Làm đồng nào, xào đồng nấy
Vì công việc khá đặc thù, nên tôi cũng không biết diễn tả nghề nghiệp chính hiện tại của mình được gọi như thế nào. Vậy nên, tôi cứ gọi theo cách dân giã mà người ở “chợ thuốc” chúng tôi hay gọi, đó là nghề “nhặt thuốc”.
Nói nôm na, một ngày, tôi sẽ đảm nhiệm vai trò nhập thuốc từ các quầy buôn tại chợ thuốc Hapulico, sau đó, phân phối số thuốc đã nhập trong ngày về các quầy thuốc lẻ trong hệ thống của gia đình.
Nói về cơ duyên làm nghề này, phải chia sẻ thêm, do gia đình tôi mở được chuỗi hệ thống quầy thuốc nên tôi được tiếp cận với nghề từ rất sớm. Ngay ở năm 2 đại học, tôi đã làm part - time với đồng lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Ngày đó, cứ sáng đi học, chiều được nghỉ thì tôi chạy ra “chợ” lấy thuốc, gọi xe chở thuốc về các quầy, tối kiểm kê sổ sách để chốt số lượng hàng và tiền giao dịch trong ngày.
Sau này, khi ra trường, dù học ngành Báo chí, nhưng thấy bản thân hợp với nghề sẵn có, tôi quyết định học thêm một chứng chỉ liên quan đến Dược và quyết định theo nghề của gia đình.
Sau khi làm việc full-time, nhờ đảm nhận thêm nhiều công việc khác nên mức lương được đẩy lên cao dần. Như hiện tại, thu nhập một tháng từ nghề “tay phải” này của tôi là gần 20 triệu đồng.
Dù làm ra tiền từ rất sớm, so với bạn bè cùng lứa, tôi là đứa kiếm được kha khá tiền. Nhưng tôi từng sai lầm khi theo đuổi cách sống chuẩn “một hot girl mạng xã hội” khi đổ hết tiền vào quần áo, túi xách, giày dép và những đồ tiêu sản khác.
Tôi có thể mua 3 – 4 triệu đồng tiền quần áo một lượt, và mỗi tháng, tôi có thể sắm sửa 3 – 4 lần nhưng đồ mua xong cũng chỉ mặc một lần rồi để đó. Chưa kể, để hợp với quần áo, tôi lại chọn giày dép, túi xách đi kèm. Rồi chuyện ăn uống nhà hàng, đến chuyện mua sắm mỹ phẩm cao cấp.
Sau này, vì nghĩ rằng bản thân nghiện mua sắm, cớ sao mình không thử bán quần áo, giày dép để lấy lãi bù cho khoản tiêu xài. Nghĩ là làm, tôi ra chợ đầu mối quần áo lớn nhất miền Bắc “nhặt” các món đồ hợp thời và bén duyên với nghề tay trái.
Dù tay ngang buôn bán nhưng nhờ có gu thẩm mỹ, cùng với kinh nghiệm bao năm đóng tiền đều đặn cho các cửa hàng quần áo, tôi rất thành công với nghề kinh doanh online.
Tới mức, có thời điểm, nghề này cho tôi thu nhập cao hơn cả nghề chính. Tôi còn mở rộng việc kinh doanh bằng thuê địa điểm, nhân viên để vừa kết hợp bán online vừa bán offline. Thi thoảng, tôi nhập thêm hải sản từ Quảng Ninh để bán phụ kèm trước của hàng quần áo.
Những tưởng, nhiều nghề nhiều thu nhập sẽ giúp tôi có được mức tài chính ổn định, tuy nhiên, do vẫn vướng tính cách “bóc ngắn cắn dài”, nên dù làm đến hơn 3 năm, tôi vẫn chẳng để ra được đồng nào. Ngay cả sau này, khi vợ chồng tôi quyết định mua nhà, mua xe nhưng kỳ thực, chồng tôi vẫn là người gồng gánh phần tài chính liên quan.
Đầu năm 2019, cửa hàng quần áo của tôi bị chững lại, giá thuê cửa hàng bị đẩy lên cao, có tháng, riêng tiền thuê mặt bằng lên tới 23 triệu đồng/tháng, tôi buộc đóng cửa hàng.
Đồng thời, công việc chính quá bận khiến tôi cũng phải tạm dừng dần việc kinh doanh online. Cùng thời điểm đó, tôi gặp một biến cố trong hạnh phúc gia đình, và chính biến cố này khiến tôi hiểu sự trưởng thành và tiền bạc quan trọng như thế nào!
