Với vụ việc cả làng lây nhiễm HIV tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, những người sau khi được phát hiện mắc bệnh đều được hỗ trợ tư vấn tâm lý, thuốc điều trị, dụng cụ can thiệp… để bảo vệ sức khoẻ cũng như tránh lây lan ra cộng đồng.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Bộ Y tế có hệ thống giám sát thường xuyên về lây nhiễm HIV/AIDS trên cả nước thông qua các cơ sơ khám chữa bệnh, giám sát nhóm hành vi nguy cơ cao như ma tuý, mại dâm, bạo tình… Và khi có sự bất thường, một hệ thống giám sát bất thường khác sẽ tiến hành nghiên cứu chuyên biệt.
Vụ việc ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nằm trong hệ thống giám sát thường xuyên, mỗi năm phát hiện một vài ca. Ca đầu tiên bắt đầu từ năm 2012, nhưng từ 2016, 2017, số người mắc tăng nhanh, chính vì vậy tiến hành khảo sát, xét nghiệm trên cả xã và phát hiện 42 người mắc bệnh.
"Ở đây là sự vào cuộc chủ động ngành y tế thông qua sự giám sát thường quy cho nên vụ việc không phải tự nhiên mà là sự vào cuộc, giám sát chuyên biệt dựa trên giám sát thường quy ở tỉnh Phú Thọ", ông Cảnh nhận định.
Chỉ có khác biệt, sự việc có nhiều vấn đề vì số người mắc phần lớn là phụ nữ với tỉ lệ rất cao 26/42 người trong khi thông thường tỉ lệ phụ nữ mắc HIV chỉ chiếm 1/3. Ngoài ra, vụ việc cũng phát hiện có trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi, người già >80 tuổi cũng bị lây nhiễm. Điều đó đồng nghĩa, có thể con đường lây nhiễm qua đường máu do tiêm chích, tiếp xúc máu…
Ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, xét về tình hình dịch, đây là một xã có số mắc cao, phát hiện ổ dịch tiềm tàng. Đó cũng là lời cảnh báo cho các khu vực khác, để mọi người hiểu được sự nguy hiểm, tiềm ẩn của dịch bệnh và bắt buộc cần có hệ thống giám sát thường xuyên, giám sát định kỳ sát sao.
Phía đại diện Bộ Y tế chia sẻ, mục tiêu xuyên suốt Bộ Y tế đề nghị tỉnh Phú Thọ là lấy sức khoẻ người dân làm đầu. Bộ Y tế cũng đề nghị Phú Thọ cần điều động 2 chuyên gia tâm lý đến cho những người nhiễm bệnh, bởi vì người bị mắc sẽ có những cú sốc tâm lý, ngoài ra còn có những tư vấn cho gia đình và cộng đồng xung quanh.
Sau khi ổn định tâm lý sẽ cấp thuốc sử dụng ngay. Sự việc đã xảy ra, cần giải quyết kịp thời, những người không may nhiễm HIV cần tư vấn và cấp thuốc điều trị. Với thuốc hiện nay, chỉ sau 3 tháng điều trị, lượng virut trong máu giảm xuống giúp họ sinh hoạt bình thường, khả năng lây nhiễm rất thấp
Bộ Y tế sẽ cấp thuốc, bao cao su, dụng cụ can thiệp… cũng như sẵn sàng thiết lập phòng khám tư vấn, điều trị miễn phí cho những người đã lây nhiễm cũng như nghi ngờ mình nhiễm bệnh.
Chia sẻ về nghi vấn lây truyền qua sử dụng chung kim tiêm, ông Hoàng Đình Cảnh nhận định, hiện nay vẫn chưa có bất cứ cơ sở để kết luận nguyên nhân lây truyền bệnh.
“Về mặt khách quan, khoa học, HIV lây từ 4 con đường: mẹ lây sang con, lây qua máu, lây qua quan hệ tình dục và do tiêm chích không an toàn. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân lây truyền tại xã Kim Thượng này và cần phải tìm rõ con đường lây lan.
Chúng tôi đã đề nghị các đồng chí công an vào cuộc tiến hành kiểm tra, đồng thời tiến hành nghiên cứu khoa học về dịch tễ, dịch học đánh giá sự việc này. Nếu việc gây lây nhiễm bệnh chính là do sử dụng chung kim tiêm tại cơ sở tư nhân, chắc chắn, y sĩ sẽ bị truy xét hình sự. Vì vậy, còn tìm hiểu kỹ để xét xử đúng người, đúng tội”, ông Cảnh cho biết.
Ngoài ra, về kiến thức khoa học, ông Cảnh cho biết, virut HIV sống lâu nhất trong tử thi là 3 ngày, gần như không thể tồn tại trong môi trường bên ngoài.