Vào viện trong tình trạng bụng căng chướng, đi ngoài phân lỏng và các bác sĩ đã tiền hành hút ra 6 lít dịch mủ trong ổ bụng bệnh nhân.
Bệnh nhân Đ.T.A. (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng bụng chướng căng, sốt 39 độ, đi ngoài phân lỏng, không có phản ứng phúc mạc, không có điểm đau khu trú.
Trước đó, bệnh nhân sinh non tại nhà khi mới 32 tuần. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiểm khuẩn sau sinh.
Sau khi thăm khám, hình ảnh siêu âm cho thấy dịch khu trú ổ bụng chưa loại trừ khối kích thước 198 x 130mm.
Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy vùng hạ vị xuất hiện khối kích thước 17,5 x 23,6 x 24,1cm tỷ trọng dịch đặc trong có dịch khí với thành mỏng, khối choán chỗ trong tiểu khung và ổ bụng.
Sau hội chẩn bệnh viện ThS.BS. Lê Thế Vũ, Trưởng khoa C3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật, mở thông lấy 6 lít dịch mủ ra khỏi ổ bụng bệnh nhân.
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, nhiễm khuẩn sau sinh là một trong những tai biến sản khoa thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mẹ trong các tai biến sản khoa.
Nhiễm khuẩn sau sinh là các nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục và thâm nhập vào cơ thể người phụ nữ bằng cách ngược dòng âm đạo. Sản phụ bị nhiễm khuẩn sau sinh do nhiều nguyên nhân như:
- Sản phụ bị sót rau.
- Trong quá trình sinh con và làm thủ thuật môi trường không vô khuẩn, các trang thiết bị y tế không vô khuẩn.
- Vệ sinh âm đạo của sản phụ sau sinh kém.
- Sau đẻ non, đẻ thai lưu.
- Tiền sử sản phụ từng sảy, nạo, hút thai nhiều lần.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn sau sinh, sản phụ cần lưu ý:
- Khi thấy bất cứ triệu chứng: sốt, ra máu hay ra sản dịch nhiều có mùi hôi các mẹ nên đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng gây nên rủi ro đáng tiếc.
- Chăm sóc vùng kín trước khi sinh: Khi mang bầu các mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ đặc biệt là những ngày gần sinh con. Mẹ nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, tránh thụt rửa âm đạo.
- Sản phụ kiêng quan hệ tình dục sau sinh do sức khỏe của sản phụ chưa phục hồi.
- Thay quần lót thường xuyên để giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng.
- Dùng băng gạc vô trùng để thấm dịch chảy ra từ âm đạo, giữ cho vùng kín luôn khô ráo. Không nên dùng các loại giấy hoặc khăn ướt có mùi thơm để lau vùng kín.
- Sau khi sinh khoảng 2 tuần, sản phụ nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám lại để chắc chắn đã hồi phục sức khỏe, phát hiện những biến chứng nếu có và kịp thời điều trị.