Đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn trong giáo dục ở cấp trung học phổ thông chẳng khác nào chúng ta chuyển cơm thành món ăn phụ.
Là một người học Lịch sử, có bằng tiến sỹ Lịch sử tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trước đây (1989), đối với tôi cuộc tranh luận về chủ đề này trên mạng xã hội là một cuộc tranh luận đáng kinh ngạc.
Theo dõi cuộc tranh luận này, tôi vừa cảm thấy buồn vừa cảm thấy hài hước. Buồn vì nó đã xúc phạm đến lòng tự tôn của một dân tộc có lịch sử oai hùng như nước ta, còn tính hài hước của cuộc tranh luận này là những quan điểm, những suy nghĩ của một số người thực dụng trong cuộc sống “chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại sau lưng”, thậm chí có người đang nắm giữ trọng trách trong ngành giáo dục. Tại sao chúng ta lại phải tranh cãi một chuyện vô bổ đến như thế?
Lịch sử dân tộc ta đã tồn tại hàng nghìn năm trong điều kiện kinh tế, khí hậu khắc nghiệt, giặc ngoại xâm luôn đe dọa, lăm le ngoài bờ cõi. Nhiều chuyên gia nước ngoài khi nhắc đến lịch sử dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, họ không giấu được sự kinh ngạc và khâm phục sâu sắc trước sức mạnh và sức sống của một dân tộc đất không rộng, người không đông lắm nhưng không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới, thậm chí đã đánh thắng “nhiều đế quốc to” như lời dạy của Bác Hồ. Đây không phải là những lời nói suông mà từ những bài học lịch sử từ nhiều thời đại, thế hệ mà người Việt Nam đã phải trả bằng xương máu, mồ hội và hạnh phúc cá nhân.
Trách nhiệm của những người đương đại là không chỉ hiểu rõ lịch sử dân tộc mà còn phải truyền cho thế hệ mai sau sự hiểu biết và niềm tự hào chính đáng đó vì đây chính là hồn cốt của dân tộc và con người Việt Nam. Một con người mà không biết gì về lịch sử của dân tộc mình, thì cũng không thể hiểu được giá trị sống của bản thân và gia đình mình. Đó là những người “mất gốc” và không thể trông chờ gì ở họ ngay cả khi họ có tài năng.
Việc Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông không bắt buộc tất cả học sinh phải học môn Lịch sử mà để lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến việc giáo dục lòng yêu nước mà còn tạo ra một thế hệ “mất gốc” rất nguy hiểm.
Lịch sử Việt Nam rất hay và hấp dẫn. Việc một số trường dạy môn này một cách khô khan khiến học trò không ham thích là lỗi của các trường, lỗi ở giáo viên chứ không phải lỗi ở môn Lịch sử. Vấn đề là nhà trường, giáo viên phải thay đổi cách dạy học để các em có thêm đam mê với môn học này. Cần lựa chọn các giáo viên có năng lực, tâm huyết để giảng dạy môn Lịch sử. Cần tạo điều kiện cho các em đi tham quan các di tích Lịch sử để các sự kiện lịch sử thấm sâu vào tâm hồn của các em. Cần giáo dục các tấm gương danh nhân, hy sinh vì nước cho các em học tập…
Không ai có quyền đem lịch sử thiêng liêng của dân tộc thành một “món hàng” tự chọn theo ý thích mà phải hiểu một chân lý là: Đã là người Việt Nam phải hiểu rõ lịch sử Việt Nam cũng như nguồn gốc xuất thân của gia đình và bản thân mình. Nói cách khác, giáo dục Lịch sử là nội dung bắt buộc, cơ bản. Đó là những kiến thức đầu đời, là nền tảng để các em tiếp thu những kiến thức khoa học khác.
GS.TS Lê Thị Quý
Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới & Phát triển
Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam