Nghiên cứu: Khủng hoảng gia đình và những nguyên nhân rạn nứt tổ ấm

Trong xã hội ngày nay, sự biến đổi không ngừng của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tác động không nhỏ đến mỗi gia đình.

GS.TS Lê Thị Quý bàn về nguyên nhân gây ra rạn nứt gia đình

Kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ tới quan hệ gia đình

Tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề bức xúc này sinh trong các mối quan hệ gia đình sẽ là một tiền đề thuận lợi cho việc hoạch định các chính sách quản lý Nhà nước về gia đình nhằm giảm tối thiểu tác động tiêu cực do những bức xúc trên gây ra.

Có rất nhiều nguyên nhân của những bức xúc trong gia đình hiện nay nhưng nguyên nhân có nguồn gốc do điều kiện kinh tế - xã hội (59,5%) là nguyên nhân được đánh giá cao nhất, tiếp theo là các nguyên nhân do môi trường văn hóa giáo dục, lối sống tiêu cực (48,2%), do nền tảng gia đình không vững chắc (21,6%) và một vài nguyên nhân khác (0,25%)

Trước hết phải đề cập đến nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội làm hình thành những bức xúc trong các gia đình. Rõ ràng là trong những năm gần đây, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã đem lại sự thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân.

Tuy vậy, ở một mức độ nào đó, kinh tế thị trường cũng có những quy luật khắt khe của nó. Nó đòi hỏi bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải có những bước chuyển biến phù hợp với hoàn cảnh chung.

Quá trình chuyển đổi này đã tác động tới nhiều gia đình, không chỉ tạo ra những cơ hội mà còn cả những thách thức mới, tạo ra những sự vận động và biến đổi trên mọi phương diện của cuộc sống gia đình, trong đó có cả sự mất cân bằng giữa chức năng kinh tế với các chức năng quan trọng khác như giữ gìn sự cân bằng tâm lý, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Mặt khác, cơ chế thị trường xóa bỏ bao cấp, buộc cá nhân, thành viên xã hội phải tự vận động, tự quan tâm, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Do đó trách nhiệm của gia đình nặng nề hơn.

Như vậy, kinh tế thị trường tự nó vừa làm nâng cao đời sống gia đình nhưng cũng đồng thời yêu cầu ở gia đình ý thức tự bảo vệ mình cao hơn. Kinh tế thị trường là nảy sinh trong đời sống gia đình sự xuống cấp đạo đức vì sự đề cao sức mạnh của đồng tiền, đặt quyền lợi cá nhân trên mối quan hệ gia đình, họ hàng, dân tộc. Vợ chồng lục đục, ngoại tình, ly hôn tăng lên, con cái hư hỏng, người già bị bỏ rơi.

Khủng hoảng gia đình xuất phát từ thay đổi giá trị sống

Sự ra đời của những loại hình mới, gia đình cùng chung sống không có hôn thú, không kết hôn, sống thử trước hôn nhân đã làm thay đổi nhiều quan hệ và chuẩn mực trong gia đình.

Nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, khủng hoảng gia đình xuất hiện làm đảo lộn các giá trị xã hội và trật tự kỉ cương đạo lí trong các tế bào xã hội. Nền tảng gia đình dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống về gia đình đã không còn vững chắc.

Sự tiếp nhận các giá trị văn hóa, lối sống không lành mạnh, thiếu định hướng, buông lỏng quản lý của chính gia đình đã tạo một môi trường thuận lợi cho những bức xúc thâm nhập vào các gia đình.

Không đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan từ phía kinh tế - xã hội, từ môi trường văn hóa giáo dục hay từ nguyên nhân nào khác, chỉ có 21,6% gia đình thừa nhận và khẳng định nguyên nhân của những bức xúc nhất của gia đình xuất phát từ lý do chính nền tảng gia đình.

Đây là điều rất quan trọng đối với mỗi gia đình. Nền tảng của mỗi gia đình được xây dựng trên cơ sở những qui tắc, chuẩn mực trong quan hệ gia đình, chuẩn mực xã hội đã được ghi nhận bằng luật pháp, được sự công nhận và thực thi của xã hội.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biển. Những giá trị truyền thống đạo đức truyền thống đang bị xói mòn mạnh mẽ.

Các nghiên cứu về gia đình nhìn chung đã chỉ ra được những sự thay đổi các giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị vốn được xem là chuẩn mực đạo đức từ trước đến nay. Ví dụ như một trong những giá trị đạo đức quan trọng trong gia đình là lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ thì ngày nay có phần kém hơn trước, nhất là tại những khu vực phát triển kinh tế như các vùng đô thị, vùng có kinh tế hàng hóa phát triển.

Một phần của nguyên nhân này do các gia đình đã chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục các giá trị truyền thống cho con em mình. Bên cạnh đó còn là sự gia tăng của những hiện tượng ly hôn, ngoại tình vi phạm luật pháp gia đình. Do vậy hàng loạt những vấn đề xã hội đã nảy sinh, len lỏi vào từng gia đình và trở thành những bức xúc của gia đình.

Ngày nay, dưới tác động của những điều kiện kinh tế - xã hội gắn liền với nền kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa và chính sách mở cửa, các mối quan hệ gia đình ở Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc.

Bên cạnh sự phân giải của những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, sự du nhập của những quan niệm và nhận thức về gia đình từ bên ngoài, chúng ta cũng chưa hình thành được một cách vững chắc những giá trị và chuẩn mực trong các mối quan hệ gia đình.

Sự quá độ từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp được phản ánh đậm nét trong sự quá độ của bước chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại.

Không phải do đâu khác mà chính sự quá độ này đã dẫn đến những hiện tượng mà các nhà xã hội học thường gọi là "những nhiễu loạn giá trị". Những nhiễu loạn giá trị trong quan hệ gia đình sẽ được khắc phục dần khi chúng ta chính thức hội nhập vào xã hội công nghiệp cùng với những quy chuẩn về kinh tế - xã hội của xã hội này.

Chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chung sống với những hiện tượng "nhiễu loạn giá trị gia đình" nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ quy phục nó như là những kẻ bị động. Cần phải dựa trên những chuẩn mực cao nhất về tính nhân đạo trong việc định hướng sự phát triển của gia đình và các mối quan hệ gia đình.

Chỉ như vậy chúng ta mới có thể, không chỉ phát huy được vị trí và vai trò của gia đình đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mà còn chủ động xây dựng những chuẩn mực và giá trị gia đình mới phù hợp với xã hội hiện đại.

Nhà nghiên cứu: GS.TS Lê Thị Quý - GS.TS Đặng Cảnh Khanh

GS.TS Lê Thị Quý (1950) là nhà Xã hội học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Giới, đặc biệt là về Nữ quyền.

Bà cũng là nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho sự công bằng và bình đẳng cho nữ giới. Các lĩnh vực nghiên cứu của bà tập trung vào lý thuyết về nữ quyền, phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Năm 2005, bà nằm trong 1.000 phụ nữ được đề cử cho giải Nobel Hoà bình. 

Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam.

Bà là tác giả của 12 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.


Tin liên quan