Báo Điện tử Gia đình Mới

Cách tiêu tiền 'rủng rỉnh', tháng tiết kiệm 4- 5 triệu của cô nàng độc thân ở Hà Nội

Việc tiết kiệm tiền với tôi không hề khó, bởi tôi luôn có kế hoạch chi tiêu, nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch đó nên hàng tháng tôi luôn có tiền để dành và làm được những việc có ích.

Lương không cao vẫn sống thoải mái ở Hà Thành

Tốt nghiệp Đại học, ra trường đi làm được 3 năm, thu nhập hiện tại của tôi ở mức trung bình so với mọi người, trên 10 triệu/tháng. 

Nhưng thời gian đầu mới nhận việc, lương của tôi chỉ ở mức 4-5 triệu đồng/tháng. Nhiều người cho rằng, sống giữa Hà Nội đắt đỏ, lương 4-5 triệu/tháng sẽ không thể đủ để trang trải cho việc sinh sống và làm việc tại Thủ đô vì ở đây “đến cốc nước đánh răng cũng mất tiền”. Nhưng tôi không thấy thế. Tôi không những vẫn sống tốt, mà hàng tháng tôi vẫn để dành được 1 -1,5 triệu.

  Tôi có thói quen xây dựng kế hoạch chi tiêu hàng tháng để tránh lãng phí, tránh... nợ.

Tôi có thói quen xây dựng kế hoạch chi tiêu hàng tháng để tránh lãng phí, tránh... nợ.

Từ khi còn là học sinh, ở trên quê, tôi đã tập thói quen tiết kiệm bởi tôi thấy việc tiết kiệm tiền thật sự rất cần thiết, tránh hoang phí, lãng phí. Có tiền tiết kiệm sẽ khiến chúng ta không bị động mỗi khi có những việc cần thiết.

Để tiết kiệm được tiền, tôi luôn lên sẵn cho mình kế hoạch chi tiêu từng tháng, từng sự kiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch đó. Kế hoạch chi tiêu của tôi được xây dựng trên thực tế thu nhập và nhu cầu cũng như quan điểm sống của mình.

Ví dụ đơn giản nhất là việc mua quần áo. Thu nhập ở mức trung bình nên tôi lựa chọn cho mình những tiệm quần áo đẹp nhưng giá cả phải chăng, 300.000-400.000/chiếc, không lựa chọn những thương hiệu thời trang hàng hiệu, đắt đỏ. Tôi tự tìm xem mình hợp với phong cách quần áo nào, lựa chọn những cửa hàng quần áo phù hợp với mình.

Trong việc thuê nhà trọ, tôi xác định chọn những phòng trọ nhỏ, ở khu sinh viên để có giá phải chăng. Điều quan trọng là gọn gàng, sạch sẽ. Vậy nên phòng trọ tôi thuê chỉ có giá 1 triệu/phòng. Phòng của tôi 20 m2 nhưng lúc nào trông cũng rộng rãi, thoáng mát.

Thời điểm mới ra trường, lương 5 triệu, kế hoạch chi tiêu hàng tháng của tôi gồm:

Tiền nhà, tiền điện, tiền nước: 1,3 triệu đồng.

Tiền ăn: 1,5 triệu/tháng. Vì chưa lập gia đình nên hàng tháng tôi đều về quê từ 1-2 lần. Mỗi lần về quê tôi chịu khó mua vài cân thịt, trứng, rau, cá xuống để đỡ phải đi chợ nhiều. Nếu ngày nào cũng đi chợ mua thức ăn ở Hà Nội thì rất tốn kém vì thực phẩm ở đây rất đắt. Thêm nữa công việc của tôi cũng khá bận nên việc mua đồ từ quê xuống giúp tôi có thêm thời gian.

Tiền xăng xe điện thoại: 300.000 tháng.

Mỹ phẩm, quần áo: 400.000/tháng.

Các khoản phát sinh: 500.000 đồng/tháng. Với mức chi tiêu này, mỗi tháng tôi đã tự tiết kiệm trung bình được 1 triệu.

Bên cạnh đó tôi cũng có thêm một số khoản từ cơ quan vào các ngày lễ, Tết như sinh nhật, 8/3, 20/10, Tết dương lịch, Tết âm lịch…

Nhiều người cũng hỏi tôi, là thanh niên mà cứ tằn tiện, không bỏ tiền đi du lịch mà tiết kiệm làm gì? Những năm đầu mới vào làm, lương còn thấp nên tôi tự nhủ mỗi năm đi du lịch cùng cơ quan 1-2 chuyến là đủ rồi, sau lương cao hơn, có tiền rồi sẽ đi sau cũng chưa muộn.

  Nhờ có khoản tiền tiết kiệm của bản thân mà tôi tự đi khám phá được nhiều vùng đất mới.

Nhờ có khoản tiền tiết kiệm của bản thân mà tôi tự đi khám phá được nhiều vùng đất mới.

Khi lương tăng 8-10 triệu, tôi tự mua xe, sửa sang nhà cửa và đi du lịch

Một trong những cách để tăng thêm thu nhập chính đáng là tôi luôn tập trung làm việc chăm chỉ hơn, cố gắng hơn, hiệu quả công việc cao hơn và được lãnh đạo ghi nhận, đánh giá.

  Tôi trong chuyến du lịch Hàn Quốc khi 23 tuổi.

Tôi trong chuyến du lịch Hàn Quốc khi 23 tuổi.

Mức lương qua từng năm đã tăng thêm, đến hiện nay trung bình lương của tôi giao động từ 8-10 triệu/tháng. Có những tháng kết quả làm việc tốt, lương tôi lên tới 12-13 triệu. 

Lương tăng, nhưng tôi vẫn xác định chi tiêu phù hợp với nhu cầu của bản thân và hoàn cảnh gia đình. Tôi vẫn thực hiện quy tắc 6 chiếc lọ, áp dụng vào điều kiện của bản thân. Nhờ đó số tiền tiết kiệm đã tăng lên 4- 5 triệu/tháng.

Năm 2019, sau vài năm tiết kiệm, tôi đã có trong quỹ tiết kiệm một số tiền khá khá. Tôi đã mang về cùng mẹ sửa nhà, làm lại sân sạch sẽ, rộng rãi. Chi phí tất cả hết 70 triệu. Nhìn trong mắt bà và mẹ, tôi cảm nhận được niềm vui của 2 người mình yêu thương nhất khi thấy cháu gái, con gái đã trưởng thành.

  Tôi vui vì giúp được mẹ làm chiếc sân rộng rãi, sửa sang lại ngôi nhà đã cũ khi xưa.

Tôi vui vì giúp được mẹ làm chiếc sân rộng rãi, sửa sang lại ngôi nhà đã cũ khi xưa.

Cũng vẫn với thành quả của việc tiết kiệm, năm 2020, tôi tiếp tục tự thưởng cho mình chiếc xe ga hiệu Honda Lead thay thế chiếc xe số đi đã nhiều năm. Ngày mua xe, cả nhà bất ngờ khi tôi không cần phải vay mượn hoặc lấy tiền "tài trợ" của mẹ để mua chiếc xe mình yêu thích.

Ngoài ra, khi lương đã cao hơn, tiết kiệm dư dả hơn, những năm gần đây tôi đã thực hiện được những chuyến đi du lịch đáng nhớ cùng bạn bè như đi Đà Lạt, đi Hàn Quốc...

Tôi cũng tự mua cho mình những phương tiện làm việc hiện đại như Macbook, iPhone… trong sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè cùng trang lứa. 

Vay nợ chính là đánh mất sự tự do của bản thân

Tôi luôn nghĩ rằng, mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về việc tiêu tiền, việc quản lý số tiền mà mình làm ra. Nhưng mỗi người nên có một nguyên tắc nhất định để tránh gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát thu chi của bản thân. Nguyên tắc đó được tạo ra dựa trên cơ sở thực tế của mình, từ hoàn cảnh gia đình, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống.

Việc tạo ra những nguyên tắc, đề ra những kế hoạch cụ thể không phải chúng ta ki bo, tính toán mà là thể hiện việc sử dụng có ích những đồng tiền do chúng ta tạo ra bằng công sức, trí tuệ.

Nếu không có kế hoạch, không nhìn nhận đúng thì đôi khi chúng ta vẫn không biết tiền của mình đã được sử dụng cho mục đích gì, mang lại hiệu quả gì.

  Cuộc sống của tôi luôn thú vị, đầy màu sắc và có nghĩa khi tôi biết cách tiêu hợp lý những khoản tiền mình làm ra.

Cuộc sống của tôi luôn thú vị, đầy màu sắc và có nghĩa khi tôi biết cách tiêu hợp lý những khoản tiền mình làm ra.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, đến lúc có gia đình thì mới nghĩ tới việc quản lý chi tiêu, còn khi còn trẻ thì hãy hưởng thụ, làm đến đâu tiêu đến đấy, thậm chí nhiều người còn đi vay tiền để mua sắm, dùng đồ hiệu, du lịch khắp nơi.

Cá nhân tôi luôn cố gắng để hạn chế tối đa việc đi vay mượn người thân, bạn bè nếu như không có những việc vô cùng cấp thiết xảy ra. Bởi mỗi khi vay mượn, tôi luôn thấy mình “mất sự tự do”, luôn có cảm giác sốt ruột để trả nợ.

Tôi không nói sẽ không vay mượn hoặc vay mượn là xấu, nhưng tôi luôn cố gắng để chủ động được về tài chính, có kế hoạch cho những việc lớn từ sớm để hạn chế việc vay mượn.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, tất cả mọi thứ đều phải được trải nghiệm và xây dựng thành thói quen khi còn trẻ. Từ đó, khi chúng ta bước vào cuộc sống mới, chúng ta sẽ vững vàng hơn với bài toán tài chính trong gia đình.

Người dự thi: Thu Trang 

Cách tiêu tiền 'rủng rỉnh', tháng tiết kiệm 4- 5 triệu của cô nàng độc thân ở Hà Nội 5

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn. 

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức. 

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Thùy Trang/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO