Khổ sở vì bôi thuốc chữa bệnh trĩ không rõ nguồn gốc

Phát hiện bị bệnh trĩ nhiều năm nhưng người đàn ông sợ đau không đi thăm khám điều trị và tự mua thuốc về bôi dẫn đến hậu môn bị hẹp khít, viêm nhiễm loét hậu môn không thể đại tiện.

Mắc bệnh trĩ và tiền mất tật mang

Anh Trần Anh Đức (36 tuổi, ở Lạng Sơn) làm nghề lái xe khách đường dài và phát hiện bị bệnh trĩ từ nhiều năm. Nhưng vì công việc bận rộn, sợ đau và sợ tốn nhiều tiền và mất nhiều thời gian nên anh Đức không vào viện thăm khám bệnh mà chỉ dùng thuốc do người quen mách.

Thời gian gần đây bệnh tình của Đức có biểu hiện nặng hơn, vùng hậu môn chảy máu, dịch, đau rát gây khó chịu khi ngồi. Nghe lời mách của bạn cùng lái xe, anh nhờ người quen mua ở biên giới phía Bắc về thuốc bôi đắp hậu môn để chữa trĩ.

Sau khi trộn hỗn hợp (gồm 2 lọ thuốc khác nhau trong toa thuốc mua) này đắp vào vùng hậu môn anh Đức có cảm giác bỏng, rát, nhưng vì với tâm lý mong muốn khỏi bệnh nên anh kiên trì đắp thuốc liền một tháng.

Kết quả là bệnh không khỏi mà lỗ hậu môn của anh D. dần bị thu hẹp đến mức không thể đi đại tiện bình thường, mỗi lần cố rặn đi đại tiện là vùng hậu môn lại đau, phân ra thành khối nhỏ dài như sợi mì qua đường khe hẹp.

Chỉ đến khi vùng hậu môn loét, chảy dịch, kèm theo bí đại tiện không chịu được làm anh Đức đau đớn khó chịu và phải bỏ hết công việc xuống Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương  (ở Hà Nội) để điều trị bệnh.

Thuốc bôi trĩ có thạch tín rất nguy hại, để lại nhiều di chứng

Trao đổi về tai biến không mong muốn trong quá trình điều trị bệnh trĩ bằng dùng thuốc, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Lê Mạnh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương giải thích: Trường hợp của bệnh nhân Đức kể trên không phải là cá biệt.

Thực tế, qua những ca tai biến khi điều trị bệnh trĩ bằng dùng thuốc nhập viện gần đây chúng tôi thấy, phần lớn bệnh nhân dùng thuốc dưới dạng kem, bột, viên nang hoặc cao dán không rõ nguồn gốc có xuất xứ từ các tỉnh biên giới phía Bắc hoặc các bài thuốc truyền miệng từ một số lang vườn địa phương.

Những bài thuốc bôi, đắp này thực ra được bào chế theo phương pháp bôi khô tán trĩ có từ xa xưa. Công thức của phương pháp bôi khô tán trĩ thường có thành phần thạch tín, ô mai, thần sa, phèn phi... với mục đích làm cho búi trĩ bị hoại tử đi. 

Tuy nhiên, trong thuốc này có thành phần thạch tín - một thành phần có khả năng gây độc rất cao nếu ngấm vào máu, nếu dùng không đúng liều lượng còn có thể gây hoại tử vùng hậu môn, làm hẹp hậu môn và thậm chí là gây tử vong. Đặc biệt với người già, chức năng gan thận yếu nếu áp dụng những thuốc có chứa thạch tín sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, tính mạng.

Bác sĩ Cường cũng nhấn mạnh: Phương pháp bôi khô tán trĩ này cũng từng được một số cơ sở y tế Đông y của nhà nước áp dụng. Nhưng khoảng 20 năm nay  sau khi có kiểm chứng lâm sàng khoa học y tế thì phương pháp này đã  bị loại bỏ hoàn toàn do  trong đó có sử dụng thành phần gây độc cho cơ thể, gây hoại  tử vùng hậu môn trực tràng, để lại nhiều di chứng (trong đó có để lại di chứng hẹp hậu môn).

Tuy nhiên, không hiểu sao thời gian gần đây nhiều người lại truyền tai nhau cách điều trị trĩ bằng các đắp thuốc, bôi thuốc theo nguyên lý của phương pháp bôi khô tán trĩ này và hệ quả là nhiều bệnh nhân mắc trĩ gặp phải nhiều biến chứng nặng nề khi dùng nó.

Đi khám trĩ ở đâu uy tín?

Còn trao đổi về trường hợp bệnh nhân Đức kể trên, Bác sĩ cao cấp Lê Mạnh Cường- người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Đức chia sẻ: “Bệnh nhân này nhập viện thăm khám trong tình trạng đau hậu môn, đau bụng và xuất hiện nhiều vết loét, hoại tử vùng hậu môn. Thậm chí vùng hậu môn sau khi bôi thuốc bị hẹp khít đến mức bí không đi đại tiện được. 

Qua khai thác tiền sử bệnh lý thì chúng tôi được biết bệnh nhân đã sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc (với nhãn mác bên ngoài ghi toàn tiếng Trung)  bôi vào hậu môn. Sau gần 1 tháng bôi thuốc để điều trị trĩ thì dẫn đến tình trạng đau đớn do tắc mạch hoại tử hậu môn và hẹp khít hậu môn. Chúng tôi đã phải tiến hành can thiệp phẫu thuật xử trí các vùng hoại tử ở hậu môn, tiến hành tạo hình lại hậu môn cho bệnh nhân”.

Do đó, Bác sĩ Cường khuyến cáo, đối với người bị bệnh trĩ là cần tiến hành thăm khám tại những cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu của bệnh trĩ như táo bón kéo dài, đi ngoài ra máu, đau hậu môn, có khối sa ra ngoài khi đi đại tiện…

“Người bị bệnh trĩ không nên tự điều trị bằng thuốc không rõ nguồn gốc để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử, hẹp hậu môn…”, Bác sĩ Cường nhấn mạnh. 

(Tên bệnh nhân đã được thay đổi)

An Bình/giadinhmoi.vn