Mỗi 'bà vợ' dù tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm… hay bất cứ ngành nào đi nữa, thì cũng đều trở thành một kế toán gia đình, cấp bằng kế toán trưởng chỉ trong vài năm mà không cần thầy dạy…
Đó là câu nói đùa mà tôi vẫn hay nói với chồng, vì thật sự, gia đình trẻ như chúng tôi ở lại Hà Nội đắt đỏ, thu nhập không cao thì đành tự biến mình thành một kế toán tài ba bất đắc dĩ để thực hiện đúng châm ngôn “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Cuộc sống hiện tại, dù không phải là dư dả, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay nhưng chúng tôi vẫn cố gắng từng ngày. Chúng ta nên chi tiêu hợp lý chứ không nên tiết kiệm một cách hà tiện.
Vỡ mộng sau những ấp ủ về cuộc sống màu hồng ở Hà Nội
Không ít những bạn trẻ ra trường có tham vọng ở lại Hà Nội, không muốn trở về quê, nhất là khi bản thân lại có một mối quan tâm – ràng buộc với Hà Nội mà không dễ gì buông bỏ…
Đó chính là tâm trạng của hai đứa tỉnh lẻ chúng tôi sau khi tốt nghiệp đại học. Hai vợ chồng bằng tuổi nhau, chúng tôi đã cùng nhau đi qua những tháng ngày sinh viên vất vả ở Hà Nội, và rồi cùng trăn trở, cùng nghĩ đến chuyện ở lại hay buông bỏ. Vì cuộc sống ở Hà Nội đâu có dễ dàng với những đứa con tỉnh lẻ, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng và nhất là gia đình hai bên đều không có khả năng hỗ trợ tài chính.
Hai đứa đứng trước lựa chọn: Nếu còn muốn bên nhau thì ở lại Hà Nội, còn không, quê ai người nấy về, đường ai người nấy đi. Nhưng rồi, Hà Nội vẫn là bến đỗ cuối cùng của chúng tôi.
Ra trường sau hai năm thì chúng tôi quyết định cưới, khi trong tay chỉ đủ tiền chụp ảnh cưới và mua một đôi nhẫn giá tầm trung.
Với lương công chức được 11 triệu (năm 2016), hai vợ chồng xoay xở cũng đủ sống. Tiền nhà: 2,5 triệu + điện, nước, mạng internet: 500.000đ, còn lại 8 triệu là tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi chơi. Hai vợ chồng đi làm cả tuần, chỉ ăn ở nhà một bữa buổi tối và một ngày cuối tuần, thậm chí có thể đi ăn ngoài, đi chơi xa, mua đồ đạc linh tinh, sắm sửa lặt vặt các thiết bị trong gia đình....
Cuộc sống sau hôn nhân đầy màu hồng như thế, chẳng lo nghĩ nhiều về tiền bạc, vẫn sống theo kiểu sinh viên kéo dài: đầu tháng như bà hoàng, giữa tháng như dân thường và cuối tháng như ăn mày. Và sai lầm lớn nhất của tôi là không nghĩ đến việc tích lũy, đến việc quản lý tài chính là như thế nào, có bao nhiêu ăn tiêu bấy nhiêu.
Tôi chỉ nhận ra sai lầm ấy cho đến khi gia đình có thêm một thành viên mới. Cuộc sống như đảo ngược hoàn toàn. 8 triệu tiền tiêu hàng tháng bỗng dưng trở thành con số quá nhỏ. Nếu lúc trước, hai vợ chồng đi xe máy về quê cũng chỉ mất vài chục tiền xăng xe thì giờ đây, cả đi về, thuê taxi cũng đã ngót nghét 1 triệu. Rồi tiền bỉm, sữa, tiền thuốc bổ… lúc nào cũng muốn dùng đồ tốt cho con, muốn chăm con để con không phải thiệt thòi so với các bạn cùng lứa… Vậy nên, cái chăn “8 triệu” làm sao để co kéo đủ cho ấm cả nhà?
Có những khi cuộc sống ngột ngạt, khiến cả hai vợ chồng đều nghi ngờ về chính lựa chọn của mình…
Đến những bài học được rút ra từ quản lý chi tiêu
Nhưng vốn không phải là người thỏa hiệp với cuộc sống, từ việc muốn ăn gì thì ăn, muốn mua gì thì mua, tôi bắt đầu học cách kiểm soát chi tiêu của gia đình. Trước đây, khi tôi nghĩ đến món ăn gì là rút tiền ra mua; lướt facebook thấy váy đẹp, thấy đồ dùng thông minh, thấy mĩ phẩm là oder không cần tính toán thì giờ đây, mọi việc cần được nghiêm túc nhìn lại.
Đầu tiên, tôi ghi chép cẩn thận từng khoản chúng tôi tiêu vào mỗi tháng, để biết rằng khi không có kế hoạch, chúng tôi đã tiêu những gì. Tôi ghim tờ giấy note trên cánh tủ lạnh, cuối mỗi ngày đều cố gắng ghi lại theo danh mục chi tiêu. Sau một tháng, thật sự tôi đã thấy khá sock về khoản chi tiêu vô tội vạ của mình, bắt đầu nhìn nhận lại sai lầm của mình để có thể điều chỉnh chi tiêu một cách hợp lý nhất.
Tôi đã đọc nhiều lần về cách chia tài chính thành 6 hũ, nhưng thật sự không dứt khoát trong việc quản lý nên hay bị tiêu lẫn lộn các loại tiền. Vậy nên, vận dụng cách chia đó, tôi tự đặt ra cách phù hợp với khả năng của mình.
Về tiền học cho con, tôi vẫn quyết định cho con học trường tư, vì vậy cũng khá đau đầu trong khoản cân đối chi tiêu so với việc bé học trường công lập. Tôi dùng tiền thưởng, tiền tiết kiệm (mỗi tháng lĩnh lương sẽ bỏ vào lợn tiết kiệm) để đóng học gói 6 tháng cho con, được giảm 20% học phí, đồng thời, tôi tìm ghép nhóm trong chung cư nhà mình, cứ nhóm 5 bạn giới thiệu sẽ được giảm thêm 10%. Vậy là được giảm 30% học phí 1 tháng. Còn tiền ăn của con, tôi sẽ đóng theo từng tháng, mỗi tháng khoảng hơn 1 triệu.
Về vấn đề thực phẩm, vì có bố mẹ ở quê, nên tôi thường nhờ mẹ mua giúp, thực phẩm vừa rõ nguồn gốc, vừa rất rẻ. Đối với các khoản phí sinh hoạt khác, tôi thường kiểm soát bằng cách chuyển vào tải khoản Vinmart khoảng 3 triệu để quản lý tiền (vì chủ yếu đồ dùng, tiền điện nhà tôi thường thanh toán qua siêu thị ở tầng một của chung cư). Ngoài ra, tôi có một hộp nhỏ để tiền lẻ khi muốn mua đồ khác ngoài siêu thị, nhưng đảm bảo để không mua quá số tiền ở trong đó.
Nuôi lợn tiết kiệm và bỏ khoản sinh hoạt phí bên ngoài ra một hộp nhỏ để quản lý chi tiêu
Vì đặc thù công việc, chồng tôi ăn sáng và ăn trưa ở cơ quan, còn tôi nấu ăn sáng tại nhà và mang cơm đi làm. Cả gia đình chỉ ăn tối ở nhà và cuối tuần nên tiền chi tiêu cho ăn uống cũng không quá nhiều. Tôi cũng cố gắng nấu ăn tại nhà, vừa đảm bảo, vừa tiết kiệm. Đặc biệt, tôi có thói quen uống cafe, các loại trà nên nếu đi mua hàng ngày thì mất một khoản phí khá lớn, nên tôi tự học theo các video trên youtube để pha theo một cách đơn giản nhất, phù hợp khẩu vị. Thỉnh thoảng, tôi vẫn oder đồ ăn hoặc cả nhà đi ăn uống bên ngoài để thay đổi không khí gia đình.
