Người mẹ có con đang bị rối loạn tiêu hóa này đã đưa ra một thắc mắc gợi nhiều suy nghĩ: Phải chăng khi mẹ cho con bú, mẹ ăn gì, uống gì cũng sẽ ảnh hưởng tương tự đến con như quan niệm dân gian?
Hỏi: Tôi mới sinh em bé được hơn 1 tháng, bé hay bị rối loạn tiêu hóa, có ngày bé đi ngoài xì xoẹt 5 – 7 lần, lúc thì vài ngày mới đi một lần. Tôi muốn con cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa này nên có ý định uống thuốc men tiêu hóa rồi cho con bú để chữa bệnh.
Bởi, tôi thấy các mẹ khác chia sẻ kinh nghiệm rằng, trẻ sơ sinh trong thời kỳ bú mẹ uống thuốc trực tiếp sẽ không tốt và rất khó để bón thuốc cho con. Hơn nữa, nhiều người cũng nói trẻ nhỏ có thể hấp thu thuốc qua sữa mẹ, uống thuốc như vậy sẽ an toàn hơn cho trẻ. Làm như vậy có hiệu quả chữa bệnh cho con không?
(Nguyễn Thu Hương - Thanh Xuân, Hà Nội)
Chuyên gia sản phụ khoa GS.TS Vương Tiến Hòa (Hội Phụ sản Việt Nam) cho biết: Cách mẹ uống thuốc thay con rồi cho con bú sữa để chữa bệnh được nhiều mẹ bỉm sữa truyền tai nhau. Tuy nhiên, quan niệm chữa bệnh này của các mẹ là hoàn toàn sai lầm.
Các mẹ phải hiểu rằng, không bao giờ liều lượng thuốc để điều trị bệnh cho trẻ em mà có thể qua sữa đầy đủ và có hiệu quả.
Hơn nữa, khi trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, mẹ nên cho con đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng. Nếu trẻ chẳng may bị bệnh cần dùng thuốc điều trị thì mẹ phải cho con dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bất kể là trẻ lớn hay trẻ nhỏ.
Hiện, có nhiều loại thuốc khác nhau phù hợp với lứa tuổi của trẻ và cũng có nhiều thuốc được dùng qua các con đường khác nhau, có thể là đường uống, tiêm, truyền…
Vậy nên, mẹ cũng không nên lấy lý do “trẻ không hợp tác” khi uống thuốc hoặc sợ con uống thuốc ảnh hưởng này nọ mà nghĩ đến cách mẹ uống thuốc thay con rồi cho con bú để chữa bệnh.
Và khi cho trẻ uống thuốc điều trị bệnh, cha mẹ có thể nhờ tư vấn của bác sĩ về loại thuốc phù hợp với thể trạng, độ tuổi của trẻ, tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp nhất.
GS Vương Tiến Hòa cũng nhấn mạnh: “Quan niệm mẹ ăn gì con hấp thu cái đó chỉ đúng một phần. Phải hiểu rằng, lúc mang thai và cho con bú, mẹ ăn uống bất kỳ cái gì thì các khoáng chất và vitamin có thể chuyển trực tiếp vào cơ thể mẹ, còn các chất khác sẽ chuyển hóa dưới dạng protein, lipit, gluxit… và người mẹ chỉ hấp thu được một phần nào đó, phần còn lại sẽ đào thải ra ngoài.
Tiếp đó, các chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ chuyển hóa qua sữa được nhiều hay ít lại tùy cơ địa của mỗi người mẹ. Và cuối cùng, khi em bé bú mẹ, cơ thể em bé có hấp thụ được các chất ở trong sữa mẹ hay không lại phụ thuộc vào cơ địa của trẻ.
Vậy nên, tùy từng chất, tùy từng phương thức, tùy từng cơ địa mẹ và bé mà khả năng chuyển hóa và hấp thu các chất từ mẹ sang con sẽ khác nhau.
Thực tế có rất nhiều bà mẹ ăn nhiều nhưng bé không hấp thu được nên mẹ thì tăng cân nhiều mà con thì gầy gò, thiếu chất; Mẹ ăn nhiều, nhưng sữa ít cũng không thể chuyển cho con; Mẹ ăn nhiều nhưng chỉ béo mẹ mà dinh dưỡng không chuyển sang sữa; Mẹ ăn vào nhưng cơ thể mẹ không hấp thu được lại đẩy ra ngoài; Hay như em bé bú sữa mẹ nhưng cơ thể bé không hấp thu được thì cũng không có tác dụng…
Chính vì thế, để con trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện, ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng cho con theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ cũng cần đưa con đi thăm khám khi trẻ có những dấu hiệu bất thường và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.