Bằng hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ thông qua âm nhạc, sẽ cuốn hút trẻ tham gia và thực hiện các yêu cầu và tương tác với những người xung quanh dễ hơn.
Trong một căn phòng riêng biệt tại Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị tự kỉ và bại não Vinmec (Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City), M. được tham gia bài kiểm tra với các vật dụng và đồ chơi.
Cuộc đánh giá được dẫn dắt bởi TS. James Macini – chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, điều phối viên về giáo dục và hỗ trợ phụ huynh tại Trung tâm tự kỷ trẻ em Seattle, Đại học Washington, Mỹ, nhằm quan sát và kiểm tra các biểu hiện của M. khi tiếp xúc với đồ chơi trong các tình huống cụ thể.
Sự thay đổi đột ngột về không gian và môi trường khiến M. oà khóc và có những biểu hiện chống đối. Mẹ M. đã giỗ cậu bé bằng cách đưa cho em một hộp xúc xích – món ăn mà em yêu thích.
Bài kiểm tra tiếp tục với việc các chuyên gia cho em lựa chọn giữa xúc xích và bóng bay. Kết quả cho thấy, M. thích xúc xích hơn và đòi bằng được món ăn đó.
Chuyên gia sử dụng một chiếc bánh sinh nhật đồ chơi, đồng thời hát bài hát chúc mừng sinh nhật. Lúc này, M. bị thu hút và hát theo câu hát Happy birthday. “Minh ơi!”, tiếng gọi liên tục được phát ra từ mẹ của cậu và chuyên gia nhưng cậu bé lờ đi, chỉ say mê với món đồ chơi ở góc phòng.
Mẹ M. chia sẻ, cậu bé không bao giờ nhìn vào mắt của mẹ trong khi giao tiếp, thay vào đó là các hành động tay chân, cầm tay mẹ chỉ vào các đồ vật mà em muốn. M. cũng không bao giờ có xu hướng thể hiện tình cảm đối với mẹ của mình và những người xung quanh giống như anh trai cậu.
Các chuyên gia đều cho rằng, việc M. phản ứng với những thứ mà em yêu thích như âm nhạc giúp chúng ta nhận thấy tầm quan trọng trong việc trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, mà ở đây cả ngôn ngữ bình thường và phi ngôn ngữ. Việc M. nín khóc và chú ý vào hoạt động mà chuyên gia tạo ra đã chứng minh sức mạnh của giao tiếp phi ngôn ngữ do âm nhạc mang lại.
Theo GS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec, thiếu đi ngôn ngữ, trẻ sẽ bị thiếu hụt sự tương tác trong cuộc sống thường ngày. Ngôn ngữ được các bậc phụ huynh xếp hàng đầu trong các mối quan tâm có liên quan tới trẻ tự kỷ.
Tại Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị tự kỉ và bại não Vinmec (Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City), chúng tôi không chủ trương dạy các cháu âm nhạc, mà mục đích chính là khắc phục các thiếu hụt và dạy cho trẻ các kĩ năng sống thông qua âm nhạc.
Âm nhạc sẽ giúp trẻ dễ dàng hiểu và tiếp thu hơn. Âm nhạc giúp trẻ cuốn hút trẻ tham gia và thực hiện các yêu cầu và tương tác với giáo viên dễ hơn nên trẻ tập trung và ít tăng động hơn.
Nói về tầm quan trọng của quá trình trị liệu bằng ngôn ngữ, ông James Macini cho rằng: “Cha mẹ chính là những người thầy, cô giáo đầu tiên và có vai trò quan trọng trong vấn đề trị liệu bằng ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ.
Bởi vì đối với trẻ tự kỷ, việc học tập không theo cách thông thường, tuỳ vào thuộc vào những trường hợp mà cha mẹ và các nhà trị liệu ngôn ngữ sẽ kết hợp với nhau để đưa ra được cách thức phù hợp nhất đối với con của mình".
Ông cũng cho biết thêm, nếu cha mẹ có thể theo được những lớp học hướng dẫn chuyên môn thì sẽ đạt được kết quả tốt hơn.