Nam bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, từng hỏi bác sĩ “bao giờ em chết”, đã hồi phục ngoạn mục và sắp được trở về với gia đình nhỏ của mình.
“Đừng đặt ống nội khí quản cho em”, “Bao giờ em chết?” là những câu nói, dòng chữ của bệnh nhân Nguyễn Khắc Bình (SN 1985) đã “ám ảnh” các nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai (tại TP.HCM).
Nhưng sau hơn 1 tháng chiến đấu, giành giật sự sống từ tay tử thần, bệnh nhân Bình đã chiến thắng, hồi phục một cách ngoạn mục và sắp được trở về cùng người vợ trẻ và gia đình thân yêu.
Trước đó, bệnh nhân Bình nhập viện ngày 12/8 trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy hỗ trợ HFNC, nhưng ngay sau đó tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng lên nhanh chóng.
Một bác sĩ kíp trực tại Hồi sức 2 chia sẻ, vào tối hôm đó, khi kíp trực đang đi buồng thì phát hiện bệnh nhân Bình bị mất ý thức, dần đi vào hôn mê. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải bóp bóng hỗ trợ, nhưng lượng oxy chỉ cải thiện hơn một chút.
Trong lúc tỉnh táo hơn, Bình nói: “Anh ơi, Anh đừng đặt ống nọi khí quản cho em!”, nghe mà đau xót lắm! Chắc có lẽ trong lúc tỉnh táo, Bình đã chứng kiến các ca bệnh xung quanh mình tử vong nên anh cũng xác định tư tưởng và nói như vậy!
Nhưng trước tình hình bệnh nhân diễn biến nặng lên và quyết tâm cứu cho được vì bệnh nhân còn quá trẻ, các bác sĩ vẫn phải quyết định đặt ống nội khí quản rồi cho bệnh nhân thở máy.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn biến qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, có những lúc lượng oxy trong máu tụt rất sâu, toan hô hấp nặng và cũng có lúc bị sốc nhiễm khuẩn… Sau quãng thời gian chiến đấu gần một tháng trời, tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân giảm dần, cắt được vận mạch, kháng sinh.
Khi các thuốc an thần của bệnh nhân giảm, chứng kiến xung quanh nỗi ám ảnh nhiều ca bệnh giống mình đã không thể qua khỏi, bệnh nhân Bình đã viết những mảnh giấy nhỏ gửi cho bác sĩ điều trị, có đoạn làm các bác sĩ nhớ mãi: “Bao giờ thì em chết? Nhà em nghèo lắm, em xin phép không được tiếp tục điều trị nữa”.
Các bác sĩ đã giải thích, với chính sách hiện tại thì Nhà nước và Bộ Y Tế sẽ chi trả hết, bệnh nhân không phải đóng bất kỳ chi phí nào đã giúp bệnh nhân Bình an tâm điều trị. Rồi khi sức khỏe đã ổn định hơn thì bệnh nhân Bình lại viết những dòng tâm sự khác: “Khi nào em xuất viện, em sẽ mời bác sĩ đi nhậu nhé!”.
Và sau gần 1 tháng điều trị tích cực, đến ngày 4/9, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, hiện tại bệnh nhân chỉ cần hỗ trợ thở bằng oxy kính. Ngày 18/9, các bác sĩ hội chẩn và đánh giá còn tình trạng xơ phổi, cần thêm thời gian để phục hồi chức năng hô hấp.
Ngày 22/9, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, cơ lực đang phục hồi dần nên bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục tập phục hồi chức năng.
Chứng kiến từng ngày diễn biến của bệnh nhân Bình từ lúc phải đặt ống nội khí quản, ThS. Hoàng Minh Hoàn - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực chia sẻ, có rất nhiều bệnh nhân với thể trạng nặng như này được hồi phục và cứu chữa kịp thời.
Có những lúc bệnh nhân nản chí nhưng các anh chị em điều dưỡng, y bác sĩ đã cố gắng động viên để Bình ngồi lên, tập phục hồi chức năng. Bình mới có cưới vợ nhưng chưa có con, phải cố gắng để cho Bình được trở về với gia đình.
Theo dõi diễn biến hàng ngày của Bình tiến triển tốt lên, giảm từng phần trăm oxy trên máy thở, đến lúc có thể rút được ống nội khí quản là cả một sự chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ từ các y bác sĩ, điều dưỡng.
Khi chuẩn bị rút ống nội khí quản, bệnh nhân rất sợ, hốt hoảng và thở rất là nhanh. Anh chị em y bác sĩ đều phải đứng bên cạnh động viên. ThS. Hoàn chia se: “Rất vui mừng khi bệnh nhân mình chăm sóc, điều trị đã hồi phục một cách ngoạn mục. Bình có chia sẻ, hiện tại rất nhớ vợ và gia đình. Hy vọng sau này bạn ấy có thể quay trở lại hòa nhập với cuộc sống tốt hơn”.