Chưa bao giờ, hiện tượng hành hung nhân viên y tế lại nóng như thời gian gần đây và nó được coi là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành y năm 2017.
Ngay trước Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 hai bác sĩ tại Yên Bái đã bị người nhà tấn công thương tích nặng. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người làm trong ngành y bị tấn công trong thời gian vừa qua.
Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải thốt lên: “Y tế đang đơn độc”! và kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.
Vậy những người trong cuộc nghĩ gì? Gia Đình Mới ghi nhận ý kiến từ các bác sĩ.
PGS TS Bùi Vũ Huy – Phó Trưởng bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội kiêm Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương: “Chúng ta nên sống giàu có trong văn minh chứ đừng sống vô văn hóa trong giàu có”.
Trong một sự việc xảy ra, nó luôn có nguyên nhân đến từ hai phía và với câu chuyện hành hung bác sĩ cũng vậy.
Một phần do người nhà bệnh nhân hiểu lầm hoặc họ bức xúc quá mức, hay đơn giản, nhiều người bệnh đến chữa trị quá muộn, bác sĩ không xử lý được nên họ đổ tại bác sĩ. Khi đó, người gây sự không thể kiềm chế được nhưng nó cũng chính là cái sai. Nhưng một phần, chúng ta cũng nên nhìn nhận thẳng thắn là nhiều bác sĩ làm việc chưa nghiêm túc.
Thế nhưng, đất nước nào cũng có pháp luật, đánh người ở ngoài đường đã sai, còn ở đây người nhà bệnh nhân xông vào bệnh viện đánh bác sĩ lại càng sai hơn nhiều.
Vì vậy, để xử lý triệt để vấn đề trên, ngoài sự thay đổi tích cực của các nhân viên y tế, chúng ta cần xử lý nghiêm những người vi phạm để làm gương, từ đó giúp người dân nhận thức ra được vấn đề.
Ngày nay, nhiều người cho rằng nghề y là ngành dịch vụ và có nên từ chối hay không, nhưng nghề này lại là nghề nhân đạo, vì vậy, bác sĩ không nên có quyền từ chối.
Nếu bệnh nhân đến khám mà không nằm trong phạm vi của mình, không thuộc lĩnh vực mình có kiến thức hoặc bản thân không đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân, cán bộ y tế có thể yêu cầu bệnh nhân chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa sâu hơn.
Hiện nay, các bệnh viện chưa có quy định về việc cấm sử dụng điện thoại quay phim, chụp ảnh. Nhưng khám bệnh là việc riêng tư, vì vậy, chúng ta không nên thực hiện những hành động đó.
Và trước hết, về nguyên tắc, cần có sự đồng ý của đối phương trước khi quay phim, chụp ảnh. Trên thực tế, bác sĩ cũng cần những hình ảnh của bệnh nhân để làm tư liệu nhưng trước khi ghi lại, chúng tôi luôn phải xin phép sự đồng ý của bệnh nhân mới được chụp. Ngay cả chụp, chúng tôi cũng không lấy mặt họ hoặc phải che mắt.
Nhưng xét cho cùng, dù có luật, quy định mà người dân không nhận thức, không hiểu rõ, vấn đề không bao giờ được giải quyết. Chúng ta nên sống giàu có trong văn minh chứ đừng sống vô văn hóa trong giàu có.
TS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng & tiết chế, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia: “Nếu coi ngành y là nghề dịch vụ, tại sao bác sĩ không được phép từ chối bệnh nhân gây nguy hiểm cho mình”.
Người bình thường tự nhiên đánh nhau đã là vấn đề vi phạm pháp luật chứ chưa nói đến nhân viên y tế là những người trực tiếp giúp đỡ cho người nhà của những người hành hung.
Bác sĩ cứu người mà họ không nhận được lời cám ơn mà phải nhận lại đủ mọi chuyện, chưa kể lời lẽ chửi bới, đây còn sử dụng chân tay. Thầy thuốc trước đây là nghề rất được coi trọng nhưng giờ đây thích lên là người bệnh mắng, thích lên là người nhà bệnh nhân chửi.
Dù pháp luật có bảo vệ nhưng chúng ta phải nói rằng mọi bảo vệ ở mức độ chưa được thỏa đáng và chưa đủ để nhân viên y tế yên tâm làm việc. Phải chăng, chúng ta cần có chế tài mạnh hơn nữa, hoặc ít ra, để những người gây sự có án tích. Khi nhập viện, nhân viên y tế nhìn hồ sơ của họ để chọn lọc.
Ngoài ra, cùng là một ngành phục vụ, bác sĩ phải thế này thế kia nhưng tại sao khi họ thực hiện giao dịch ở ngành khác, họ không có thái độ tiêu cực rõ rệt như với ngành y. Riêng như hàng không, hai hành khách đánh nhau đã bị cấm bay trong khi người ta đánh nhân viên y tế nhưng bác sĩ không có lệnh được quyền từ chối.
Vậy, nếu nói cùng ngành phục vụ thì bác sĩ phải có quyền từ chối bệnh nhân. Các ca cấp cứu, chúng tôi vẫn làm nhưng những ca khám bệnh thông thường, tôi có quyền từ chối khi nhận thấy người đó gây nguy hiểm cho mình.
Chưa kể, bác sĩ làm việc mà người nhà ầm ĩ thì ngay nhân viên y tế cũng không thể yên tâm làm việc. Không ít người đến bệnh viện dù có chuyên môn hay không vẫn can thiệp vào hoạt động của bác sĩ, yêu cầu cho cái này cái kia.
Nghề của chúng tôi, nếu tôi làm vượt quá chuyên môn, người bệnh có thể phản ánh. Nếu sai chuyên môn đã có hội đồng chuyên môn, nếu sai về pháp lý có pháp luật chứ bệnh nhân không có quyền hành hung. Chúng ta cũng đã chứng kiến rất nhiều bác sĩ làm sai chuyên môn từng bị xử lý.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Những đối tượng côn đồ không chỉ đe dọa tính mạng bác sĩ mà họ còn đang đe dọa tính mạng của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện”.
Trong một làng vẫn luôn có những người "đầu gấu" và khi họ vào viện họ vẫn giữ nguyên bản chất "đầu gấu" của mình.
Tôi đã từng gặp những trường hợp côn đồ, cách ứng xử của chúng tôi nếu khi đó bỏ chạy thì người bệnh sẽ đối mặt với cái chết.
Những đối tượng hung hãn phải hiểu một điều rằng, họ đấm bác sĩ thì bác sĩ có thể bị đau và chữa khỏi ngay sau đó. Nhưng tâm lý bác sĩ sẽ bị ảnh hưởng và sẽ ảnh hưởng đến quá trình khám chữa bệnh, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân đang được các bác sĩ điều trị. Đó là tội lớn nhất của họ và đáng bị lên án.
Do vậy, những đối tượng côn đồ không chỉ đe dọa tính mạng bác sĩ mà họ còn đang đe dọa tính mạng của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, xâm phạm quyền được khám chữa bệnh của người bệnh.
Theo tôi ngành y phải là ngành dịch vụ, nhân viên y tế ngoài trách nhiệm phục vụ người bệnh cũng có quyền từ chối phục vụ những đối tượng có hành vi gây nguy hiểm cho an ninh y tế, xâm phạm đến quyền khám, chữa bệnh của người khác.
Như vậy cũng nên có những quy định cấm những đối tượng côn đồ vào bệnh viện, không phải vì ghét bỏ đối tượng đó mà là chúng tôi cần bảo vệ an toàn đối với hàng trăm bệnh nhân khác đang thăm khám, điều trị tại viện.
ThS. BS Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: “Tâm của mình phải sáng và bản lĩnh phải vững vàng thì sẽ không sao cả”
20 năm công tác trong nghề, tôi chưa bao giờ bị bạo lực, nhưng tôi từng chứng kiến khá nhiều vụ việc bác sĩ bị người nhà tấn công. Có nhiều mẹ của bệnh nhân trong lúc chờ con sinh thì nói những điều rất khó nghe. Tôi thấy rất bực nhưng tôi kiềm chế. Tôi nhẹ nhàng đến nói với họ để trước tiên giảm bớt cơn bức xúc, sau đó giải thích cho họ hiểu những việc nhân viên y tế làm.
Hoặc có một người làm ầm lên ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện vì đang bức xúc về viện phí. Tôi xuống phòng, chào hỏi và phân tích để người đó hiểu rồi cuối cùng họ cũng xuôi.
“Anh bộ đội à?”
“Vâng, tôi là thương binh”
“Tôi là bộ đội nhưng rất may tôi không phải là thương binh. Mình là đàn ông, lại từng là bộ đội, mình có nên làm ầm như thế này chỉ vì mấy trăm nghìn đồng không?”
Bài học rút ra là bản thân nhân viên y tế phải biết kiềm chế. Nếu lúc đó nhân viên y tế cũng nổi giận với họ thì sự việc sẽ đi quá giới hạn và người thiệt nhất vẫn là bệnh nhân.
Viện tôi cho phép người nhà bệnh nhân vào phòng đẻ thường để bên sản phụ trong lúc vượt cạn. Nhưng tôi nghĩ, điều này là không nên vì có những bộ phận cơ thể không nên quay phim chụp hình. Tôi được biết, theo quy định của nhà nước thì không có quy định cấm quay phim chụp hình.
Nếu bệnh nhân hoặc người nhà ghi âm tôi làm việc thì tôi cũng không phản đối. Tôi nghĩ, khi người nhà bệnh nhân quay phim chụp hình, ghi âm thì người thầy thuốc sẽ làm việc cẩn thận hơn. Vì thế, tâm của mình phải sáng và bản lĩnh phải vững vàng thì sẽ không sao cả.
BS Nguyễn Thành, GĐ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội: “Tao không cần cấp cứu tại chỗ, chuyển ngay tới bệnh viện”.
Có nhiều tình huống xảy ra khi làm nhiệm vụ mà chúng tôi không lường trước được và buộc vào từng hoàn cảnh mà ứng phó cho phù hợp.
Đơn cử, một lần trên đường tới hiện trường, xe cấp cứu hú còi xin quyền ưu tiên thì một thanh niên đi xe máy chặn đầu xe và tấn công bằng cách đập vỡ cửa kính cabin. Khi cơ quan công an đến thì đã có máu đổ, người đàn ông đó bị say rượu và bị phạt hành chính.
Hay một trường hợp khác, khi kíp cấp cứu đang khám và cứu bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn thì một người dân xông ra, mẳng chửi ê kip cấp cứu “Thế chúng mày không chuyển người ta đi à? Tao không cần cấp cứu tại chỗ, chuyển ngay tới bệnh viện”.
Thậm chí, chúng tôi từng bị thắc mắc vì lý do nhân viên không mang cáng cấp cứu vào nhà bệnh nhân. Khi cấp cứu, chúng tôi tiếp cận bệnh nhân càng nhanh càng tốt và đem theo những loại thuốc cơ bản và dụng cụ y tế trước, sau đó mới đem cáng vào đưa bệnh nhân đi.
Nhưng gia đình bệnh nhân đó không đồng ý, yêu cầu chúng tôi phải ngay lập tức đem cáng vào. Họ có đơn thư thắc mắc kíp cấp cứu không mang đủ trang thiết bị y tế khi làm nhiệm vụ. Nhưng sự thật lại không phải vậy. Nhưng điều đó cũng khiến chúng tôi phải mất nhiều thời gian để giải trình.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai: “Cần có giải pháp an ninh trong bệnh viện để những bệnh nhân khác được an toàn về tính mạng”
Đợt trước cách vài tháng, chuyện “anh quan” ở xứ Nghệ cầm cái "ghế đỏ hoà giải" định phang vào đầu bác sĩ đang cấp cứu cho người thân là câu trả lời rõ ràng nhất cho sự coi thường những người lao động trí óc không có khả năng tự vệ. Ngay cả người đại diện cho chính quyền thực thi pháp luật còn thế thì mong gì người dân hiểu được?
Côn đồ lộng hành và những chuyện bạo hành nho nhỏ kiểu này đang diễn ra thường xuyên tại các bệnh viện. Chả ai quan tâm. Sự bất ổn đến từ đó chứ đâu. Chỉ tội cho những người tử tế, cả bệnh nhân tử tế lẫn nhân viên tử tế.
Bản thân tôi, trong một tua trực tối đã từng có người nhà bệnh nhân vừa đến đã văng tục chửi bậy và bắt tôi phải tử tế với bệnh nhân. Hoặc có đợt côn đồ xách dao vào viện hôm tôi trực, vừa dí vào cổ nhân viên vừa bắt khâu vết thương cho bạn của họ.
Chính vì vậy, cần có giải pháp an ninh trong bệnh viện. Những bệnh nhân và người nhà côn đồ cần phải có chế tài cụ thể để nhân viên y tế yên tâm làm việc. Quan trọng nhất, là những bệnh nhân khác được an toàn về tính mạng.
Ai đảm bảo rằng trong lúc bị đe doạ, nhân viên y tế bối rối làm việc chuẩn chỉ được?
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai: “Thông báo ngay cho trực lãnh đạo bệnh viện, gọi điện ngay cho bảo vệ bệnh viện và công an để xin ứng cứu khi nhận thấy tình huống có tính chất phức tạp”.
Không ít lần tại Khoa Cấp cứu A9, khi bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân thì người nhà cứ sán vào xem, thậm chí nắm tay nắm chân người bệnh. Khi nhân viên y tế và bảo vệ mời ra ngoài thì họ sừng sộ, doạ nạt và thách thức.
Với trường hợp như vậy nhân viên y tế trực khoa tôi đã rất nhanh trí cắt cử nhau mỗi người một việc để giải quyết sự vụ nhưng cũng không làm ảnh hưởng tới công tác cấp cứu nhiều bệnh nhân khác.
Một việc mà cho tới bây giờ tôi vẫn ghi nhận là rất hữu dụng trong tình huống như này là thông báo ngay cho trực lãnh đạo bệnh viện, gọi điện ngay cho bảo vệ bệnh viện và công an để xin ứng cứu khi nhận thấy tình huống có tính chất phức tạp.
Chính điều này đã phần nào giúp các bác sĩ và điều dưỡng tiếp tục công việc của mình và giúp chúng tôi dễ dàng hơn khi trao đổi và giải thích với người nhà.