Nạn nhân thoát ra khỏi đám cháy chung cư, nguy cơ bị bỏng đường hô hấp vẫn lớn

Không chỉ gây độc, khói của đám cháy còn gây bỏng đường hô hấp. Tổn thương bỏng đường hô hấp thường nặng nề, nạn nhân có thể suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Hiện trường vụ cháy chung cư Carina và những nạn nhân đầu tiên được cấp cứu - Ảnh: Vnexpress

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, khi đám cháy xảy ra, những người ở trong khu vực đám cháy rất dễ bị bỏng hô hấp và bỏng ngoài da.

Tình trạng bỏng hô hấp thường gặp ở những nạn nhân thoát ra trong một vụ cháy lớn. Nguyên nhân là do khói trong vụ hoả hoạn rất độc và rất nóng.

Ngoài khả năng gây ngộ độc, khói còn gây bỏng đường hô hấp. Tổn thương bỏng đường hô hấp thường nặng nề, nạn nhân có thể suy hô hấp, thậm chí tử vong vì tắc nghẽn đường hô hấp do phù nề niêm mạc, hạ oxy máu nặng vì hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).

Tính đến thời điểm này, số nạn nhân của vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza bị bỏng và cấp cứu liên quan đến vấn đề hô hấp gồm:

- 7 bệnh nhân đang điều trị tại khoa nội hô hấp bằng phương pháp thở oxi, trong đó có 1 trẻ em 5 tuổi. Các nạn nhân này đang được tiếp tục theo dõi tình trạng bỏng hô hấp do ngạt khí CO.

- 3 bệnh nhân đang điều trị tích cực tại hồi sức cấp cứu, trong đó có 1 nạn nhân đang trong tình trạng hôn mê, tổn thương não nặng phải thở bằng máy. 2 nạn nhân còn lại đều đã được nội soi phế quản. Tuy nhiên, dù có thể tự thở nhưng tiên lượng tình trạng có thể nặng hơn do bỏng hô hấp.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Do vậy, bất cứ ai vừa thoát khỏi một vụ cháy lớn, hít phải nhiều khói, khó thở... thì không nên chủ quan, cần đi bệnh viện khám, theo dõi và điều trị ngay.

Tổn thương do hít phải khí cháy thường có biểu hiện như: Bỏng mặt, lông mũi cháy xém, đờm có than gio, thở khò khè, có ran phổi, hạ oxy máu và các bất thường trên phim X-quang phổi…

Còn đối với trường hợp bỏng ngoài da, bỏng ở mức độ nặng (bỏng độ 3) gây ra các tổn thương nghiêm trọng liên quan tới tất cả các lớp da và tổ chức mỡ dưới da. Cơ và thậm chí xương có thể bị ảnh hưởng. Các vùng bỏng có thể bị cháy đen hoặc có mầu trắng…

Và, trường hợp nạn nhân bỏng nặng, bác sĩ Chính khuyên rằng, cần đưa nạn nhân đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Trong khi chờ đợi đơn vị cấp cứu tới, những sơ cứu sau cần được thực hiện: 

- Bảo vệ người bị bỏng khỏi các mối nguy hại hơn nữa. Nếu bạn có thể thực hiện như vậy một cách an toàn, thì hãy đảm bảo người mà bạn đang giúp đỡ không tiếp xúc với vật liệu đang âm ỉ cháy hoặc không phơi nhiễm với khói hoặc nhiệt. Nhưng không được loại bỏ quần áo bị cháy dính vào da.  

- Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn. Quan sát tình trạng hô hấp, ho hoặc cử động. Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu cần thiết. 

- Tháo bỏ đồ trang sức, thắt lưng và bất cứu thứ gì thắt chặt trên cơ thể, đặc biệt xung quanh vùng bị bỏng và cổ. Vùng tổn thương bỏng sẽ phù nền rất nhanh. 

- Không nhúng tổn thương bỏng nặng và rộng trong nước lạnh. Nếu làm như vậy có thể gây mất nhiệt nghiêm trọng cho cơ thể (hạ thân nhiệt) hoặc tụt huyết áp và giảm lưu lượng máu (sốc). 

- Nâng cao vùng bị bỏng. Nâng vùng tổn thương bỏng cao hơn mức tim nếu có thể. 

- Che phủ vùng tổn thương bỏng. Sử dụng băng ẩm mát hoặc quần áo sạch.

 

Làm mát tổn thương bỏng bằng nước sạch, mát để giúp dịu cảm giác đau

Trường hợp nạn nhân bỏng nhẹ cần được xử trí như sau:

- Làm mát tổn thương bỏng để giúp làm dịu cảm giác đau. Tưới nước mát (không phải nước lạnh) lên vết bỏng từ 10 - 15 phút hoặc cho tới khi đỡ đau. Hoặc ngâm vết bỏng trong nước mát hay dùng gạc lạnh làm mát bết bỏng. Vết bỏng được làm mát sẽ đỡ phù nề do da được hạ nhiệt. Chú ý không chườm đá lạnh lên vết bỏng.

- Tháo nhẫn hoặc bất cứ thứ gì thắt chặn khỏi vùng tổn thương bỏng. Cố gắng làm thật nhanh và nhẹ nhàng trước khi vùng tổn thương bỏng phù nề.

- Không làm vỡ các bọng nước nhỏ (không lớn hơn móng tay nhỏ của bạn). Nếu bọng nước vỡ, làm sạch nhẹ nhàng vùng tổn thương bằng xà bông nhẹ và nước, bôi thuốc mỡ kháng sinh và che phủ tổn thương bằng một miếng băng gạc không dính.

- Bôi kem dưỡng ẩm hoặc kem hydrocortisone liều thấp vì nó có thể làm giảm đau trong một số trường hợp.

- Cân nhắc tiêm phòng uốn ván và đi khám bác sĩ nếu có các bọng nước lớn, tổn thương bỏng trên một một vùng lớn của cơ thể.

Ngoài ra, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, người bị ngạt khí trong đám cháy có thể gặp phải tình trạng khó thở, ngộ độc khí CO, CO2, các ảnh hưởng của ngộ độc khác nếu hít phải khói.

Nạn nhân bị ngạt khí thường có các triệu chứng như không có khả năng thở, màu da thay đổi, thở khò khè và bất tỉnh.

Ngạt khí có thể dẫn đến tổn thương não, tử vong, thiếu oxy não, tổn thương khí quản và cổ họng. Tổn thương não hoặc tử vong có thể xảy ra nếu nạn nhân vẫn trong tình trạng bị ngạt trong thời gian hơn 4 phút.

Ngạt thở là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp oxy cho cơ thể do đường hô hấp bị chặn hoặc đóng lại và không khí không thể vào phổi. Nạn nhân có thể tử vong do thiếu oxy lên não. Nếu tình trạng thiếu oxy kéo dài hoặc không có hành động cứu chữa kịp thời, nạn nhân có thể bất tỉnh và dẫn đến tử vong.

Tình trạng ngạt thở do hít phải khí độc có thể được cứu chữa bằng hô hấp nhân tạo, được thực hiện bởi những người biết các kỹ năng sơ cứu ban đầu.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan