Dù đã khỏi COVID-19, nhưng không ít người gặp phải tình trạng mất ngủ. Phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Một bệnh nhân nam (sinh năm 1994, ở Hà Nội) đã khỏi COVID-19 được gần 1 tháng nhưng lại xuất hiện triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi. Mỗi ngày bệnh nhân chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng, khiến bệnh nhân luôn mệt mỏi, chất lượng cuộc sống giảm sút. Lo lắng vì tình trạng sức khỏe của mình, bệnh nhân đã tìm đến BV Hữu Nghị để thăm khám.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh – Phụ trách phòng khám thuộc khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Hữu Nghị, đây chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân đến khám vì gặp tình trạng mất ngủ, mệt mỏi sau khi khỏi COVID-19.
Tình trạng người bệnh bị mất ngủ sau khi mắc COVID-19 có thể do rối loạn tâm lý. Bởi, khi bị mắc COVID-19 nhiều người rơi vào tình trạng lo âu, căng thẳng, tình trạng này kéo dài khiến người bệnh mất ngủ.
Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 có thể tác động đến mọi cơ quan trong cơ thể người bệnh, từ hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu… Do đó, nếu khi mắc COVID-19 người bệnh có những tổn thương về thần kinh và để lại di chứng thì sẽ dẫn đến tình trạng mất ngủ, mệt mỏi, ngủ không sâu giấc.
Bác sĩ Oanh khuyến cáo, với những người bị mất ngủ sau khi mắc COVID-19 nên đi kiểm tra sức khỏe để điều trị sớm. Bởi nếu để tình trạng mất ngủ kéo dài mà không can thiệp, điều trị dễ khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn, làm kiệt quệ thể chất và tinh thần.
Mất ngủ kéo dài khiến người bệnh không còn năng lượng làm việc, người luôn mệt mỏi, đau dạ dày, đánh trống ngực… Thậm chí, những người đã có rối loạn lo âu, mất ngủ trước đó có thể bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực…
Vậy nên, với những người trưởng thành thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày, nằm trằn trọc vài tiếng mới ngủ được, ngủ hay tỉnh giấc giữa chừng, tỉnh dậy thấy cơ thể không sảng khoái, mất năng lượng, cần đến cơ sở y tế khám, tìm nguyên nhân, mức độ rối loạn giấc ngủ để được điều trị kịp thời.
“Đối với những trường hợp bệnh nhân bị mất ngủ chúng tôi điều trị bằng thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế, kèm theo liệu pháp tâm lý, hướng dẫn người bệnh tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt để giải tỏa tâm lý. Quá trình điều trị tâm lý chúng tôi sẽ khai thác xem người bệnh lo lắng về vấn đề gì mà dẫn đến mất ngủ.
Nếu người bệnh quá lo lắng về việc mắc COVID-19 thì phải giải tỏa tâm lý cho họ, giúp họ hiểu được rằng bệnh đã xảy ra rồi và những triệu chứng gặp phải sau khi khỏi bệnh cũng không quá đáng sợ.
Các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị kịp thời nên người bệnh có thể yên tâm, không nên lo lắng thái quá về tình trạng sức khỏe của mình. Và đa số người bệnh đến với chúng tôi đều phục hồi tốt sau khi được điều trị bằng thuốc, kèm theo liệu pháp tâm lý” – BS Kim Oanh chia sẻ.
Nói về việc bệnh nhân COVID-19 tự dùng melatonin để điều trị mất ngủ, bác sĩ Oanh khuyến cáo, việc điều trị mất ngủ bằng thuốc được sử dụng kết hợp nhiều loại dựa trên tình trạng của người bệnh. Với melatonin cũng có đáp ứng với một số người bệnh, tuy nhiên tùy từng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng cho phù hợp. Do đó, người dân không nên tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ kẻo gây hại cho sức khỏe.
Ngoài việc dùng thuốc để điều trị bệnh mất ngủ sau khi mắc COVID-19, người bệnh cũng được hướng dẫn thực hành chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động khoa học, điều độ, tránh sử dụng các chất kích thích, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử…