Johnson & Johnson và thông tin chấn động về phấn rôm chứa chất gây ung thư nhiều năm qua

Tài liệu nội bộ của Johnson & Johnson cho biết từ lâu hãng này đã biết trong sản phẩm phấn rôm trẻ em của họ có chứa chất amiăng nhưng lại giấu kín cơ quan quản lý và công chúng, theo Reuters.

Hàng ngàn vụ kiện cáo buộc phấn rôm chứa chất gây ung thư nhằm vào Johnson & Johnson (J&J) trong những năm qua, dù công ty này vẫn khăng khăng về độ an toàn của sản phẩm của mình.

Tuy nhiên tài liệu nội bộ của J&J do Reuters công bố cho thấy từ lâu hãng này đã biết trong sản phẩm phấn rôm trẻ em của họ có chứa chất amiăng (asbestos) nhưng lại giấu kín thông tin này.

Vụ kiện từ 20 năm trước

Hãng tin Reuters dẫn trường hợp bà Darlene Coker (52 tuổi) biết mình sắp chết do bị u trung biểu mô (Mesothelioma), căn bệnh ung thư lớp mô phủ bên trong lồng ngực hoặc ổ bụng. Đây là ung thư hiếm gặp và rất nguy hiểm có nguyên nhân chủ yếu do tiếp xúc với amiăng.

Phần lớn nam giới hít bụi amiăng trong ngành mỏ hay các ngành công nghiệp như đóng tàu mắc loại ung thư này do đã sử dụng loại chất gây ung thư này trước khi biết sự nguy hại của nó.

Sau thời gian chiến đấu với mọi đau đớn, bà Coker đã thuê luật sư Herschel Hobson tìm hiểu và họ phát hiện nguyên nhân có thể là loại phấn rôm trẻ em của hãng Johnson & Johnson mà bà Coker sử dụng cho các con và chính mình nhiều năm qua. Luật sư Hobson biết bột phấn cho trẻ em làm từ đá talc, loại khoáng sản tự nhiên đôi khi có chứa chất gây ung thư amiăng. 

Từ đây, bà Coker đã kiện công ty J&J vì sản phẩm phấn rôm "chết người" của công ty đã gây ung thư cho bà.

Cady Evans (trái) và chị gái, Crystal Deckard, cùng những bức ảnh của mẹ mình, bà Darlene Coker, người đã kiện Johnson & Johnson từ 20 trước vì loại phấn rôm trẻ em gây ung thư

Theo Reuters, hãng J&J đã không báo cáo với Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) của Mỹ rằng ít nhất 3 thí nghiệm của 3 đơn vị thực hiện khác nhau trong giai đoạn 1972-1975 đã tìm thấy chất amiăng trong phấn rôm trẻ em của hãng - trong đó có một trường hợp mức amiăng được báo cáo là "khá cao".

Đáp lại, J&J đã phủ nhận cáo buộc này. Họ khẳng định sản phẩm Baby Powder không có amiăng. Khi vụ án được tiến hành vào năm 1999, J&J đã tránh được việc bàn giao kết quả kiểm tra bột talc, do tòa án bác bỏ yêu cầu mà phía luật sư của bà Coker đưa ra.

20 năm sau, câu chuyện vẫn chưa bị quên lãng

20 năm sau, tài liệu mà bà Coker và luật sư của bà tìm kiếm được công bố. J&J buộc phải cung cấp hàng nghìn tài liệu, báo cáo nội bộ và các tài liệu bí mật khác với luật sư của một số trong 11.700 nguyên đơn cáo buộc sản phẩm phấn rôm của J&J gây bệnh ung thư cho họ - trong đó có hàng ngàn phụ nữ bị ung thư buồng trứng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng khác thừa nhận không có mức độ phơi nhiễm an toàn với amiăng.

Theo đài Aljazeera, cho tới nay J&J đã và đang đối mặt với hơn 10.000 vụ kiện cáo buộc sản phẩm phấn rôm trẻ em (Baby Powder) và sữa tắm (Shower to Shower) của họ gây ung thư buồng trứng.

Hồi tháng 7 qua, một bồi thẩm đoàn ở bang Missouri - Mỹ buộc J&J bồi thường gần 4,7 tỉ USD cho một nhóm 22 phụ nữ khẳng định họ bị ung thư buồng trứng do amiăng trong phấn rôm của J&J.

Cuộc điều tra của Reuters với nhiều tài liệu cho thấy ít nhất từ năm 1971 đến đầu những năm 2000, bột talc thô và phấn rôm thành phẩm của công ty có cho thấy các phát hiện amiăng tương tự.

