Với người bình thường, uống nhiều nước sẽ tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, với một số nhóm người, uống quá nhiều nước, uống không đúng lúc sẽ gây hại cho cơ thể.
Bà Nguyễn Thị Vượng (75 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) than phiền rằng, bà luôn bị đi tiểu nhiều lần trong ngày, cảm giác mắc tiểu liên tục, cứ mỗi 1 - 2 tiếng phải đi tiểu một lần.
Tình trạng tiểu nhiều diễn ra nhiều hơn lúc ngủ trưa và tối, có những đêm bà Vượng phải thức dậy tới 3 – 4 lần để đi tiểu.
“Có những hôm chỉ nằm chợp mắt buổi trưa mà phải dậy đi tiểu 2 lần, nhiều lúc đang nằm giường dậy chưa kịp vào nhà vệ sinh bị són tiểu ra quần hoặc khi hoạt động mạnh, ho, cười, hay hắt hơi… cũng bị tiểu ra ngoài khi chưa kịp vào nhà vệ sinh, làm người hôi hám, khó chịu” – bà Vương chia sẻ.
Chính vì đi tiểu nhiều nên bà Vượng rất sợ uống nước, sau bữa ăn hoặc lúc khát bà chỉ uống hụm nhỏ. Thấy mẹ lười uống nước, hay gặp táo bón nên con gái bà Vượng luôn giục, nhắc nhở mẹ phải uống nhiều nước, mỗi ngày phải uống đủ 2 lít nước thì cơ thể mới khỏe mạnh.
Không uống đủ nước thì con gái không vui, cằn nhằn, mà uống thì lại đi tiểu nhiều, sinh hoạt gặp nhiều sự cố, làm bà Vương luôn phân vân không biết nên nghe lời con gái hay lắng nghe cơ thể mình?
PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết, đối với người bình thường trong một ngày nước được đưa vào cơ thể khoảng 2,5 lít, trong đó nước uống khoảng 1 – 1,5 lít.
Nước từ thức ăn khoảng 1 – 1,2 lít, nước sinh ra từ các phản ứng oxy hóa trong cơ thể 200 – 300 ml.
Và lượng ước được thải ra ngoài cũng khoảng 2,5 lít/ngày, bao gồm: nước tiểu 1 – 1,5 lít, nước mất qua hơi thở 200 – 400 ml, nước bốc hơi qua da 250 – 600 ml, nước qua phân 100 - 200 ml.
Tùy từng người, tùy vào thời tiết, công việc lao động thể lực trong điều kiện nóng bức, một số dạng bệnh nhân (sốt, bỏng, phù thận, suy tim…) mà lượng nước đưa vào hoặc thải ra có sự thay đổi.
Nhưng nhìn chung, với những người trẻ, khỏe thường nên uống khoảng 2 lít nước/ngày để giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru.
Còn với những người cao tuổi, họ không phải lao động nhiều như người trẻ, không hoạt động thể lực nhiều nên lượng nước uống mỗi ngày không cần nhiều như người lao động bình thường.
Hơn nữa, khi con người già đi, cơ thể sản xuất ít hormon chống bài niệu để giữ được chất lỏng. Điều này dẫn đến việc sản xuất nước tiểu tăng lên, đặc biệt là vào ban đêm. Cơ co thắt trong bàng quang cũng có thể trở nên yếu dần theo thời gian, làm cho khó khăn hơn để giữ nước tiểu trong bàng quang.
Bàng quang tăng hoạt động gây nên tình trạng tiểu đêm, tiểu nhiều ở người già. Khi bàng quang hoạt động quá mức sẽ gây cảm giác buồn tiểu, đi tiểu nhiều lần vào cả ban ngày lẫn ban đêm, có thể kèm theo tình trạng tiểu són, tiểu không tự chủ. Tiểu nhiều gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và từ đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.
TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng chia sẻ, nước rất cần thiết đối sự sống. Với người già, uống đủ nước còn làm giảm tình trạng táo bón, làm quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, cơ thể người già không cần quá nhiều nước như người trẻ tuổi. Uống quá nhiều sẽ làm thận, bàng quang làm việc quá sức, dẫn đến đi tiểu nhiều, cơ thể mệt mỏi, khó chịu.
Đặc biệt, nếu người già uống nhiều nước vào buổi tối sẽ dẫn đến tiểu đêm nhiều hơn, gây mất ngủ, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Thu khuyến cáo, để khỏe mạnh, người già cần tính toán uống một lượng nước khoảng 30ml/kg/ngày. Lượng nước uống nên chia thành nhiều lần trong ngày, không nên uống cố vào một thời điểm và không nên uống nhiều nước vào buổi tối, nên tránh uống nước 2 tiếng trước giờ đi ngủ.
Bên cạnh việc uống nước, người cao tuổi cũng nên bổ sung nước thông qua việc ăn uống hàng ngày như ăn cơm nên có canh, rau, ăn thêm các loại hoa quả vào các bữa phụ, uống thêm sữa dành cho người già…