Với bệnh nhân ung thư phổi, có lẽ tình trạng đau đớn còn đáng sợ hơn cái chết. Tại sao ung thư phổi lại gây đau đớn cho người bệnh đến vậy và họ cần làm gì để cải thiện tình trạng đau đớn hành hạ.
Từ thông tin diễn viên Mai Phương bị ung thư phổi, hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu về diễn tiến của căn bệnh này...
Ung thư phổi thường có các dấu hiệu nghèo nàn nên khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, đã di căn đến các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể.
Vì phát hiện ở giai đoạn muộn nên người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối luôn phải đối diện với nhiều đau đớn và biến chứng.
BSCKI Nguyễn Đức Hạnh, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương giải thích, nguyên nhân làm cho bệnh nhân ung thư phổi bị đau đớn dữ dội là do khối u biến chứng, di căn đến nhiều cơ quan khác nhau như di căn lên não, di căn xương, gây khó thở, tràn dịch màng phổi, ho ra máu, bệnh thần kinh...
Ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư phát triển với số lượng không thể kiểm soát và di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. Di căn tới đâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đó: di căn tới xương sẽ gây đau xương, xương dễ gãy, di căn tới não sẽ gây đau đầu; Di căn phổi gây khó thở, thậm chí tràn dịch màng phổi…
Không chỉ riêng bệnh ung thư phổi biến chứng gây ra đau đớn, mà ở những bệnh nhân sức khỏe kém, thuốc hóa trị hoặc xạ trị có thể gây ra những phản ứng phụ như tê tay và chân, nóng rát ở vùng da được trị liệu, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa… Từ đó, khiến người bệnh mệt mỏi, chán nản, khó chịu và luôn bức bối trong người.
Ở một số bệnh nhân ung thư phổi các cơn đau chỉ xảy ra thời gian ngắn, nhưng ở nhiều người quản lý cơn đau kém có thể dẫn tới đau mãn tính, khiến việc vận động, đi lại cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tình trạng đau đớn dữ dội làm bệnh nhân mất ăn mất ngủ, sức khỏe suy kiệt, ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống.
Để cải thiện tình trạng đau đớn do bệnh ung thư phổi gây ra, nhiều người bệnh tìm đến các loại thuốc, chất gây nghiện có tác dụng giảm đau, giúp cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hạnh, việc dùng thuốc của bệnh nhân ung thư phổi, trong đó có thuốc giảm đau phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.
Bởi việc người bệnh tự ý mua và sử dụng các loại thuốc giảm đau, các chất gây nghiện có tác dụng giảm đau có thể làm triệu chứng đau đớn lúc đó thuyên giảm, nhưng về lâu dài lại gây nguy hại cho sức khỏe.
Có 3 phản ứng phụ phổ biến mà bệnh nhân dùng các thuốc giảm đau mạnh gặp phải bao gồm buồn ngủ, buồn nôn, nôn và táo bón.
Tình trạng buồn ngủ thường xuất hiện khi bệnh nhân lần đầu dùng thuốc hoặc tăng liều lượng. Tình trạng này thường được cải thiện sau một vài ngày. Buồn nôn và nôn mửa là phản ứng phụ thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau mạnh. Ngoài ra, táo bón cũng là một phản ứng phụ phổ biến khi bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau mạnh.
Để giảm đau, bệnh nhân dùng morphin không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gặp phải tác dụng phụ, nhất là buồn nôn, nôn, táo bón, ức chế thần kinh, co đồng tử, bí đái... Ngoài ra có thể gặp các biểu hiện khác với mức độ ít hơn như ức chế hô hấp, ngứa, toát mồ hôi, lú lẫn, ác mộng, ảo giác, co thắt túi mật, co thắt phế quản... Bệnh nhân sử dụng morphin liều quá cao có thể gây ức chế hô hấp, dẫn tới tử vong.
Hơn nữa, việc tự ý dùng thuốc giảm đau mạnh, dùng chất kích thích để giảm đau trong một thời gian dài có thể gây nghiện cho người bệnh.
Do đó, bệnh nhân ung thư phổi dùng thuốc giảm đau loại nào, liều lượng bao nhiêu cần có sự chỉ định của bác sĩ để giảm những tác dụng phụ nguy hiểm.
Để cuộc sống của người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối dễ chịu hơn, theo bác sĩ Hạnh, những trường hợp bệnh nhân ung thư nặng có thể điều trị giảm nhẹ tại bệnh viện, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đau để những ngày tháng cuối đời của họ thoải mái, dễ chịu hơn.
Các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ rất đa dạng, như điều trị nâng đỡ sức khỏe, tập trung điều trị giảm triệu chứng, giảm đau đớn, phục hồi chức năng cho những bệnh nhân có biến chứng, chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh dễ ăn và kiểm soát tác dụng phụ…