Đặc biệt với những người mắc bệnh tiểu đường thì 3 cách dưới đây có thể trở nên cực kì hữu ích.
Cách dễ nhất để giảm lượng đường trong máu là sử dụng insulin đã được kê toa bởi bác sĩ. Tuy nhiên, cơ thể có thể mất đến bốn giờ để hấp thụ insulin, và uống quá nhiều insulin có thể gây tử vong.
Nếu bạn cần phải giảm lượng đường trong máu một cách nhanh chóng, hãy uống nhiều nước và đi dạo. Một chế độ ăn uống với các loại thực phẩm giàu protein, rau xanh và chất béo lành mạnh cũng có thể giúp giảm lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
Nếu lượng đường trong máu cao là một vấn đề xảy ra thường xuyên đối với bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt về việc điều chỉnh phác đồ điều trị của bạn.
Cách 1: Xử lý tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
1. Tìm kiếm dấu hiệu điển hình của lượng đường huyết cao: Nếu lượng đường trong máu cao, bạn có thể trở nên dễ cáu kỉnh, cảm thấy mệt mỏi và lười biếng. Cảm thấy khát và khô miệng cũng là biểu hiện thường gặp của lượng đường huyết cao.
- Bạn có thể có những triệu chứng khác chỉ xảy ra duy nhất với mình. Vì thế, hãy giám sát bản thân kĩ càng để nhận ra những triệu chứng này ngay khi chúng xuất hiện.
- Nếu bạn đang nôn mửa hoặc buồn nôn, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của lượng đường huyết cao nghiêm trọng và có thể khiến bạn mắc bệnh ketoacidosis tiểu đường, đôi khi được gọi là hôn mê đái tháo đường.
2. Ghi lại lượng đường huyết của bạn: Nếu bạn nhận thấy triệu chứng của lượng đường huyết cao, hãy thử lượng đường trong máu của mình và ghi lại kết quả cùng với ngày tháng thử. Bạn có thể ghi lại cả những chi tiết khác để xác định được nguyên nhân của tình trạng này.
- Ví dụ, nếu bạn vừa có một bữa ăn lớn, đó có thể là nguyên nhân cho lượng đường huyết cao của bạn.
3. Kiểm tra Xeton: Xeton-axit đái đường là một biến chứng tạm thời đối với các bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 và cũng có thể ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 mặc dù hiếm hơn. Nó cũng có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho thể xác và thậm chí là tử vong nếu không được chữa trị. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2, hãy giữ que thử Xeton bên mình để thử lượng nước tiểu.
- Nhìn chung, nếu bạn mắc tiểu đường và lượng glucose trong máu là 250mg/dl hoặc cao hơn, bạn cũng nên kiểm tra lượng Xeton.
- Nếu bạn có Xeton trong nước tiểu, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc tới bệnh viện ngay lập tức.
4. Uống 2 cốc nước: Bản thân nước không hạ được lượng đường huyết của bạn. Tuy nhiên, nó bù nước cho cơ thể, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Uống hai cốc liên tiếp với nhau.
- Uống từ từ đừng uống quá nhanh. Sau khi uống cốc thứ nhất, hãy xem xem bạn cảm thấy thế nào. Đừng tự ép mình uống thêm nếu bạn cảm thấy buồn nôn.
- Thức uống thể thao cũng có thể giúp bạn cân bằng chất điện ly trong cơ thể và hạ lượng đường trong máu. Nhưng hãy nhớ uống loại không đường, nếu không lượng đường huyết của bạn sẽ tăng lên.
- Nước cũng giúp thải ra Xeton nhưng hãy cẩn thận. Nói chuyện với bác sĩ trước khi uống nếu nước tiểu của bạn cho thấy dấu hiệu của Xeton.
5. Đi dạo: Một trong những cách hạ lượng đường huyết nhanh nhất là tham gia vào các hoạt động thể chất, và đi dạo là cách đơn giản nhất để thực hiện điều này.
- Tiếp tục hoạt động từ 5 đến 10 phút và sau đó kiểm tra lượng đường huyết của bạn. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn kiểm tra lượng Xeton trong nước tiểu. Nếu lượng đường huyết không giảm, trên 250mg/dl, hoặc nếu có sự xuất hiện của Xeton, hãy ngưng tập thể dục ngay lập tức.
- Đừng tập thể dục quá 15- 20 phút vì lượng đường huyết của bạn có thể giảm xuống quá thấp.
- Nếu nước tiểu của bạn có chứa Xeton, đừng tập thể dục ngay cả khi nhẹ nhàng nhất, do nó có thể khiến tình trạng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn. Liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.
6. Tắm nước ấm: Nếu bạn đang ở nhà, tắm với nước ấm trong 15 phút có thể giúp insulin chạy qua khắp cơ thể, giúp hạ lượng đường huyết nhanh hơn.
- Kiểm tra lại lượng đường huyết sau khi tắm xem nó đã hạ hay chưa. Bạn cũng có thể uống thêm một cốc nước.
- Hãy nhớ rằng tắm nước ấm cần có glucose, và cơ bắp cần insulin để sử dụng lượng glucose đó. Điều này có nghĩa là nếu cơ thể bạn không có đủ insulin, lượng đường huyết trong máu có thể tăng lên mà không phải hạ xuống.
7. Nói chuyện với bác sĩ: Nếu uống nước, đi bộ và tắm nước ấm không hạ được lượng đường huyết xuống mức chấp nhận được, gọi cho bác sĩ ngay khi có thể và trình bày tình trạng này với họ.
- Bác sĩ có thể sẽ muốn gặp bạn để kiểm tra thêm hoặc điều chỉnh thuốc và kế hoạch điều trị.
- Đảm bảo ghi lại cẩn thận tất cả các trường hợp mà lượng đường huyết cao. Nếu chế độ ăn và luyện tập thể dục không phải là nguyên nhân, bạn có thể sẽ cần thuốc điều trị khác để kiểm soát lượng đường huyết.
Cách 2: Điều chỉnh chế độ ăn.
1. Ăn nhiều protein: Protein có thể thỏa mãn cơn đói trong khi giúp bạn ổn định lượng đường huyết. Thêm snack chứa nhiều protein vào chế độ ăn 2 đến 3 lần trong ngày. Tránh tiêu thụ snack chứa đường do chúng chỉ khiến cho tình trạng ngày càng nặng thêm.
- Một thìa canh bơ đậu phộng hoặc bơ hạnh nhân không chứa đường sẽ cung cấp cho bạn lượng protein cần thiết. Bạn cũng có thể thử ăn một ít hạnh nhân hoặc một miếng phô mai.
2. Làm sinh tố rau xanh: Rau xanh như xà lách, cải xoăn hoặc rau chân vịt chứa nhiều magiê, hỗ trợ lượng glucose lành mạnh.
- Bạn có thể tìm các công thức sinh tố trên mạng. Hãy thử nhiều loại cho đến khi bạn tìm được loại yêu thích nhất. Thay đổi loại rau xanh mà bạn thường sử dụng để không bị chán.
- Ăn rau xanh nhiều lần trong ngày có thể giúp làm ổn định lượng đường trong máu qua thời gian.
3. Thử thêm bột quế vào món ăn: Quế chứa nhiều crôm mà nhiều người cho rằng giúp hấp thụ glucose và làm giảm lượng đường huyết. Trong khi điều này không thực sự chắc chắn, thêm một chút quế vào chế độ ăn sẽ chẳng gây hại cho bạn. Nếu bạn đang ăn snack chứa nhiều protein hoặc sinh tố rau xanh, hãy thử rắc thêm một chút bột quế lên trên hoặc xay cùng với sinh tố.
4. Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn: Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu magiê. Mặc dù không có đủ bằng chứng cho thấy magiê giúp làm giảm lượng đường trong máu, bệnh tiểu đường loại 2 vẫn có sự liên quan chặt chẽ với sự thiếu hụt magiê. Vì thế, bạn có thể làm bánh sandwich với bánh mỳ nguyên hạt hoặc bột yến mạch, hoặc dùng bột yến mạch hoặc gạo lứt để nấu cháo ăn sáng.
- Bạn có thể nấu rất nhiều món với yến mạch.
- Cẩn thận khi ăn bánh mì. Trong khi thay thế carbohydrate tinh chế với ngũ cốc nguyên hạt là một bước tiến lớn, 2 lát bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt vẫn có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn lên hơn cả 2 muỗng canh (29,6 ml) đường kính. Hơn nữa, bánh mì cũng có thể chứa thêm đường.
5. Chuyển sang chế độ ăn chay: Nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường nhận thấy lượng đường trong máu của họ được cải thiện khi chuyển sang chế độ ăn chay hoặc thuần chay. Ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng từ bỏ thịt, hạn chế chúng và các sản phẩm làm từ sữa trong chế độ ăn có thể giúp giảm lượng đường trong máu.
- Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật chứa nhiều chất xơ, làm chậm sự giải phóng đường trong máu và giúp làm ổn định lượng đường trong máu theo thời gian.
- Hãy thêm nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật trong chế độ ăn của bạn ngay cả khi chưa sẵn sàng từ bỏ thịt và sữa.
- Nếu bạn yêu thích các sản phẩm được làm từ sữa, hãy nhớ rằng sữa nguyên kem và heavy cream có chứa ít đường hơn các loại ít chất béo khác.
Cách 3: Tập thể dục thể thao.
1. Kiểm tra sự hiện diện của Xeton: Nếu bạn mắc tiểu đường và có lượng đường trong máu cao, hãy sử dụng que thử để kiểm tra Xeton trong nước tiểu. Đừng tập thể dục nếu xét nghiệm cho thấy có xeton trong nước tiểu.
- Ketoacidosis tiểu đường là một tình trạng nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Nếu xét nghiệm cho thấy xeton trong nước tiểu, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
2. Bắt đầu với việc đi bộ: Tập thể dục thường xuyên là cách đơn giản nhất để duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh.
- Tập thể dục ở cường độ vừa phải. Nếu bạn cảm thấy hết hơi, hãy đi chậm lại hoặc dừng lại để nghỉ.
- Nếu bạn lo lắng về việc đi ra ngoài một mình, hãy tìm thêm một người bạn để đi cùng.
3. Tập trong vòng từ 10 đến 15 phút mỗi ngày: Tập thể dục thường xuyên không có nghĩa là bạn dành hàng giờ trong phòng gym. Khoảng từ 10 đến 15 phút hoạt động với cường độ vừa phải mỗi ngày là tất cả những gì bạn cần.
4. Kiểm tra lượng đường trong máu định kỳ trong khi tập thể dục: Tập thể dục là một trong những cách dễ nhất để giảm lượng đường trong máu một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm tăng lượng đường huyết nếu bạn tập thể dục với cường độ quá cao. Nếu bạn có vấn đề với lượng đường trong máu, hãy kiểm tra trước, trong và sau khi tập thể dục.
- Hãy đảm bảo trong việc cố gắng ổn định lượng đường huyết bằng cách tập thể dục, bạn không vô tình làm cho nó hạ xuống quá thấp.
- Nếu nhận thấy lượng đường trong máu tăng, hoặc giảm quá thấp, ngừng tập thể dục ngay lập tức.
(Theo WikiHow)