Tôi tự trồng một số loại rau nhỏ ở ban công, tự pha đồ uống theo sở thích. Thỉnh thoảng, gia đình tôi đi chơi và đi ăn bên ngoài để thay đổi không khí
Là phụ nữ, tôi cũng không thể kìm lòng trước quần áo đẹp hay mĩ phẩm, giày dép. Tuy nhiên tôi buộc phải kiềm chế tính “nổi hứng” như trước đây: đầu tiên, bỏ theo dõi tất cả các trang facebook quần áo, giày dép, đồ ăn... không để đăng nhập tự động các trang Shopee, Tiki, (vì mỗi lần muốn đăng nhập tôi rất ngại nhập tài khoản, hạn chế được khá nhiều thói quen lướt web ngắm đồ của tôi).
Nhưng phụ nữ thì “có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn bôi kem dưỡng da, đắp mặt nạ, không thể không mua váy vóc”, vì thế, tôi tự nghĩ cách kiếm thêm thu nhập ngoài lương để phục vụ những nhu cầu cá nhân. Tôi cân đối thời gian và dành một khoảng thời gian bán hàng online. Tôi chọn những dòng sản phẩm độc đáo, không phải hàng đại trà, ít người bán và đặc biệt cần thiết cho mọi người, đó là chanh đào ủ muối thực dưỡng.
Tôi luôn đặt mục tiêu cho chính mình, đầu tiên chỉ là đáp ứng nhu cầu cá nhân, ví dụ tháng này thôi muốn mua một bộ mĩ phẩm mới, hay mua váy, giày mới thì tôi sẽ đặt ra mục tiêu từ đầu tháng, mình sẽ cố gắng KPI mỗi ngày là bao nhiêu để từ đó thực hiện mục tiêu của mình. Vì thế, từ việc chỉ đáp ứng chi tiêu mang tính cá nhân, dần dần sau một thời gian tôi cũng có một nguồn thu nhập nhất định từ kinh doanh online.
Chăm chỉ vun trồng để mong ngày hái quả ngọt
Bài toán nào dù có khó cũng sẽ có cách tìm ra lời giải. Từ việc chi tiêu không kiểm soát, tôi cũng học cách trở thành một kế toán của gia đình, hoạch định chi tiêu, ngoài việc đảm bảo sinh hoạt, còn dành ra những khoản tiết kiệm nhỏ. Hiện tại, vợ chồng tôi đã có một căn chung cư nhỏ xinh, mua theo diện hỗ trợ của nhà nước, cùng với sự giúp đỡ gia đình, bạn bè, vay lãi ngân hàng…
Quan trọng nhất, hợp lý như thế nào thì là do cách “kế toán tài ba bất đắc dĩ” của gia đình cân đối về giá thành, tần suất sử dụng, có cần thiết ngay không hay để tháng sau có thể mua, có thể thay thế bằng cách khác hữu dụng hơn không?... Kế toán gia đình cũng đau đầu lắm chứ, nhưng hãy nghĩ đến quả ngọt ở tương lai nhé, xứng đáng để kế toán dành ra mỗi ngày chục phút nghĩ về việc cân đối chi tiêu đấy nhé!
Nguyên bản thiết kế phòng khách nhà tôi (hiện tại tôi kê gọn bàn ghế để bạn bé có không gian chơi trong thời gian nghỉ dịch ở nhà)
Và cuộc sống luôn có những cánh cửa rộng mở
Một cánh cửa mở đóng lại, luôn có những cánh cửa khác mở ra. Đã có những lúc tôi quay cuồng giữa những món nợ nần, mệt mỏi vì không biết phải tính toán ra sau để cho “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, đã có lúc muốn bỏ cuộc sống thành thị để về quê ở… nhưng không, chỉ cần chúng ta cho mình một lý do để phấn đấu, chúng ta sẽ vượt qua được tất cả.
Nhiều khi nhìn lại, tôi vẫn không tin những gì mình trải qua và đạt được. Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng các bạn hãy tin tôi rằng: Cuộc sống luôn có những cánh cửa rộng mở đối với các bạn. Hãy nghiêm túc ngồi nhìn lại quản lý chi tiêu của gia đình mình, đặt ra các đích đến và hãy cũng nỗ lực vì nó nhé!
Người dự thi: Nguyễn Hà (30 tuổi, Hà Nội
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY
)