Liên tiếp 7 người qua đời vì bệnh Whitmore

Bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người' đã khiến 7 người tại Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Bình tử vong và hàng chục người phải nhập viện điều trị.

Ngày 11/11, ông Phan Thanh Miên (51 tuổi, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) qua đời sau vài ngày nhập viện do bị nhiễm vi khuẩn Whitmore do tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm.

Suốt những ngày tháng 10 lũ lịch sử, khi đi cứu hộ, cứu nạn người dân, ông Miên bị thương ở đầu gối. Ông vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ di dời người dân, dầm mưa, lội nước lũ cùng các đoàn cứu trợ đi cấp phát nhu yếu phẩm cho bà con. Sau nhiều ngày liền ngâm nước lũ, ông bị sốt, ông vào Trạm y tế xã điều trị nhưng không hiệu quả.

Nhận thấy tình trạng ông Miên chuyển biến nặng hơn, sốt cao, đầu gối sưng to, thể trạng yếu, người thân và chính quyền xã đã chuyển ông vào BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình).

Tiếp đó ông Miên được chuyển vào BV Trung ương Huế điều trị khi sức khỏe ngày một xấu hơn. Bệnh nhân bị nhiễm trùng, phải thở máy, lọc máu liên tục, tử vong ngày 11/11.

Mới đây nhất, ngày 24/11, BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị xác nhận đã có 24 người nhiễm bệnh Whitmore kể từ sau những đợt mưa lũ từ tháng 10 đến nay, trong đó có 4 người tử vong.

Tại Đà Nẵng, đã có 28 ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore trong tháng 10 và 11, trong đó có 2 ca tử vong.

Các bệnh nhân mắc Whitmore trong thời gian sau bão lũ gia tăng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc BV Bạch Mai cho hay bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vắc-xin dự phòng).

Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc Whitmore.

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh.

Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ, bệnh hệ thống,..

"Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong" - PGS Cường cho biết.

Trước tình hình ghi nhận sau mưa bão tại miền Trung, số bệnh nhân whitmore có xu hướng gia tăng. Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh whitmore, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh/TP trực thuộc T.Ư; Thủ trưởng y tế bộ, ngành triển khai thực hiện tốt một số nội dung:

Tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh whitmore đã được Bộ Y tế ban hành. Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán do đó khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.

Các cơ sở y tế cần tăng cường truyền thông trong BV để người bệnh, người nhà bệnh nhân nắm được biểu hiện bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan