Để xác định chất gây ung thư, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên động vật để xem có gây bệnh ung thư hay không. Đồng thời, họ cũng so sánh kết quả của nhiều nghiên cứu khác để đưa ra kết quả cuối cùng.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC đã phân loại 10 chất gây ung thư phổ biến nhất. Hầu hết những tác nhân gây ung thư dưới đây thuộc nhóm 1 – chất gây ung thư cho con người. Và điều nguy hiểm là, hầu hết những chất gây ung thư này, chúng ta đều đã từng tiếp xúc, thậm chí thường xuyên.
Thuốc lá
Cho dù bạn là người hút thuốc hay hít phải khói thuốc cũng không quan trọng, bởi dù theo cách nào, bạn cũng đã hít phải ít nhất 70 hóa chất gây ung thư.
Các chất này làm hư hại DNA của tế bào trong cơ thể chúng ta, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư, và tiêu biểu nhất là ung thư phổi.
Tia cực tím
Hầu hết các trường hợp ung thư da là do tia cực tím (UV). Các nghiên cứu cho thấy tia cực tím từ mặt trời làm tổn thương các tế bào da, dẫn đến ung thư da. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu làm cho các tia này mạnh hơn.
Để giữ an toàn, hãy bảo vệ làn da của bạn bằng kem chống nắng, đội mũ, đeo kính râm, và tránh nhuộm da bằng tia cực tím.
Rượu, bia
3.6% trong tổng số ca tử vong do ung thư là do uống quá nhiều đồ uống có cồn. Đó là lý do vì sao rượu, bia, và đồ uống có cồn nói chung được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là nhóm chất gây ung thư số 1.
Càng uống nhiều bia rượu, tỷ lệ mắc bệnh ung thư càng cao, đặc biệt tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đầu cổ, thực quản, vú, gan, trực tràng.
Thịt chế biến sẵn
Thịt xông khói, xúc xích, dăm bông… hay bất kỳ loại thịt nào được bảo quản bằng hương liệu đều làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, các bà nội trợ nên chọn những thực phẩm tươi sống và tự chế biến tại nhà.
Khí thải động cơ diesel
Khí thải và bồ hóng trong ống xả động cơ diesel (có ở một số phương tiện như xe tải, xe buýt, tàu hỏa…) được cho là gây ung thư phổi và các loại ung thư khác.
Nếu làm những công việc liên quan, bạn nên thực hiện những hướng dẫn an toàn tại nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe của mình.
Ô nhiễm không khí
Ngoài khí thải, không khí ngoài trời bị ô nhiễm có chứa bụi, kim loại và dung môi có thể dẫn đến ung thư. Tránh xa những nơi có không khí ô nhiễm, hoặc thực hiện các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang… để hạn chế hít phải không khí ô nhiễm.
Radon
Khí này có trong tự nhiên, nếu như với số lượng nhỏ thì nó vô hại. Nhưng nếu radon tích tụ trong nhà với số lượng nhiều, và chúng ta hít phải thì nó sẽ phá vỡ lớp màng phổi, từ đó gây ung thư phổi.
Radon là nguyên nhân số 1 gây ung thư phổi ở người không hút thuốc. Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi radon, nhưng một số phương pháp thử nghiệm có thể kiểm tra mức độ chất này trong nhà.
Amiăng
Các sợi nhỏ, cứng trong amiăng giúp tăng cường độ vững chắc của các sản phẩm như tấm lợp mái nhà, gạch trần và các bộ phận xe hơi. Tuy nhiên, nếu chúng ta hít phải các sợi tự do này thì thực sự nguy hiểm bởi nó có thể gây ung thư phổi.
Do vậy, nếu như làm việc liên quan tới sợi amiăng, bạn cần có đồ bảo hộ để bảo vệ chính mình.
Thực phẩm cháy
Chiên nướng là những món ăn được nhiều người ưa thích, tuy nhiên ít người biết rằng nếu thường xuyên ăn những thực phẩm này, nó có khả năng gây ung thư.
Một số loại rau củ, như khoai tây, được làm nóng đến nhiệt độ cao, chúng tạo ra một hóa chất gọi là acrylamide. Acrylamide được phân loại thuộc nhóm 2A – nhóm có khả năng gây ung thư cho con người. Để phòng ung thư, chúng ta nên hạn chế các món nướng, rang, chiên, nướng khiến thực phẩm cháy, có màu nâu.
Formaldehyde
Hóa chất này được sử dụng trong nhiều sản phẩm gia dụng, từ gỗ dán đến một số loại vải. Các nghiên cứu trên chuột thí nghiệm và những người làm việc trong môi trường có formaldehyde cho thấy chất này có khả năng gây ung thư trên cả cơ thể chuột và người.
Trước khi mua bất kỳ sản phẩm gỗ hoặc đồ nội thất cho ngôi nhà mình, bạn hãy thử tìm hiểu xem chúng có chứa formaldehyde hay không nhé.
Mặc dù không phải cứ tiếp xúc với chất gây ung thư là bạn sẽ bị ung thư, nhưng nó gây ảnh hưởng tới sức khỏe, và dưới tác động của nhiều yếu tố khác chẳng hạn như: thời gian tiếp xúc với các chất ung thư, tần suất nhiều, lỗi gen, lối sống không lành mạnh… có thể dẫn tới kết quả cuối cùng là ung thư.
Các chất gây ung thư có mặt ở xung quanh chúng ta, do vậy rất khó để tránh được tuyệt đối.
Chính bởi vậy, bên cạnh việc giảm thiểu tiếp xúc hết mức có thể, bạn nên quan tâm tới việc thay đổi một lối sống lành mạnh, đồng thời tầm soát ung thư hàng năm.
Tầm soát ung thư rất cần thiết cho những người ở tuổi trên 40, để phát hiện sớm các bất thường, điều kiện tiền ung thư, thậm chí ung thư giai đoạn sớm, từ đó có thể xử trí kịp thời. Xem Tại đây
Để tìm hiểu thêm về các gói tầm soát ung thư sớm tại Bệnh viện Thu Cúc, xin vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 55 88 96.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết 10 chất gây ung thư phổ biến nhất chúng ta tiếp xúc hàng ngày mà có thể không biết tại chuyên mục Nghiên cứu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].