Nghiên cứu mới: Triệu chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài từ 2-10 tháng

Kết quả nghiên cứu mới do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 17.000 người dân tham gia chương trình khám bệnh chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho thấy, triệu chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài từ 2-10 tháng.

Theo kết quả nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, số bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 - 5 tháng (chiếm khoảng 68%), tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài hơn 5 tháng và khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ...) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở). Mức độ và thời gian bị triệu chứng COVID-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra, tỉ lệ nữ giới bị COVID-19 kéo dài có xu hướng cao hơn nam giới (nữ 64,63% và nam 35,37%). Đối với bệnh nhân giới tính nam, nếu thời gian mắc COVID-19 trên 14 ngày, có hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu COVID-19.

Thông qua số đo chiều cao và cân nặng của bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số BMI để phân loại và ghi nhận 28,74% bệnh nhân thiếu cân và 8,71% bệnh nhân bị béo phì, cho thấy dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng hậu Covid-19.

Nghiên cứu cũng chỉ ra đối với nhóm lao động trẻ, bệnh nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng hậu COVID-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền). Có tới 70,80% bệnh nhân có ý thức tự rèn luyện sức khỏe (tập thể dục, tập thở) sau khi bị nhiễm COVID-19.

Qua đó, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đối với người dân đã nhiễm COVID-19: Cần tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý, tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không có chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ Y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan