Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ về tác dụng của việc bổ sung vitamin với sức khỏe của bà bầu và thai nhi.
Vitamin B3 có giúp ngăn ngừa dị tật thai nhi?
Có khoảng 7.9 triệu trẻ em bị dị tật bẩm sinh trên toàn cầu mỗi năm. Đây là con số chưa tính đến những trường hợp sảy thai xảy ra do dị tật bẩm sinh.
Các nhà khoa học thuộc Học viện Victor Chang, Sydney (Úc) mong muốn tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp cho tình trạng này.
Nghiên cứu được tiến hành tập trung vào nguyên nhân di truyền của các khuyết tật về tim, đốt sống và thận ở các cá nhân không có quan hệ huyết thống.
Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật lập trình gen để không có tình trạng một người có nhiều gen di truyền bị lỗi. Kết quả cho thấy đột biến xảy ra ở 4 cá thể.
Tình trạng đột biến dẫn đến sự hình thành các enzyme bị lỗi, do đó làm giảm việc sản xuất đồng phân Nicotinamide adenine dinucleotide (NAD). Co - enzyme này là một thành phần thiết yếu của tế bào, đảm bảo sự hoạt động bình thường và tăng trưởng của cơ thể.
Trong 4 cá nhân được nghiên cứu, nồng độ lưu hành của NAD trong máu thấp. Một lý thuyết đã được giả định rằng đây có thể là nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh.
Các nhà khoa học sau đó nhân rộng các đột biến gen tương tự ở phôi chuột. Vitamin B3 được cho là đã giải quyết được những đột biến này vì những con chuột được bổ sung vitamin B3 trong thời kỳ mang thai đã sinh ra những con chuột con khỏe mạnh!
Nghiên cứu trên được công bố vào đầu tháng 10/2017, được đánh giá là giúp đưa ra giải pháp ‘ngăn ngừa’ tình trạng di truyền các gen bị lỗi.
Nghiên cứu chưa đầy đủ
Tuy nhiên một số nhà khoa học lại cho rằng còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục xung quanh nghiên cứu này.
Claire Roberts, Giáo sư của trường Đại học Adelaide (Úc) cho rằng không nên mừng vui quá sớm về kết quả nghiên cứu này.
Đầu tiên, nghiên cứu này chưa được tiến hành ở người, do đó chưa thể rút ra kết luận cuối cùng. Thứ hai, các nhà nghiên cứu đã chọn một phạm vi hẹp các khuyết tật di truyền mà bỏ qua các nguyên nhân khác gây dị tật.
Và cuối cùng, dị tật bẩm sinh vẫn xuất hiện trong những nhóm cư dân không có sự thiếu hụt vitamin B3.
Giáo sư Claire Roberts cũng chỉ ra rằng có một số nhược điểm liên quan đến bổ sung vi chất dinh dưỡng. Axit folic đã được chứng minh là làm giảm số dị tật bẩm sinh bao gồm các khuyết tật ống thần kinh. Tuy nhiên, phụ nữ được bổ sung axit folic vào cuối thai kỳ lại có dấu hiệu hen suyễn liên tục.
Bà thừa nhận giá trị của nghiên cứu về tác dụng của vitamin B3, tuy nhiên, cách mà nghiên cứu này được công bố lại có vấn đề.
‘Tôi nghĩ rằng điều này có thể tác động tới việc các bà bầu tự ý điều trị, một điều rất tai hại.
Mặc dù vitamin B3 được xác định nhìn chung là an toàn khi tiêu thụ trong thai kỳ, tuy nhiên tác hại của liều cao hơn khuyến cáo vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ’.
Thai phụ không nên tự ý uống thuốc, kể cả vitamin
Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất đối với phụ nữ mang thai là ăn uống đúng cách. Có chế độ ăn uống cân bằng, với lượng tiêu thụ năng lượng tăng theo tam cá nguyệt sẽ giúp phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Ngoài ra, các bà bầu hãy rất cẩn thận về các loại thuốc và chất bổ sung dùng trong thời kỳ mang thai.
Với chế độ ăn uống cân bằng, chị em không nhất thiết cần bổ sung bất kỳ loại thuốc nào.
Trong quá trình mang thai, các bà mẹ cũng nên thực hiện kiểm tra các dị tật di truyền phổ biến. Các biện pháp siêu âm, xét nghiệm máu... là những xét nghiệm kiểm tra tiền sản, sàng lọc sơ sinh hiệu quả.
Bác sĩ sẽ khuyên bạn thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu nếu thấy bạn có nguy cơ cao hơn bình thường. Các loại thuốc, chất bổ sung cũng sẽ được kê đơn nếu cần thiết.
Các bà mẹ tương lai hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc, ngay cả khi đó chỉ là một viên thuốc vitamin tổng hợp!
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Mẹ bầu uống bổ sung vitamin có thực sự giúp giảm nguy cơ dị tật thai nhi? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].