Sau khi đặt sụn silicon để nâng mũi tại Spa, cô gái trẻ thấy mũi bị sưng nề, đau nhức, chảy dịch và nhiễm trùng…
Cô gái trẻ 19 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh đi nâng mũi bằng phương pháp đặt sụn silicon tại một Spa gần nhà và kết quả đẹp đâu chưa thấy mà mũi thì lại hỏng.
Sau khi nâng mũi tại cơ sở này khoảng 1 tháng, cô gái trẻ thấy mũi sưng nề, đau nhức nhiều đã đến khám tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí.
Tại Bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ thấy sống mũi, cánh mũi người bệnh sưng nề, chính giữa mũi ấn mềm lõm, ấn đau, có dịch. Người bệnh được chẩn đoán áp xe vùng sống mũi và tiền đình mũi sau phẫu thuật nâng mũi.
Người bệnh đã được nhập viện, tiến hành rút sụn silicon, bơm rửa vệ sinh hốc mũi hàng ngày. Sau theo dõi điều trị tại khoa Tai Mũi họng 7 ngày, người bệnh đã tránh được biến chứng nguy hiểm sau nâng mũi, đó là nguy cơ thủng vách ngăn mũi.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là chị em nếu có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn cơ sở được cấp phép của Bộ Y tế và phẫu thuật viên phải có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ để tránh những hậu quả khôn lường đến sức khoẻ bản thân.
Phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, tạo hình chữ S (S-line), chữ L (L-line) là những phẫu thuật thẩm mỹ được các chị em ưa chuộng hiện nay.
Mặc dù mong muốn bản thân trở nên đẹp và hoàn hảo hơn là nhu cầu tất yếu của mỗi người, đặc biệt là với phái đẹp. Tuy nhiên chị em phụ nữ cần hết sức cẩn trọng khi lựa chọn cơ sở làm đẹp cho bản thân. Tránh tình trạng đẹp chưa thấy đâu mà đã phải chịu những hệ luỵ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Khi đi phẫu thuật nâng mũi, nếu thực hiện tại các cơ sở không đảm bảo, người tiến hành phẫu thuật nâng mũi không có chuyên môn tốt thì người đi làm đẹp rất dễ gặp phải những biến chứng sau nâng mũi như:
- Nhiễm trùng
- Mũi bị đau nhức, chảy dịch, xuất hiện các ổ áp xe, thậm chí hoại tử mũi
- Mũi bị lệch sau nâng mũi: thường gặp nhất
- Sống mũi, đầu mũi bị đỏ, bóng
- Lộ sống mũi, lộ đầu mũi
- Đầu mũi quá to, mất cân xứng
- Hai lỗ mũi không cân xứng, biến dạng sau khi nâng mũi
- Trụ mũi (chân mũi) bị lệch
- Trường hợp nâng mũi nhưng chưa đẹp: sau khi nâng mũi vẫn thấp, đầu mũi bị hếch lên, đầu mũi bị nhọn, hoặc mũi quá cao…
Có nhiều nguyên nhân gây ra các biến chứng kể trên, có thể do đường mổ bị lệch, dùng sống mũi quá cứng hoặc quá dài, sống mũi bị trôi tuột, đặt sát da, không xử lý tốt phần xương mũi bị gồ, chưa sử dụng sụn tự thân trong một số trường hợp bắt buộc…
Với các trường hợp gặp phải biến chứng khi đi nâng mũi, nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để xử lý biến chứng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ.
Phương pháp xử lý các biến chứng rất đa dạng, đối với mũi bị lệch thì tốt nhất là mổ lại, tạo khoang mới đặt sống mũi thích hợp.
Với trường hợp lộ sống mũi, lộ đầu mũi, nên mổ sớm, lấy bỏ sống cũ, đặt lại sống mũi mềm phù hợp hơn, có thể kèm ghép sụn tự thân hoặc ghép mô khác…
Trường hợp mũi bị bóng, đỏ cần thay sống mềm mại hơn, có thể kèm ghép sụn tự thân hoặc ghép mô khác nếu thấy cần thiết.
Đối với biến dạng ở lỗ mũi, trụ mũi sẽ phải dùng các kỹ thuật tạo hình, có trường hợp phải dùng sụn tự thân để sửa chữa các biến dạng.
Và quan trọng là sau mổ cần phải cố định kỹ, nên tái khám trong những ngày đầu.