Nguy cơ bỏng lửa, ngộ độc khí than khi đốt lửa sưởi ấm trong mùa đông

Miền Bắc đang trải qua những ngày rét đậm, để tránh rét, nhiều người dân đốt lửa trong nhà sưởi ấm. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn nguy cơ bỏng lửa, ngộ độc khí than.

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) đã tiếp nhận 2 ca bệnh nhi bị bỏng lửa do gia đình đốt than, củi sưởi ấm.

Đó là trường hợp bé M.B.T. (11 tháng tuổi) được người nhà đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng quấy khóc; da vùng mặt, bàn tay trái có nhiều nốt phỏng nước và vết trợt…

Theo lời kể của gia đình, trẻ được mẹ cho ngồi ghế sưởi ấm, trong lúc mẹ đi lấy nước không để ý, cháu bị ngã, vùng mặt tiếp xúc trực tiếp vào chậu than đang sưởi. Sau khi thăm khám, trẻ được chẩn đoán bị bỏng độ I, II, diện tích: 5%.

Một trường hợp khác là bé H.A.H. (5 tháng tuổi) được người nhà đưa đến trong tình trạng quấy khóc, toàn bộ da vùng mặt có nhiều phỏng nước và vết trợt, chẩn đoán: bỏng độ I, II, diện tích: 6%, giai đoạn sốc bỏng.

Nguyên nhân trẻ bị bỏng là do bé được mẹ tắm gần bếp củi để sưởi ấm, sau tắm mẹ đưa bé cho con gái lớn bế để mẹ đi lấy quần áo mặc cho bé.

Trong lúc bế em, người chị vô tình làm em bị ngã, làm vùng mặt của bé H. tiếp xúc trực tiếp với bếp củi đang sưởi.

Hiện, hai trẻ này vẫn đang được điều trị tại TTYT huyện Si Ma Cai trong tình trạng sức khỏe đã ổn định, các nốt bỏng đã khô dần, các bé đỡ quấy khóc và bú mẹ được.

Trong những ngày giá rét, người dân miền Bắc, nhất là những người ở vùng cao thường có thói quen đun củi, đốt than sưởi ấm. Cách sưởi ấm này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, bỏng lửa và nhiễm độc khí than đốt rất cao.

Để hạn chế những tai nạn xảy ra do đốt than, củi sưởi ấm, mới đây, Bộ Y tế đã  có Công điện số 38/CĐ-BYT về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ cần tham mưu cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống rét; phối hợp với các cấp, ngành địa phương tuyên truyền cảnh báo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống rét.

Đốt củi, than để tránh rét có nguy cơ bị bỏng lửa, cháy nổ, ngộ độc khí than... Ảnh minh họa

Cụ thể, cảnh báo để nhân dân biết, cảnh giác với nguy cơ cháy nổ, bỏng lửa, điện giật do sưởi ấm bằng điện và nhiễm độc khí than đốt do sưởi ấm bằng bếp than, củi trong nhà kín.

Cùng với đó, khuyến cáo người dân che chắn nhà cửa, giữ ấm cơ thể, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nước uống; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; không ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, để lâu ngày.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần có hướng dẫn cho người dân, trong đó đối với trẻ em cần giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, còn người già cần tránh thay đổi đột ngột vị trí tránh bị nhiễm lạnh, phòng chống đột quỵ. Khi trẻ có các triệu chứng ho kéo dài từ 3-5 ngày, kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi thì có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, hoặc pha nước muối ấm để súc họng giúp thông thoáng đường hô hấp trên, tránh viêm mũi, họng; đồng thời, tiêm phòng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Khi thấy có những biểu hiện bất thường như: Nói ngọng, tê bì hoặc liệt nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, hen suyễn; ho, sốt cao, khó thở..., cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần bảo đảm cơ số thuốc điều trị và dự phòng cho người dân; bảo đảm tốt chế độ trực; tăng cường kiểm soát đối với các bệnh huyết áp, tim mạch, hô hấp..., đặc biệt ở người già và trẻ em.

Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động bảo đảm các điều kiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh. Nơi chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị cho người bệnh phải kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan