Vụ cháy nghiêm trọng tại TP HCM vừa xảy ra lúc 1h30 sáng ngày 23/3 đã khiến 13 người chết, 28 người bị thương. Theo các chuyên gia, khi hỏa hoạn xảy ra, đa số các trường hợp tử vong là vì ngạt khói, trước khi chết vì bỏng.
Ngạt khói rất nguy hiểm bởi nó gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp với các biểu hiện dễ nhận biết nhất là khó thở hay các biểu hiện của hội chứng suy hô hấp,…
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: “Thành phần của khói phụ thuộc vào bản chất của vật liệu cháy và điều kiện của quá trình đốt. Các đám cháy xảy ra ngoài trời có lượng oxy cung cấp đầy đủ, thành phần của khói chủ yếu là tro, khí CO2, SO2, các oxit nitơ và nước.
Nhìn chung khi cháy như vậy thì sẽ giải phóng ra một lượng lớn khói muội – tức là khói được sản sinh ra khi các chất hữu cơ chưa cháy hết, khói này sẽ có dạng đen xì. Ngoài ra khi cháy như vậy cũng sẽ sản sinh ra một lượng lớn khí CO.
Phần lớn những người bị ngạt là do ngạt khí CO và ngạt khói muội đó và khi nạn nhân hít phải lượng lớn có thể ngộ độc dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, đối với những loại khói được sản sinh ra khi cháy nhựa, sơn hay chất xốp.. có thể gây ra những tác động khác nhau đối với cơ thể người. Đặc biệt là còn có thể xuất hiện dioxin, tuy chất này có thể nạn nhân chỉ hít vào một lượng nhỏ nhưng về lâu dài có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của họ”.
Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn, CO là một loại khí độc nhưng không màu, không mùi, không vị. Ban đầu, khí CO không gây khó chịu nên rất khó phát hiện. Đây là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ do thiếu nguồn oxy cung cấp.
Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu; tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch, từ đó dẫn đến tử vong.
Khi đi vào trong cơ thể người, khí CO kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này ngăn chặn quá trình giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
Cũng theo chuyên gia Côn, khi nạn nhân thoát khỏi được đám cháy thì lượng khí CO hít vào cơ thể dần dần sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài. Bên cạnh đó, loại khói muội cũng sẽ được phổi đẩy ra ngoài nhưng cần thời gian dài và cơ thể khỏe mạnh.
Điều cần lưu tâm nhất đối với các nạn nhân là khi thoát ra khỏi các đám cháy cần thời gian nghỉ ngơi đủ, ăn uống đủ chất, bổ sung thêm nước, hoa quả và vitamin để các chất độc được nhanh chóng đẩy ra ngoài.
Để hạn chế hít phải những chất độc trong các đám cháy, chuyên gia khuyến cáo, khi bị kẹt trong đám cháy, nạn nhân phải sử dụng khăn, vải thấm nước bịt mũi để lọc không khí khi thở; đồng thời chèn khe cửa bằng các tấm vải ướt ngăn không cho khói vào phòng nhằm hạn chế thấp nhất lượng khí độc xâm nhập vào cơ thể.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Làm gì để cơ thể nhanh chóng thải khí độc do hít phải khói đám cháy? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].