị bắt nạt, bị bạo lực nhưng lờ đi coi như không biết gì chiếm 14%. Có 68,0% học sinh cho biết các em thường báo ngay cho thầy cô giáo hoặc người lớn biết để can thiệp. 18,2% số học sinh kêu gọi những người xung quanh giúp đỡ, ngăn chặn hành vi đang diễn ra. 13,1% số học sinh chia sẻ (kể lại) vụ việc với bạn bè hoặc người thân. 13,1% số học sinh báo cáo cho thầy cô giáo hoặc nói với bố mẹ.
5. Nhu cầu hỗ trợ của học sinh trường THPT Dân tộc nội trú trong phòng chống BLHĐ
- Nhu cầu hỗ trợ phòng ngừa bạo lực học đường của mọi học sinh
Kết quả khảo sát cho thấy, trong các nhu cầu hỗ trợ thì nhu cầu được tham gia các hoạt động xã hội chiếm tỉ lệ cao nhất với số điểm trung bình là 3,47/5 điểm, sau đó là các nhu cầu: Được chăm sóc bảo vệ sức khoẻ thể chất, tinh thần (ĐTB 4,41); Được giáo dục kỹ năng sống an toàn, khoẻ mạnh (ĐTB 3,29); Được giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử (ĐTB 3,17). Nhu cầu được truyền thông, nâng cao nhận thức về bạo lực học đường thấp nhất nhưng cũng có số điểm trung bình là 2,81. Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này, một giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết nhà trường thường xuyên truyên truyền, phổ biến phòng chống bạo lực học đường trong các buổi chào cờ đầu tuần, dưới sân trường. Thỉnh thoảng có tổ chức nói chuyện chuyên đề. Ngoài ra, các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên phổ biến, quán triệt trong các buổi sinh hoạt lớp nên các em đều biết hết. Một học sinh lớp 12 chia sẻ: Ngày nào chúng em cũng vào mạng nên các thông tin về bạo lực học đường chúng em đều biết. Hơn nữa, có thông tin gì thì báo, đài, ti vi đều đưa tin.
Biểu đồ 5. Nhu cầu hỗ trợ phòng ngừa bắt nạt, bạo lực học đường của mọi học sinh
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023
- Nhu cầu hỗ trợ của học sinh chứng kiến bắt nạt, bạo lực học đường
Biểu đồ 6. Nhu cầu của học sinh khi chứng kiến bắt nạt, bạo lực
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023
Các nhu cầu hỗ trợ của học sinh chứng kiến vụ việc bắt nạt, bạo lực học đường đều cao, (ĐTB từ 3,22 đến 3,06). Trong đó, số học sinh có nhu cầu được hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn hành vi bạp lực chiếm tỉ lệ cao nhất với ĐTB 3.22; tiếp theo là học sinh có nhu cầu được bảo vệ khi tố cáo hành vi bắt nạt/bạo lực với ĐTB 3,20; sau đó là nhu cầu được hướng dẫn cách xử lý khi phát hiện có bắt nạt, bạo lực với ĐTB là 3,18. Số học sinh có nhu cầu được khen thưởng khi tố cáo, ngăn chặn hành vi bạo lực cũng khá cao với ĐTB là 3,06. Một học sinh lớp 12 chia sẻ: “Lúc nhìn thấy các bạn đánh nhau, em rất sợ nhưng không biết phải làm gì. Không phải bạn nào cũng dám mách thầy cô giáo khi biết có bạn đang bị bắt nạt vì sợ các bạn ấy trả thù”.
- Nhu cầu hỗ trợ của học sinh khi bị bắt nạt/bạo lực
Trong các nhu cầu được hỗ trợ của học sinh bị bắt nạt, bị bạo lực thì số học sinh có nhu cầu Được bảo vệ kịp thời khi bị bạo lực chiếm tỉ lệ cao nhất với ĐTB 3,47, sau đó là nhu cầu Được hướng dẫn cách thoát thân, tự bảo vệ khi bị bạo lực (ĐTB 3,39); tiếp đến là nhu cầu Được hướng dẫn cách ứng phó với nguy cơ bị bạo lực (ĐTB 3,35); nhu cầu Được bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp (ĐTB 3,14). Số học sinh có nhu cầu được tham vấn tâm lý, giải toả cảm xúc tiêu cực và Được chăm sóc y tế khi bị đau, bị thương do bạo lực tuy không cao như các nhu cầu khác song ĐTB đều khá cao (2,90 -2,80).
Biểu đồ 7. Nhu cầu hỗ trợ của học sinh khi bị bắt nạt, bạo lực
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023
Nhu cầu hỗ trợ của học sinh có hành vi bắt nạt/bạo lực
Trong các nhu cầu của học sinh có hành vi bắt nạt, bạo lực thì nhu cầu Được giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn/xung đột chiếm được nhiều học sinh lựa chọn nhất với ĐTB 3,35; sau đó là nhu cầu Được giáo dục kỹ năng sống an toàn, khoẻ mạnh (ĐTB 3,30); nhu cầu Được giáo dục thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi (ĐTB 3,19). Nhu cầu Được tham vấn tâm lý, giải toả cảm xúc tiêu cực và nhu cầu Được đối xử công bằng trong xử lý hành vi bạo lực có mức độ tương đương nhau (ĐTB đều bằng 3,18). Nhu cầu Được tôn trọng (không bị quát, mắng, thoá mạ, đánh đập... khi vi phạm kỷ luật) thấp nhất nhưng cũng đạt số điểm trung bình là 2,91.
Biểu đồ 8. Nhu cầu hỗ trợ của học sinh có hành vi bắt nạt, bạo lực
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài năm 2023
6. Kết luận và khuyến nghị
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường đang diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp trong các trường THPT Dân tộc nội trú. Để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với bắt nạt và BLHĐ; nhà trường, gia đình và các thầy cô giáo cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Nhà trường cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức truyền thông nâng cao nhận thức về BLHĐ. Cần tăng cường các biện pháp giáo dục và quản lý học Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và kỹ năng giáo tiếp, ứng xử trong trường học. Tăng cường phối kết hợp với gia đình và các tổ chức xã hội xây dựng mạng lưới phòng chống BLHĐ, tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh. Hằng năm, tổ chức ít nhất một khoá tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm lớp về tâm lý lứa tuổi học sinh THPT và kỹ năng tham vấn, tư vấn cho học sinh có nguy cơ bị BLHĐ và học sinh có hành vi gây hấn.
- Các thầy cô giáo, anh chị phụ trách đoàn, cán bộ quản lý học sinh cần quan tâm, gần gũi học sinh, đặc biệt là những học sinh có nguy cơ bị bắt nạt/bạo lực. Theo dõi, phát hiện những dấu hiệu của BLHĐ đề can thiệp sớm. Cần động viên, khích lệ học sinh chia sẻ cảm xúc, nói ra những tình huống BLHĐ với thầy cô giáo, cha mẹ hoặc bạn bè để được hướng dẫn cách giải quyết. Khi giải quyết các vụ việc bắt nạt/bạo lực, cần khách quan, công bằng, đảm bảo sự tôn trọng học Chú trọng giáo dục thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi cho những học sinh hay vi phạm kỷ luật, thường xuyên có hành vi gây hấn.
- Để phòng ngừa bắt nạt, BLHĐ, cha mẹ học sinh cần thường xuyên phối hợp với các thầy cô giáo trong việc giám sát con có biểu hiện bị bắt nạt hay có ý định bắt nạt, bạo lực đối với bạn không. Tăng cường việc trò chuyện với con, tìm hiểu suy nghĩ, những khó khăn con phải đối mặt. Cùng con đọc các tài liệu về kỹ năng sống, giá trị sống. Nếu có thể, hãy cho con tham gia các khóa học ngắn về giá trị sống, kỹ năng sống. Yêu cầu con tham gia hoạt động thể dục thể thao, giúp con giải trí lành mạnh, giải phóng năng lượng dư thừa, không lãng phí thời gian.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Giáo dục & Đào tạo (2016). Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt đông của trường phổ thông dân tộc nội trú.
- Chính phủ (2017). Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
- Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam (2016). Phòng chống bạo lực học đường trong bối cảnh hiện nay, thực trạng và giải pháp. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Lê Minh Công, Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thị Thanh Tùng & Nguyễn Đức Nam (2022). Sổ tay hướng dẫn thực hành công tác xã hội trong trường học. Tài liệu do Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với UNICEF biên soạn.
- Lê Vân Anh (2013). Nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa hành vi đánh nhau ở học sinh trong nhà trường phổ thông. Tạp chí Giáo dục, số 307.
- Ncontsa, V. N. & Shumba, A. (2013). The Nature, Causes and Effects of School Violence in South African High Schools. South African Journal of Education, 33(3), pp. 671.
- Nguyễn Thị Mai Hương (2017). Bạo lực học đường tại các trường trung học cơ sở và công tác xã hội trường học đến vấn đề này. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Giải pháp phát triển Công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Lao động – Xã hội.
- Nguyễn Thị Như Trang (2018). Bạo lực học đường từ góc nhìn của người trong cuộc. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Plan International (2015). Findings on School Related Gender Based Violence (SRGBV) research.
- Polanin, J. R., Espelage, D. L., & Grotpeter, J. K. (2020). The consequences of school violence: A systematic review and meta-analysis”. Final report to the National Institute of Justice, award number 2016-CK-BX-0012, NCJ 254672.
- Reyneke, R. (2020). The legal and ethical obligations of school social workers. Social Work. pp.157-174.
- Trần Thị Mỵ Lương & Trần Hằng Ly (2020). Gây hấn học đường ở học sinh trung học cơ sở - nghiên cứu tại tỉnh Nghệ Tạp chí Giáo dục, số 478, tr. 60-64.
- Trịnh Thị Anh Hoa, Lê Vân Anh & Lưu Thu Thuỷ (2018). Cẩm nang phòng chống bạo lực học đường cho học sinh trung học. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam.
Bạn đang xem bài viết Thực trạng bạo lực học đường và nhu cầu hỗ trợ của học sinh trong phòng, chống bạo lực học đường tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].