Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Nhưng không phải ai cũng cần ngủ 8 tiếng một ngày, vì độ tuổi có liên quan mật thiết đến thời gian ngủ cần thiết cho mỗi người.
Tác hại của thiếu ngủ
Nhiều người có thói quen thức khuya vào ngày thường và ngủ bù vào cuối tuần. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của chúng ta. Thiếu ngủ có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Thiếu ngủ khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức, làm thay đổi chức năng hormone, gây ra các bệnh tim mạch và giảm thị lực. Ngoài ra, thiếu ngủ và giấc ngủ không chất lượng còn gây những ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể và ngoại hình của bạn, khiến bạn dễ tăng cân, da xanh xao và xuất hiện quầng thâm dưới mắt. Thiếu ngủ cũng dẫn đến thiếu tập trung, giảm hiệu quả làm việc và lão hóa sớm.
Chúng ta thường được khuyên nên ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, nhưng tùy vào từng độ tuổi mà chúng ta cần những thời gian ngủ khác nhau.
Thời gian ngủ phù hợp với từng độ tuổi
Tuổi tác không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và chức năng cơ thể của chúng ta. Các nhà khoa học đã chứng minh được mối liên hệ giữa tuổi tác và số giờ cần thiết cho việc ngủ.
Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi cần ngủ nhiều nhất. Trẻ em dưới 18 tuổi nên ngủ hơn 8 tiếng mỗi đêm. Thời gian ngủ cần thiết thường giảm dần khi chúng ta lớn lên. Cho đến 18 tuổi, trung bình mỗi người cần 7-9 tiếng ngủ mỗi ngày và điều này thay đổi một chút khi chúng ta bước qua tuổi 65.
Tuy nhiên, mỗi người có những nhu cầu cá nhân riêng và điều kiện sức khỏe, sinh hoạt riêng, nên cũng cần tùy vào trường hợp của từng người để có thời gian ngủ hợp lý nhất.
Làm thế nào để có giấc ngủ chất lượng?
Để có một giấc ngủ chất lượng và một thói quen ngủ tốt, bạn cần nắm được những mẹo nhỏ sau:
+ Tỉnh táo và ban ngày và ngủ say vào ban đêm: Hãy luôn đảm bảo giấc ngủ ngon, không bị làm phiền bởi tiếng ồn, ánh sáng và các thiết bị điện tử... Vào ban ngày, bạn cũng nên đảm bảo tinh thần tỉnh táo, không ngủ quá nhiều vào ban ngày và thức vào ban đêm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt và cơ thể của bạn.
+ Ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm: Bạn nên hình thành thói quen đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định trong ngày, nó sẽ giúp bạn luôn ngủ đủ giấc và đúng giờ.
+ Không dùng chất kích thích trước khi ngủ.
+ Không ăn quá nhiều vào buổi tối.
+ Đảm bảo phòng ngủ luôn thoải mái và yên tĩnh.
+ 15 phút đi bộ hít thở không khí trong lành sẽ giúp giấc ngủ ngon hơn.
+ Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ và tắt các thiết bị điện tử khi ngủ.
+ Tập thể dục thường xuyên và giữ tinh thần luôn cân bằng, thư giãn.