Nhiều khối u gan chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn, trong khi đó, nếu chẩn đoán sớm người vệnh sẽ cho cơ hội chữa khỏi hoàn toàn. Để phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư gan, bác sĩ Trần Lê Vũ, Phòng khám CarePlus khuyên nên thực hiện ngay 8 điều dưới đây.
1. Hạn chế uống bia, rượu để không gây áp lực cho gan, ngăn ngừa nguy cơ xơ gan và ung thư gan.
2. Không ăn các loại ngũ cốc, các loại hạt có dấu hiệu mốc, hỏng, dự trữ trong điều kiện nóng ẩm.
3. Khám sức khỏe định kỳ.
4. Không hút thuốc lá.
5. Chích ngừa viêm gan siêu vi B.
6. Tham vấn bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy có khối u ở phần dưới sườn phải.
7. Nam giới ở châu Á dưới 40 tuổi không cần tham gia tầm soát ung thư gan, trừ khi có cha hay mẹ bị ung thư gan. Ở nữ giới, độ tuổi cần tham gia tầm soát là từ 50 tuổi.
8. Người nhiễm siêu vi C nhưng không bị xơ gan có nguy cơ thấp phát triển thành ung thư gan. Vì vậy, chỉ khuyến cáo người bệnh đồng thời bị xơ gan và mắc siêu vi C nên tham gia chương trình tầm soát.
▪Khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư gan là không có triệu chứng. Triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, có khối u ở bụng, ứ nước trong ổ bụng, và vàng da. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân sẽ yếu mệt, chán ăn và sụt cân.
▪ Ăn các loại thực phẩm bị nấm mốc như các loại ngũ cốc, bắp, và hạt trữ trong điều kiện nóng ẩm, cũng như tình trạng béo phì cũng có thể gây ra ung thư gan.
▪Khối u gan là không lây nhiễm và không di truyền từ cha mẹ sang con.
Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư thường gặp nhất ở gan. Nó là khối u nguyên phát, tức là khối u bắt đầu và phát triển tại gan chứ không phải di căn từ nơi khác.
Ở Việt Nam, có khoảng 22.000 ca mắc ung thư gan mới mỗi năm. Ung thư gan thường gặp ở nam hơn là nữ và thường xuất hiện ở độ tuổi 50 - 70. Phần lớn người bệnh có khối u gan chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn; trong khi đó, nếu chẩn đoán sớm sẽ cho cơ hội chữa khỏi hoàn toàn.
Ung thư gan thường xuất hiện ở những người bị xơ gan, lạm dụng rượu bia, viêm gan siêu vi B hoặc C mạn tính. 2-8% người có bệnh xơ gan với siêu vi C mãn tính có nguy cơ phát triển ung thư gan.
Bên cạnh đó, ít nhất 1 trong 200 bệnh nhân nhiễm siêu vi B sẽ mắc bệnh ung thư gan mỗi năm (tức 0,5%/năm); tỉ lệ này tăng lên 1%/năm ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên, và 2,5%/năm ở bệnh nhân xơ gan. Người mang siêu vi B có khả năng mắc ung thư gan cao hơn 100 lần so với người không mang siêu vi.
Một nguy cơ khác gây ra ung thư gan là gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu. Bệnh này xảy ra do các rối loạn trao đổi chất và béo phì gây ra. Những nguy cơ khác gây ra ung thư gan là bệnh tiểu đường, gia tăng nồng độ chất sắt trong cơ thể do di truyền, hay thiếu men alpha 1-antitrypsin.
Ngoài ra, các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư gan bao gồm: hút thuốc, thức ăn có lẫn chất độc aflatoxin B1, và nhiễm virus AAV2. Đặc biệt, chất độc aflatoxin B1 được tạo ra bởi nấm Aspergillus trong các loại ngũ cốc, bắp và hạt trữ trong điều kiện nóng ẩm.
Chẩn đoán ung thư gan thường khó vì thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Để chẩn đoán, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm máu đo nồng độ alpha-fetoprotein (AFP) và kiểm tra chức năng gan cho người có xơ gan hay viêm gan B hoặc C. Bệnh nhân có bướu trong gan lớn hơn 2 cm và có nồng độ AFP > 200 ng/ml đã có thể được xác nhận có ung thư gan.
Tuy nhiên, các xét nghiệm này cũng không thể chẩn đoán chắc chắn vì không phải bệnh nhân nào bị ung thư gan cũng có xét nghiệm máu bất thường. Vì vậy, các bác sĩ thường thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh học như siêu âm bụng, chụp cắt lớp (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu các khảo sát hình ảnh này cho thấy có khối u và nếu không thấy các dấu hiệu điển hình bằng 1 trong 2 phương pháp (CT và MRI), sinh thiết gan cần được thực hiện để chẩn đoán.
Bệnh nhân ung thư gan không được điều trị thường diễn tiến xấu khá nhanh. Phẫu thuật cho cơ hội tốt nhất để chữa khỏi, nhưng hầu hết các bệnh nhân lại không thể mổ được do tế bào ung thư đã phát tán (di căn) hoặc do xơ gan. Các khối u nhỏ dưới 5 cm mà chưa di căn và phần gan còn lại vẫn hoạt động tốt sẽ ít có khả năng tái phát sau khi được phẫu thuật. Bệnh nhân có khối u to hoặc quá nhiều mô gan bị tổn thương có thể được điều trị ghép gan.
Các bệnh nhân không thể mổ được vẫn có thể được điều trị bằng các phương pháp khác. Các biện pháp này bao gồm tiêm hóa chất vào động mạch nuôi khối u hoặc tiêm cồn trực tiếp vào bên trong khối u để phá hủy chúng.
Với ung thư gan giai đoạn giữa thì nút mạch hóa chất (TACE) là liệu pháp tiêu chuẩn với thời gian sống sót từ 26-40 tháng. Ung thư gan giai đoạn gần cuối thì thuốc SORAFENIB cho phép nâng cao rõ rệt tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối từ 7,9 – 10,7 tháng.