Sau khi sinh con đầu lòng, người mẹ trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, cảm thấy khó chịu khi nghe tiếng con khóc… và đã có hành động dùng dao rạch bụng để tự sát.
Chị T.T.B.T. (21 tuổi, ở Quảng Bình) vốn là một người luôn vui vẻ, hòa đồng. Nhưng chị T. bắt đầu có những biểu hiện tâm lý bất thường sau khi sinh con đầu lòng.
Được biết, chị T. có thai khi đang học năm thứ 3 đại học nên phải tạm nghỉ học để lập gia đình và sinh con.
Trong quá trình mang thai và khi sinh con, chị T. không có gì bất thường gì nhưng sau sinh khoảng được nửa tháng, chị T. bắt đầu có dấu hiệu đêm ngủ kém, hay thức giấc giữa đêm, ăn uống kém ngon miệng.
Thiếu ngủ, ăn kém khiến chị T. luôn có cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít nói chuyện với mọi người hơn, hay ngồi một mình, vẻ mặt buồn rầu, dễ khóc. Tuy cuộc sống vợ chồng bình thường, nhưng chồng chị T. là người ít thể hiện sự quan tâm, không hay chia sẻ tâm sự với vợ.
Người nhà của chị kể lại, sau những biểu hiện tâm lý bất thường, chị T. không còn quan tâm chăm sóc con, không thể hiện tình cảm với con và luôn tỏ ra khó chịu khi nghe tiếng con khóc.
Đáng nói là chị T. có đã có hành động dùng dao tự rạch bụng để tự sát. May mắn là chị được người nhà phát hiện kịp thời và đưa vào viện điều trị cả vết thương và tâm lý.
Sau khoảng 20 ngày điều trị tại bệnh viện ở địa phương, sức khỏe của bệnh nhân ổn định hơn nên được về nhà.
Nhưng sau khi về nhà, bệnh nhân lại xuất hiện biểu hiện la hét, cáu gắt với mọi người, chống đối không chịu uống thuốc nên người nhà đã đưa chị T. đến Viện Sức khỏe tâm thần – BV Bạch Mai để điều trị.
Qua thăm khám, bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần phát hiện bệnh nhân T. có hội chứng trầm cảm nặng, có hành vi tự sát và được chẩn đoán rối loạn hành vi, tâm thần nặng kết hợp với thời kỳ sinh đẻ.
Sau khi được điều trị theo phác đồ tại đây, bệnh nhân đã dần hợp tác hơn; khí sắc cải thiện hơn; và tâm lý dần ổn định trở lại, bệnh nhân đã chủ động giao tiếp với mọi người, ăn ngủ tốt hơn.
Theo TS.BS Vũ Thy Cầm, Viện Sức khoẻ tâm thần, trầm cảm sau sinh khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh nhưng nhiều nghiên cứu cũng như các chuyên gia sức khỏe cho rằng bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh.
Với phụ nữ sau sinh, sự xuất hiện của em bé và cơ thể có những thay đổi hormone, ảnh hưởng cảm xúc trong thai kỳ khiến nhiều phụ nữ có thể xuất hiện các trạng thái cảm xúc như: Ngạc nhiên, vui sướng, giận dữ, sợ hãi, yêu thương, buồn chán…
Do đó, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như: Đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay các bệnh tâm thần khác; hoặc bị những vấn đề tâm lý khác...
Trầm cảm dễ xuất hiện ở người sinh con đầu lòng, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ. Thực tế, có những bệnh nhân sinh 3 con, lần sinh con nào cũng bị trầm cảm.
Để nhận biết phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, bác sĩ Thy Cầm chỉ ra những biểu hiện lâm sàng lâm sàng như sau:
- Ở giai đoạn sớm: người bệnh khí sắc giảm, cảm xúc thay đổi, buồn rầu, dễ cáu, dễ khóc…; Giảm sở thích hứng thú, giảm các mối quan hệ gia đình; Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống; Giảm tập trung chú ý, trí nhớ. Người bệnh cũng có các triệu chứng cơ thể: đau đầu, đau bụng, ngực...
- Giai đoạn toàn phát: Khí sắc trầm tăng hơn; Mất quan tâm thích thú, bi quan chán nản; Buồn bã, mặc cảm, tự ti, tội lỗi, đau khổ...; Khó khăn trong việc ra quyết định, không muốn giao tiếp với mọi người;
Khó khăn trong việc chăm sóc con, tạo mối quan hệ mẹ - con, xa lánh người thân; Lo lắng quá mức tới sức khỏe của con. Người bệnh có thể bị rối loạn thần kinh thực vật; bồn chồn, bất an, ý tưởng hành vi tự sát.
Theo các bác sĩ, có tới 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức. Nhưng thực tế hiện nay có khoảng gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế; điều này rất khó để can thiệp, hỗ trợ cho sản phụ; khiến họ có thể bị nặng hơn; thậm chí có ý nghĩ tự sát hoặc thực hiện hành vi tự sát cả mẹ lẫn con.
Để dự phòng trầm cảm sau sinh thì sự đồng hành của gia đình với người phụ nữ sau sinh rất quan trọng nhằm hỗ trợ về mặt tâm lý kịp thời. Người phụ nữ sau sinh rất cần gia đình dành thời gian quan tâm, chăm sóc; đặc biệt là người chồng cần phải luôn luôn lắng nghe cảm thông và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Còn bản thân người phụ nữ cũng cần học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi; Không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức. Không nên quá kì vọng để trở thành người mẹ hoàn hảo.
Đặc biệt, sản phụ cần phải ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi khi con đang ngủ hay dành thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè, người thân. Với những người có dấu hiệu trầm cảm, cần được khám sớm tại chuyên khoa tâm thần để có phương án điều trị hợp lý, tránh các hậu quả nghiêm trọng.