Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, phương pháp tầm soát duy nhất được khuyến nghị đối với bệnh ung thư phổi là chụp cắt lớp vi tính liều thấp (còn gọi là chụp CT liều thấp hoặc LDCT).
Khi chụp LDCT, bạn sẽ nằm trên bàn, sau đó máy chụp X-quang sử dụng liều bức xạ thấp để chụp ảnh chi tiết phổi. Quá trình chụp chỉ mất vài phút và không gây đau đớn.
Những ai nên tầm soát ung thư phổi?
Cơ quan Y tế dự phòng Mỹ (USPSTF) khuyến nghị tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng LDCT cho những đối tượng sau:
- Người có tiền sử hút thuốc ≥ 20 bao-năm, và
- Hiện đang hút thuốc hoặc đã cai thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây, và
- Có độ tuổi từ 50 đến 80.
Trong đó:
(*) Cách tính chỉ số bao-năm (pack-year): Chỉ số bao-năm = (số bao thuốc hút trong 1 ngày) x (số năm đã hút thuốc).
Trong đó: 1 gói thuốc = 20 điếu.
Ví dụ: Bạn hút thuốc 2 bao/ngày, trong vòng 10 năm, nghĩa là bạn đã hút 2x10 = 20 bao-năm.
Rủi ro khi tầm soát ung thư phổi
Theo CDC Mỹ, tầm soát ung thư phổi có ít nhất 3 rủi ro:
Thứ nhất, việc tầm soát ung thư phổi có thể cho kết quả dương tính giả, nghĩa là người bệnh không bị ung thư phổi nhưng kết quả trả về lại là ung thư. Điều này có thể dẫn đến các xét nghiệm, phẫu thuật không cần thiết và có thể gặp rủi ro.
Thứ hai, việc tầm soát ung thư phổi có thể tìm ra những trường hợp ung thư chưa từng gây ra vấn đề gì cho bệnh nhân. Điều này được gọi là chẩn đoán quá mức (overdiagnosis), có thể dẫn đến điều trị không cần thiết.
Thứ ba, tia xạ từ chụp LDCT lặp đi lặp lại có thể gây ung thư ở những người đang khỏe mạnh.
Đó là lý do vì sao tầm soát ung thư phổi chỉ được khuyến nghị cho những người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh cao do tiền sử hút thuốc và tuổi tác, đồng thời không có vấn đề sức khỏe làm hạn chế tuổi thọ hay khả năng phẫu thuật phổi nếu cần thiết.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc tầm soát ung thư phổi, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để được tư vấn.
Khi nào nên dừng việc tầm soát ung thư phổi?
Cơ quan Y tế dự phòng Mỹ khuyến nghị việc tầm soát ung thư phổi hàng năm nên dừng lại khi người được tầm soát:
- Bước sang tuổi 81, hoặc
- Không hút thuốc trong vòng 15 năm trở lên, hoặc
- Mắc một số vấn đề sức khỏe khiến họ không sẵn sàng hoặc không thể phẫu thuật nếu phát hiện ung thư phổi.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Những ai nên tầm soát ung thư phổi? tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].