Thu nhập hạn chế, gặp cú sốc lớn khi tài chính dự trữ chẳng có gì khiến tôi thức tỉnh!
Trưởng thành trong chi tiêu là cách khiến mình hạnh phúc
Sau khi nhận ra sai lầm của bản thân, nghiêm túc nhìn nhận về tương lai, tôi quyết tâm trưởng thành trong quản lý tiền bạc và bắt đầu bằng việc thu – chi khoa học.
Trước kia, nếu trong ví có 2 triệu đồng, tôi sẵn sàng bỏ 1,8 triệu đồng để mua chiếc túi mình thích, thì bây giờ, tôi sẽ kiềm chế, có kế hoạch rõ ràng cho việc mua sắm.
Đầu tiên, tôi thực hiện ghi chép chi tiêu theo tháng để theo dõi. Đến cuối tháng, sau khi tổng hợp, tôi liệt kê những khoản có thể tiết kiệm được. Theo đó, những khoản biến động có thể cắt giảm bao gồm ăn uống nhà hàng, mua sắm, du lịch…
Dựa trên nhu cầu của bản thân, tôi tiết kiệm bằng việc lựa chọn chất lượng thay bằng số lượng. Giờ đây, thay bằng việc mua quần áo bình dân vài trăm nghìn theo lố để mặc vài lần như trước đây, tôi chọn quần áo có chất lượng tốt hơn để mặc được nhiều lần hơn. Tính ra, một bộ quần áo khoảng 2 triệu đồng nhưng mặc cả năm vẫn còn rất đứng dáng, trong khi đó, đồ rẻ tiền, chỉ cần giặt vài lần nước đã bị mất màu.
Đồng thời, tôi học cách “cai nghiện” mua hàng online bằng việc có “điểm chững” để quyết định mua hàng. Trước đây, nếu thích một món đồ gì, tôi sẽ “chốt” ngay lập tức, tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi chợt nhận ra bản thân không hợp hoặc không còn thích món đồ đó nữa.
Bây giờ, tôi hạn chế lướt sắm đồ online lúc đêm muộn, khi ngắm một món đồ gì ưng ý, tôi sẽ lưu ảnh hoặc để sẵn trong giỏ hàng, đến hôm sau hoặc vài hôm sau, tôi ngắm lại rồi quyết định mua hay không. Thật kỳ lạ là với việc làm đó, tôi hạn chế mua về những món mình không thích và đôi lúc, ngắm nhìn lại giỏ hàng, tính toán một lúc, tôi nhận ra, chi tiết ở chiếc áo này có thể nhanh lỗi mốt hay như việc chiếc túi đang hot này dù đẹp nhưng có thể không hợp với tủ quần áo của tôi.
Còn với mỹ phẩm, tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn về các phương pháp làm đẹp, ý nghĩa của từng loại thành phần dưỡng chất. Như vậy, tôi sẽ lựa chọn được những đồ thực sự thiết yếu, khi hiểu biết hơn thì việc lựa chọn cũng đúng đắn hơn. Đồng thời, tôi chọn mua những thương hiệu đã dùng quen, thay bằng việc thử nghiệm liên tục các mặt hàng “hot” do người bán quảng cáo.
Triền miên như thế, tôi dần hạn chế được nguồn chi, trong khi nguồn thu ổn định từ công việc chính nên tôi đã bắt đầu tiết kiệm được tiền.
Đến khoảng giữa năm 2021, tôi tiết kiệm riêng khoảng 200 triệu đồng và dành khoản tiền đó cùng một người thân trong gia đình đầu tư chung một quầy thuốc. Cùng thời điểm ổn định được tài chính, nhận thức về nhân sinh quan của tôi cũng có nhiều thay đổi, nên biến cố gia đình mà tôi gặp phải cũng được giải quyết khéo léo hơn.
Đến bây giờ, dù chưa đạt được thành tựu quá xuất sắc, nhưng tôi nhận ra, việc thay đổi tư duy tiêu dùng không chỉ thay đổi số dư tích lũy của bản thân mà còn góp phần thay đổi chất lượng sống của tôi.
Tôi đã không còn hối hả chạy theo cuộc sống của một “hot girl mạng xã hội” mà đã có những tư duy độc lập của riêng mình. Tôi tin, đó là bước khởi đầu thuận lợi để trong tương lai gần, tôi có thể hoàn toàn tự do về tài chính.
Người dự thi: Phạm Thanh Hảo (Hà Nội)
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY
Bạn đang xem bài viết 'Đốt tiền' vào hàng hiệu, thời trang vô tội vạ, tôi đã thay đổi sau khi trắng tay tại chuyên mục Chi tiêu Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].