Hướng dẫn mới về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc sẽ có hiệu lực từ 15/3.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức của tháng 12/2021, đối với các trường hợp:
- Trường hợp 1 là: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;
- Trường hợp 2 là: Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu hằng tháng;
- Trường hợp 3: Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng trước 01/01/2022.
Công thức tính như sau:
+ Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 01/2022 = Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 12/2021 x 1,074
Từ ngày 01/01/2022, với các đối tượng thuộc trường hợp 1 và 3 hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước 01/01/1995:
- Người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng với người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tháng:
+ Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh + 200.000 đồng/tháng
- Người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng:
+ Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh = 2,5 triệu đồng/tháng
Ngoài ra, Thông tư 37 còn quy định thời gian hưởng lương hưu với trường hợp không còn hồ sơ gốc làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thông tư 37 có hiệu lực từ ngày 15/3/2022.