Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Liên Hợp quốc khởi xướng được xây dựng dựa trên Tuyên bố và Các Mục tiêu Thiên niên kỷ, một chặng đường 15 năm với mục tiêu giảm nghèo, đói, bệnh tật, bất bình đẳng giới, và bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh…
Chương trình nghị sự 2030 đề ra 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu. Cùng với các chỉ tiêu của mục tiêu số 5 “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, mỗi mục tiêu đều đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về giới, giải quyết các khía cạnh giới của nghèo, đói, y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, việc làm, thành phố an toàn, hòa bình và an ninh. Sự tập trung mạnh mẽ vào vấn đề giới là sự thừa nhận rằng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là chìa khóa để thực hiện mỗi mục tiêu và toàn bộ các mục tiêu.
Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhiều chỉ tiêu đã thừa nhận một cách rõ ràng rằng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp. Mục tiêu số 5 được biết đến như là mục tiêu riêng về giới vì nó được dành riêng để thực hiện những mục đích trên.
Cần có những thay đổi sâu rộng về pháp lý và lập pháp để bảo đảm quyền của phụ nữ trên toàn thế giới. Đến năm 2014, hiến pháp của 143 quốc gia đã đảm bảo công bằng giữa phụ nữ và nam giới, tuy nhiên, vẫn còn 52 nước chưa thực hiện được điều này. Ở nhiều quốc gia, phân biệt đối xử trên cơ sở giới vẫn còn tồn tại trong những quy phạm pháp luật và xã hội.
Ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc đưa ra các quy định pháp luật về bình đẳng giới nhưng theo rà soát mới nhất của Ủy ban Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ của Liên hợp quốc CEDAW vẫn còn tồn tại những khoảng trống lớn trong việc thực thi các luật và chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, các quy định mang tính phân biệt đối xử vẫn tồn tại trong một số luật, như quy định về tuổi kết hôn tối thiểu và tuổi nghỉ hưu của nam giới và phụ nữ.
Những khác biệt đậm nét về giới vẫn tồn tại trong cả lĩnh vực kinh tế và chính trị. Mặc dù đã có một số tiến bộ trong vài thập kỷ qua nhưng trên thị trường lao động toàn cầu, thu nhập trung bình của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới 24%.
Ở Việt Nam, mặc dù có trình độ ngang nhau, phụ nữ vẫn có thu nhập thấp hơn nam giới. Có nhiều phụ nữ làm các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương hơn nam giới, đồng thời họ cũng ít được tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch địch chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.
Ở phạm vi toàn cầu, đến tháng 8 năm 2015, chỉ có 22% số nghị sĩ trong quốc hội của tất cả các nước là nữ, tăng chậm so với tỷ lệ 11% năm 1995.34 Tại Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội là 24%, cao hơn tỷ lệ trung bình thế giới, nhưng tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách chỉ đạt 17%. Tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua lại giảm, đi ngược lại xu hướng chung của thế giới. Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng còn thấp hơn nữa, chỉ đạt dưới 9% trong 3 nhiệm kỳ gần đây nhất.
Tại Việt Nam, số phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo đang giảm. Ví dụ, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí bộ trưởng và tương đương đã giảm từ 12% trong giai đoạn 2007-2011 xuống còn 4,5% trong giai đoạn 2011-2016. Những vị trí cao trong lĩnh vực thực thi pháp luật như công an, kiểm sát và tòa án phần lớn vẫn do nam giới nắm giữ. Mặc dù xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giám sát và đấu tranh cho quyền của phụ nữ nhưng ở Việt Nam vẫn còn những trở ngại lớn đối với các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức đấu tranh vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trong việc tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình xây dựng, triển khai, giám sát và đánh giá các luật, chính sách và chương trình.
Bình đẳng giới trong phạm vi gia đình cũng cần được cải thiện. Phụ nữ Việt Nam vẫn phải làm các công việc nội trợ và chăm sóc gia đình nặng nhọc mà không có thù lao. Chỉ có 56% số nam giới cho biết có tham gia làm việc nhà. Ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ di cư ra thành phố hay ra nước ngoài, cộng thêm chi phí trông giữ trẻ cao, đã chuyển gánh nặng chăm sóc trẻ từ phụ nữ trẻ sang phụ nữ lớn tuổi, thường là họ hàng. Đồng thời, phụ nữ di cư lại trở thành người giúp việc gia đình ở các khu vực đô thị.
Trong khi đó, bạo lực đối với phụ nữ là một vấn nạn tác động đến mọi quốc gia, thậm chí cả những nước đã có tiến bộ đáng ghi nhận trong những lĩnh vực khác. Trên toàn thế giới, 35% phụ nữ từng bị bạo hành về thể chất và/hoặc tình dục do bạn tình hoặc người khác gây ra.
Ở Việt Nam, cứ 10 phụ nữ từng kết hôn thì có gần 6 người từng chịu một hình thức bạo lực nào đó như thể chất, tình dục hoặc tinh thần vào một thời điểm nào đó trong đời. Hậu quả của bạo lực gia đình ước tính làm thất thoát 3,2% GDP của Việt Nam, trên cơ sở tính toán tổng thể năng suất lao động mất đi và chi phí cơ hội. Đồng thời, những phụ nữ bị bạo lực gia đình cũng có thu nhập thấp hơn 35% so với phụ nữ không bị bạo lực.
Quấy rối tình dục ở công sở và nơi công cộng cũng phổ biến ở Việt Nam. Buôn bán phụ nữ và trẻ em gái nhằm mục đích bóc lột lao động, lạm dụng tình dục và hôn nhân cũng có xu hướng gia tăng. Tư tưởng trọng nam nặng nề cũng gây ra sự gia tăng tình trạng phá bỏ thai nhi nữ.
Nạn tảo hôn vẫn phổ biến trong một số nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Ở những cộng đồng này, nhận thức của trẻ em gái dân tộc thiểu số về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và thực hành vệ sinh vẫn còn hạn chế, nhất là trẻ em gái sống ở trường nội trú thiếu sự quan tâm và giúp đỡ của cha mẹ.
Theo Liên Hợp quốcBạn đang xem bài viết Trao quyền cho phụ nữ - Chìa khóa thúc đẩy phát triển bền vững tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].