Bạo lực gia đình là gì?
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Không chỉ các hành vi “tác động vật lý” trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình với nhau mà những việc làm gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đến tinh thần, tình dục và cả kinh tế của các thành viên khác trong gia đình đều có thể coi là bạo lực gia đình.
Thậm chí, có những hành vi mà trong cuộc sống nhiều người không nghĩ đó là bạo lực gia đình:
- Cha mẹ bắt con cái phải học hành quá sức.
- Cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình thường xuyên chê bai, miệt thị ngoại hình của con cái…
Những hành vi như thế này đều có thể bị coi là bạo lực gia đình. Thống kê qua số vụ bạo lực gia đình xảy ra cho thấy, hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực tinh thần và thân thể. Nạn nhân của bạo lực gia đình gồm trẻ em, người già, phụ nữ. Tuy nhiên đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của bạo lực gia đình vẫn là phụ nữ.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân đều xuất phát từ những lý do sau đây:
- Do ảnh hưởng của tư duy phong kiến, bất bình đẳng giới, trọng nam, khinh nữ, thái độ gia trưởng ở một số nam giới;
- Do thiếu kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em.
- Các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình,… cũng dẫn đến bạo lực gia đình.
- Một nguyên nhân quan trọng khác nữa đó là sự cam chịu, không dám công khai, báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của các nạn nhân.
- Do kinh tế, khi kinh tế khó khăn, nhiều người trong gia đình sẽ gặp phải áp lực, căng thẳng… và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, không phải mọi gia đình có kinh tế khó khăn, mức thu nhập thấp đều xảy ra hiện tượng bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ gây tổn thương về thể xác và tâm lý đến các nạn nhân bị bạo lực gia đình trực tiếp; bạo lực gia đình còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ em sống trong gia đình có bạo lực; ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, làm cho gia đình tan vỡ không hạnh phúc, thậm chí dẫn đến ly hôn, từ đó giảm trách nhiệm quan tâm chăm sóc con cái.
Hậu quả con cái sẽ xa rời gia đình, dễ tiếp thu những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hoặc trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Bạo lực gia đình còn gây ra những thiệt hại về kinh tế: Tài sản của gia đình bị giảm sút do sự đập phá, tiêu tán bởi hành vi bạo lực gia đình; thu nhập của gia đình và đóng góp cho xã hội giảm bởi khả năng lao động của nạn nhân bị hạn chế.
Vì vậy, việc nhận diện đúng, đủ về tệ nạn bạo lực gia đình để mọi người ý thức chấp hành tốt Luật Phòng chống bạo lực gia đình luôn là việc cần thiết cho từng mái ấm gia đình, cộng đồng và xã hội.
Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình
- Tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam và tác hại của bạo lực giới, bạo lực gia đình.
- Phát huy vai trò của tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thành viên của mình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.
- Tùy theo đặc điểm, truyền thống văn hóa của từng địa phương, xây dựng các quy chế, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, trong từng gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
- Xây dựng mô hình, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Cung cấp kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hoá và các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
- Ngăn chặn các tệ nạn xã hội là giải pháp phòng, chống bạo lực có hiệu quả nhất. Vì vậy đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội không chỉ tạo nên sự ổn định xã hội mà còn góp phần vào việc phòng, chống bạo lực một cách có hiệu quả.
- Hành vi bạo lực phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bạo lực phải được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh; cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật.
- Tuyên truyền, giáo dục không nên nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính, đánh đập trong quá trình mang thai ảnh hưởng về tình cảm và thể chất đối với phụ nữ, ảnh hưởng đến kết quả sinh đẻ, mang thai ép buộc.
- Ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Lên án hành vi phân biệt trong chế độ dinh dưỡng và chăm sóc y tế cho trẻ em gái,…
- Phòng chống hành vi lạm dụng tình dục, quấy rối tình dục; kịp thời tố cáo với các cơ quan có chức năng xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật.
- Phòng chống hành vi hiếp dâm, mại dâm, buôn bán phụ nữ, mại dâm trẻ em, lạm dụng phụ nữ tàn tật, lạm dụng người già,…
- Vợ chồng phải biết cách ứng xử tế nhị, tôn trọng giúp đỡ nhau; trường hợp vợ chồng có xung đột, mâu thuẩn nên thẳng thắn trao đổi để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tạo không khí hoà thuận, cùng có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống.
- Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.
- Tạo việc làm ổn định cuộc sống, giảm thiểu nạn thất nghiệp, không có thu nhập, áp lực căng thẳng trong công việc, trong cuộc sống,… dẫn đến xung đột, hành vi bạo lực.
An AnBạn đang xem bài viết Những giải pháp giúp ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực gia đình tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].