Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp sau một thời gian điều trị, huyết áp đã ổn định và có ý định bỏ thuốc, không đi thăm khám bác sĩ, điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng.
Năm nay tôi 58 tuổi, phát hiện bị tăng huyết áp đã 2 năm nay và uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ đã được gần 2 năm.
Hiện tại huyết áp của tôi đã ổn định, sức khỏe không có bất thường gì, tôi có nên dùng thuốc huyết áp nữa không? (Nguyễn Thị Mai, Duy Tiên, Hà Nam).
TS.BS Vũ Quỳnh Nga, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: Tăng huyết áp là bệnh lý có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hóa.
Do bệnh tăng huyết áp diễn biến thầm lặng, ít có các biểu hiện lâm sàng nên bệnh nhân đều chủ quan.
Bệnh tăng huyết áp là bệnh mạn tính, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, biến chứng cho tim, mắt, thận và mạch máu lớn... nên người bệnh cần tuân thủ điều trị chặt chẽ.
Chính thói quen “lên thì... uống, xuống lại... thôi” ở người bệnh tăng huyết áp mà không ít người đã phải nhập viện cấp cứu vì tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người... do huyết áp gây ra.
Việc huyết áp của bệnh nhân đã trở về mức bình thường và ổn định sau một thời gian điều trị cho thấy hiệu quả tốt của phương pháp và thuốc điều trị.
Điều trị tăng huyết áp nhằm hai mục đích: phòng ngừa lâu dài các biến chứng của bệnh. Nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.
Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ một nguyên tắc điều trị quan trọng nhất, nhằm giảm các tai biến do tăng huyết áp, đó là điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời.
Người bệnh tăng huyết áp tuyệt đối không được dừng thuốc và không nên tự ý đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Đối với người bệnh khi được kê đơn dùng thuốc trị tăng huyết áp, cần nhớ uống thuốc đều đặn hàng ngày như cơm ăn, nước uống. Không được quên uống thuốc và phải uống thuốc đúng giờ. Bởi khi quên uống thuốc, uống thuốc thất thường sẽ làm cho huyết áp không được kiểm soát dễ gây tai biến.