Bạo lực gia đình xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân về bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới bạo lực gia đình. Từ sự bất bình đẳng giới trong xã hội mà đối tượng chịu sự bất bình đẳng chủ yếu là phụ nữ đã làm cho người phụ nữ thường ở vị trí yếu thế, phụ thuộc vào nam giới về kinh tế, văn hóa, giáo dục và không công bằng trong hưởng thụ phúc lợi xã hội…
Những định kiến giới như chồng có quyền dạy vợ; chồng được hưởng quyền nhiều hơn vợ; chồng là người chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc trong gia đình; tư tưởng trọng nam, khinh nữ…, hay các quan niệm về bình đẳng giới khác về vai trò của nam và nữ đã làm cho phụ nữ trở thành nhóm coa nguy cơ bị bạo lực gia đình cao.
Vì vậy, bạo lực gia đình và bình đẳng giới là hai vấn đề có liên quan trực tiếp đến nhau. Muốn xóa bỏ hoặc hạn chế bạo lực gia đình thì phải hạn chế, loại trừ các nguyên nhân gốc rễ gây ra nó, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Dân số - Gia đình - Trẻ em, để chấm dứt bất bình đẳng giới trong gia đình cần nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền trên diện rộng với cả nam giới và nữ giới, trong đó, vai trò của nam giới là hết sức quan trọng.
Trong gia đình, cha mẹ, ông bà cần giáo dục cho các con về sự bình đẳng; đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái về cơ hội học tập, dinh dưỡng, giáo dục, nghĩa vụ, trách nhiệm trong gia đình.
Người chồng cần chia sẻ với vợ công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Ông bà cũng phải đối xử bình đẳng giữa các con, các cháu; không tạo sức ép để con phải sinh con trai.
Công tác giáo dục về giới cần được tăng cường đẩy mạnh trong nội dung đào tạo cho thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có thêm hiểu biết, ý thức và nâng cao trách nhiệm về giới. Công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện tốt sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử gia đình, từ đó dần xóa bỏ định kiến và khoảng cách giới.
Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục kiến thức về quyền của phụ nữ trong người dân rộng rãi hơn về việc phụ nữ có quyền thừa kế công bằng trong gia đình; tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cho người cao tuổi nhằm giảm nhu cầu sinh con trai để trông cậy tuổi già. Từ đó sẽ không còn nặng nề quan niệm phải sinh bằng được con trai, các cặp vợ chồng sẽ không còn nghĩ tới việc sinh con trai hay con gái nữa; những bé gái sẽ không còn bị tước đi quyền được chào đời mà được sinh ra, lớn lên trong sự tôn trọng và yêu thương.
An AnBạn đang xem bài viết Còn bất bình đẳng giới, còn bạo lực gia đình tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].