Đồng thời, các giám đốc điều hành, quản lý mỏ, các nhà khoa học, bác sĩ, luật sư của công ty đã lo lắng về vấn đề này và tìm cách giải quyết sao cho không để cơ quan quản lý hay công chúng biết.

Chưa hết, theo cuộc điều tra, J&J đã chi hoa hồng và trả tiền cho các nghiên cứu được thực hiện với dòng sản phẩm phấn rôm trẻ em của mình rồi thuê người viết bài đăng tải trên tạp chí nghiên cứu. Công ty cũng tìm cách ngăn chặn nhưng không thành công, các quy định giảm mức amiăng tối đa được phép trong các mỹ phẩm có chứa bột talc.

J&J phản ứng dữ dội về điều tra của Reuters

Trước thông tin của Reuters, hãng J&J phản đối dữ dội, nói thông tin của Reuters là một chiều, sai sự thật, khiêu khích và là "một thuyết âm mưu phi lý". Công ty cũng khẳng định phấn rôm của họ hoàn toàn không có chất amiăng và sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm sản phẩm của họ an toàn.

"Hàng ngàn thí nghiệm độc lập của các cơ quan quản lý và các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới đã chứng minh phấn rôm trẻ em của chúng tôi chưa bao giờ chứa amiăng" - J&J phát đi thông cáo ngày 14/12.

Tuy nhiên thị trường lập tức có phản ứng với thông tin bất lợi này của J&J. Cổ phiếu của hãng trong ngày 14/12 đã lao dốc 10%, mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2002, khiến 40 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường của J&J "bốc hơi".

Phấn rôm của J&J đã chiếm lĩnh thị trường phấn rôm hơn một thế kỷ qua, vượt xa các đối thủ cạnh tranh và doanh thu từ sản phẩm bột talc đã mang về 420 triệu USD trong tổng số 76,5 tỷ USD doanh thu năm 2017 của hãng này.

Dù phần trăm doanh thu từ sản phẩm phấn rôm trẻ em tương đối nhỏ so với tổng doanh thu của công ty, song Johnson's Baby Powder được xem là sản phẩm thiết yếu tạo nên hình ảnh của một nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe, được ví là "sacred cow" (loại tín ngưỡng, niềm tin mà mọi người đều ủng hộ và không hề nghi ngờ) - trích email nội bộ năm 2003 mà Reuters cho hay.

Về amiăng: Kẻ giết người giấu mặt

Amiăng là một chất gây hại cho sức khỏe, thậm chí là mầm mống của bệnh ung thư. Khi hít amiăng vào phổi, nó sẽ nằm lại trong đó rất lâu mà không bị phân hủy, tạo thành khối u rồi sau thời gian từ 10 đến 20 năm, khối u này sẽ chuyển thành ung thư.

Chính vì thế, hiện nay đã có 55 quốc gia cấm dùng amiăng trong mọi lĩnh vực. 

Một trong những chứng bệnh do amiăng gây ra là bệnh bụi phổi. Đây là hiện tượng tổn thương xơ hóa lan tỏa trong nhu mô phổi và thường xuất hiện sau 5 đến 20 năm tiếp xúc với amiăng.

Nhiễm amiăng còn gây ra những tổn thương ở phổi như tràn dịch màng phổi, dày dính màng phổi, vôi hóa màng phổi dẫn đến xẹp phổi nhưng nguy hiểm nhất vẫn là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô…

Ông Jeffery Kobza, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Mỗi năm trên thế giới có hơn 100.000 người chết và khoảng 1,5 triệu người phải sống chung với các bệnh có liên quan đến amiăng như ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng. Số liệu này mới chỉ là của các quốc gia có hệ thống thống kê hoàn chỉnh công bố, còn tại những quốc gia đang phát triển, sử dụng amiăng nhiều nhất hiện nay thì vẫn chưa có con số chính thức.

Reuters

Reuters là một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho những tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác. Reuters kiếm tiền do những lợi tức thu được từ việc truyền tải dữ liệu rộng khắp toàn cầu của thị trường tài chính điện tử – tỷ giá hối đoái tiền tệ, giá cổ phiếu, giá hàng hoá – tới những ngân hàng, thương gia, môi giới, nhà đầu tư và những công ty khắp nơi trên thế giới. Dữ liệu liên tục được cập nhật khi các thị trường tài chính thay đổi. Reuters cũng bán phần mềm cho phép những nhà phân tích dữ liệu tài chính và cho những giao dịch trực tiếp từ một máy tính đầu cuối. Trụ sở chính của Reuters nằm tại London, (Anh).

(Theo Reuters, CBSnews, ANTG)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan