Thời gian gần đây, nhiều trường hợp trẻ tự tử vì “giận cha mẹ”, vì điểm kém, vì mâu thuẫn bạn bè, vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thậm chí chỉ vì muốn gây sự chú ý, để mọi người mãi nhớ đến mình,…
Theo đánh giá của các chuyên gia tâm thần, rối loạn trầm cảm lo âu ở nhóm vị thành niên rất thường gặp và hầu hết trẻ chỉ được can thiệp khi trầm cảm đã nặng, thậm chí có trẻ tìm đến cái chết gia đình mới bàng hoàng nhận ra con có vấn đề.
Mới đây, BV Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Được biết, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai mà trẻ đã có ý định tự tử. Một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi, trẻ đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị mẹ đánh mắng.
Rất may mắn, cả 2 trường hợp trên, trẻ đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng đến suốt đời.
TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khoẻ Vị thành niên, BV Nhi Trung ương cho biết, ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh.
Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực trong trẻ ngày càng nhiều thêm. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ ở Việt Nam dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ.
Theo PGS.TS Tô Thanh Phương, Nguyên Phó Giám Đốc, BV Tâm Thần Trung ương I, để phát hiện rối loạn trầm cảm lo âu sớm ở nhóm tuổi học sinh rất dễ, chỉ cần bố mẹ đủ quan tâm để nhận ra bất thường của con.
Biểu hiện ban đầu của những trẻ bị trầm cảm là buồn, chán, mệt mỏi… Đây là biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ nhưng hay bị người lớn bỏ qua.
Tiếp đó trẻ có biểu hiện không thích học, sợ học, thấy sách vở là khóc, đến trường là sợ hãi, khóc lóc, trốn học… Bên cạnh đó, trẻ còn không thích giao tiếp với bạn bè, thu hẹp mình lại, trẻ sẽ thu mình ít tham gia vào các hoạt động trong gia đình.
Một số trẻ có thể trên lớp bình thường nhưng về nhà thì lại cáu gắt, hay cãi bố mẹ. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ… Đặc biệt các em còn có biểu hiện sụt cân, da xanh xao.
Ngoài ra, trẻ còn có chứng rối loạn dạ dày ruột, một số trẻ sẽ có triệu chứng cơ thể như đau lưng, đau vai gáy… Rối loạn trầm cảm ở mức độ nặng trẻ sẽ có những suy nghĩ bất mãn, tiêu cực, tự trách bản thân và thường có ý định tự sát…
Theo các chuyên gia, rối loạn trầm cảm luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta nhưng thường dễ khởi phát vào thời điểm có những áp lực, ví dụ thi cử, học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ có các triệu chứng trên nếu kéo dài trên 2 tuần thì cần phải đi khám sớm vì nếu bình thường, trẻ có buồn chán mấy, bất mãn tới bố mẹ tới đâu cũng nhanh chóng qua đi chứ không kéo dài.
Còn các em học sinh cần chủ động hơn trong việc học tập. Tốt nhất nên học dần dần, chia nhỏ các bài học để tránh học dồn vào những ngày sắp thi. Tránh học bài trong trạng thái căng thẳng vì nó sẽ làm giảm khả năng ghi nhớ kiến thức. Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê… Đối với các bậc phụ huynh, không nên tạo áp lực cho con để trẻ thoải mái sáng tạo, tìm thấy niềm vui trong học tập.
An AnBạn đang xem bài viết Những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ mà cha mẹ không nên bỏ qua tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].