Nhiều người mẫu đã trải qua quá trình ép cân 'chết người' để có thể sải bước trên sàn catwalk. Nhưng những tiêu chuẩn khó tin này bắt nguồn từ đâu?
Trên khắp các diễn đàn online những ngày gần đây đang xôn xao vì hình ảnh gầy gò của người mẫu Cao Ngân (Vietnam’s Next Top Model 2017).
Dù nguyên nhân sự gầy gò của Cao Ngân là do cả thể chất và vấn đề cá nhân, nhưng đây không phải hình ảnh quá lạ lẫm với làng thời trang.
Từ đâu mà các người mẫu lại phải đạt thân hình gầy đến ‘siêu mỏng’ như thế?
Sự chuyển mình của thẩm mỹ trong làng thời trang
Vào những thập niên 80 và đầu những năm 90, những người mẫu hàng đầu là Cindy Crawford, Eva Herzigová và Claudia Schiffer đều có thân hình với những đường cong đầy đặn, quyến rũ.
Nếu ‘xuyên không’ đến thời đại ngày nay, hẳn những mỹ nhân này không bao giờ có cơ hội được lên sàn catwalk và sẽ bị cho là ‘quá khổ’ ngay lập tức.
Tuy nhiên sau đó, kích thước chuẩn của người mẫu ngày càng giảm. Đỉnh điểm đánh dấu sự thay đổi ấy là việc Calvin Klein lăng xê cho siêu mẫu Kate Moss với vóc dáng ‘mình hạc xương mai’.
Những người quan tâm đến thời trang đã tranh cãi liên tục suốt gần 100 năm qua về vấn đề này.
Từ những năm 1920, các nhà báo đã lên tiếng rằng ‘các cô người mẫu có thân hình không liên quan gì đến phụ nữ ngoài đời thực’. Ấy thế nhưng, số đo của người mẫu ngày ấy so với bây giờ còn ‘đẫy đà’ hơn gấp nhiều lần.
Điều này đồng nghĩa với việc tiêu chuẩn thời trang đôi khi đã đẩy mọi thứ đi quá xa so với sức chịu đựng của con người.
Một nạn nhân điển hình của tiêu chuẩn số đo lý tưởng này là người mẫu Ana Carolina Reston – một người mẫu trẻ đầy triển vọng của Brazil. Cô sở hữu một đôi mắt sâu hút hồn, thân hình quyến rũ, mảnh mai nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Tất cả vẻ đẹp ấy thật khác xa so với hình ảnh của cô trước khi mất vào năm 2006.
Gần đây nhất, người mẫu Ulrikke Hoyer đến từ Đan Mạch đã lên tiếng đầy phẫn nộ về cuộc đua số đo ‘chết người’ của làng thời trang.
Ulrikke được mời từ Paris đến tận Tokyo để casting cho show diễn Cruise của Louis Vuitton tại đây. Thế nhưng sau bao cực nhọc thì cô vẫn bị nhà hãng thời trang nước Pháp loại vì nguyên do, trích nguyên văn tâm sự của Ulrikke là, ‘quá béo’ dù cô chỉ ở size 2 – là mức chuẩn trung bình và vòng hông 91,5 cm.
Sau khi bị ‘chê tơi tả’, Ulrikke bị bắt phải nhịn đói trong 24 giờ tiếp theo và chỉ được uống nước. Một giám sát riêng của bộ phận tuyển người mẫu còn được cử đến để theo dõi xem cô có ăn thêm gì không, điều này cho thấy sự khắt nghiệt đối với người mẫu lớn đến mức nào.
Điều gì khiến các nhà thiết kế muốn người mẫu có thân hình càng ‘cò hương’ càng tốt?
Có hai nguyên nhân chính khiến các người mẫu buộc phải duy trì mức cân nặng và số đo cực kỳ khiêm tốn.
1. Người mẫu được ‘thiết kế’ cho quần áo chứ không phải ngược lại
Mục đích cuối cùng của nhà thiết kế là bán sản phẩm cho các nhà bán lẻ. Điều này có nghĩa là quần áo được thiết kể để đem gấp, xếp và treo trên móc.
Cựu người mẫu Krystle Kelley chia sẻ: ‘Người xem tạp chí là người mua, họ thích những người mẫu mà họ có thể liên hệ được, khiến họ cảm thấy muốn mua sản phẩm ngay lập tức’.
‘Tuy nhiên, trên sàn catwalk, nhà thiết kể phải thể hiện sản phẩm cho các nhà bán lẻ. Bộ sưu tập được coi như các bản mẫu, và cần mặc vừa với các ma-nơ-canh size 0 hay size 2.
Một lí do nữa là để nhìn hấp dẫn nhất, các bộ trang phục cần phải có độ dài nhất định, và cách duy nhất là thuê các người mẫu vừa cao vừa ‘siêu mỏng’’.
Để phù hợp với tiêu chuẩn chung của ngành công nghiệp thời trang, các người mẫu phải tự ‘thiết kế’ cho mình số đo để vừa quần áo, thay vì quần áo được thiết kế cho người mẫu. Cứ như vậy, họ trở thành các ‘mắc áo di động’ theo đúng nghĩa đen.
2. Người mẫu chìm đi để trang phục tỏa sáng
Dù chúng ta nghĩ ‘người mẫu’ đồng nghĩa với đẹp, tuy nhiên không phải lúc nào họ cũng được chọn để phô bày hết vẻ đẹp của mình.
Đúng vậy, họ cần có chiều cao, số đo ba vòng và sức cuốn hút mà các thương hiệu thời trang mong muốn. Nhưng nếu họ quá xinh đẹp, quyến rũ và nổi bật, thì người xem sẽ bị ‘mất tập trung’.
Các nhà thiết kế sợ rằng thay vì tập trung vào những đường kim mũi chỉ tinh tế trên trang phục, người xem sẽ chú tâm vào những đường cong quyến rũ của người mẫu.
David Zyla – stylist đã thắng giải Emmy đồng thời là một tác giả sách – chia sẻ quan điểm về vấn đề này: ‘Có rất nhiều thứ sẽ gặp rủi ro trong một show thời trang nếu như người mẫu với đường cong quyến rũ, tràn đầy sức sống ‘lấn át’ trang phục của nhà thiết kế’.
‘Hành trình khổ hạnh’ để được bước trên sàn catwalk
Biên tập tạp chí thời trang Vogue ở Úc đã chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe về cách người mẫu vật lộn để có một thân hình đạt ‘chuẩn’.
Trong khi đang lên đồ cho một người mẫu tới từ Mỹ, cô nhận thấy trên người cô gái này có rất nhiều vết sẹo. Khi được hỏi, người mẫu đáp một cách thờ ơ: ‘À ừ, vì tôi đói quá ấy mà. Tôi hay bị ngất lắm’. Với cô gái ấy, bị ngất nhiều lần trong ngày đã trở thành một điều quen thuộc đến mức hiển nhiên.
Trong bữa trưa với một người mẫu hàng đầu của Úc, biên tập Kirstie Clements đã hỏi người mẫu này về bạn cùng phòng mới của cô. ‘Hóa ra tôi lại có nhiều thời gian riêng tư, vì cô ấy là ‘người mẫu chuẩn size’. Thế nên cô ấy vào viện suốt’.
Một ‘người mẫu chuẩn size’ là người mẫu làm việc trong xưởng thiết kế của những nhà thiết kế hàng đầu, vóc dáng của họ phải vừa như in với mẫu thiết kế.
Sannie Pedersen, một cô gái 27 tuổi vừa chuyển từ Đan Mạch tới New York để bắt đầu sự nghiệp người mẫu của mình đã ‘phát hoảng’ khi chứng kiến một người mẫu ăn bông gòn để cầm hơi.
‘Nó sẽ lấp đầy dạ dầy và khiến họ cảm thấy đỡ đói hơn’, Sannie chia sẻ.
Quan niệm méo mó hay nhắm mắt, bịt tai trước sự kiệt quệ của người mẫu
Để được tuyển chọn, Sannie Pedersen tuân thủ ‘thực đơn’ mỗi ngày với 20 điếu thuốc, 1 cốc cà phê và một lượng rất hạn chế đồ ăn khác.
Khi ấy, cô cao 180 cm và chỉ nặng 45 kg. ‘Đến ngồi xuống cũng khiến tôi đau đớn, tôi cảm thấy như thể không có đủ thịt quanh xương của mình vậy’ – Sannie nói về những ngày hãi hùng ấy.
Giờ đây, cô nặng 54 kg, vẫn duy trì trong khoảng size 0 đến size 2, nhưng thường xuyên bị coi là quá béo. ‘Một trong các nhà thiết kế đã gọi tôi là đồ béo phì, thế đấy’.
Biên tập Kirstie Clements của Vogue đã chia sẻ góc nhìn của các nhiếp ảnh gia hay người xử lý hậu kỳ tạp chí – ‘Họ không muốn nhìn nhận vấn đề này. Với họ, vấn đề chỉ là bức ảnh ra sao mà thôi. Họ tự thuyết phục mình rằng các cô gái vốn có tạng người như vậy, hoặc đã đạt được vóc dáng ấy nhờ yoga hay các thực phẩm giảm cân’.
‘Khi tôi đang trong cùng một biên tập thời trang sắp xếp hành lý để đi công tác, tôi nhìn thấy một người phụ nữ gần đó. Cô ấy gầy đến mức khiến tôi thấy tim mình đau nhói.
Tôi chỉ cho biên tập kia thấy người phụ nữ tội nghiệp ấy và nhận được câu trả lời: ‘Tôi biết điều này nghe rất kinh khủng, nhưng cô ấy có vóc dáng chuẩn đấy’. Nỗi ám ảnh ngoại hình trong ngành công nghiệp thời trang đã hoành hành đến mức đó rồi’ – Kirstie chia sẻ đầy cay đắng.
Những nỗ lực ‘lội ngược dòng’
Không phải nhà thiết kế nào cũng ‘bỏ đói’ người mẫu của mình.
Năm 2012, Diane von Furstenberg – Chủ tịch của Hiệp hội Nhà thiết kế Mỹ - đã phát hành một chỉ dẫn sức khỏe dành cho người mẫu để chắc rằng có thể khỏe mạnh trong suốt tuần lễ thời trang.
Chỉ dẫn này bao gồm việc đưa giấy tờ chứng minh họ từ 16 tuổi trở lên, cung cấp các bữa ăn lành mạnh và đồ ăn vặt ở hậu trường…
Từ tháng 5 năm 2017, luật cấm người mẫu siêu gầy chính thức có hiệu lực tại Pháp. Người mẫu tại Pháp đều cần có một giấy khám sức khỏe toàn diện, đặc biệt là phải bao gồm chỉ số cơ thể, cân nặng, chiều cao…
Bất cứ nhà tuyển dụng, nhà quản lý người mẫu nào không tuân thủ luật sẽ đối mặt án phạt 75.000 Euro và tù 6 tháng. Italy, Tây Ban Nha và Israel hiện cũng đã áp dụng quy định tương tự.
Tuy nhiên trong thực tế, hiệu quả của những nỗ lực ấy đến đâu còn tùy thuộc rất nhiều vào chính những người đang hoạt động trong ngành thời trang và các ‘quy tắc ngầm’ đầy phức tạp giữa họ.
Những người ủng hộ điều luật trên vẫn luôn mong mỏi rằng họ có thể theo đuổi cái đẹp mà không khiến những người mẫu kiệt quệ và lặp lại bi kịch đau lòng như Ana Carolina Reston nhiều năm trước.