Làm gì đây để những tai nạn đau xót như thế này không lặp lại? Bơi lội dễ mà! Thế rồi, những bài viết đầu tiên về bơi lội được “ắp” lên mạng xã hội 360o Yahoo…
Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi, người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay viết.
Các bài đã đăng:
Cuối năm 2006, ý tưởng dùng Internet phổ biến kiến thức bơi lội và phòng chống đuối nước cho trẻ với Dự án E-Bơi (Electronic-Bơi hay Em Bơi) được khởi phát vào cái ngày xảy ra một vụ đuối nước thương tâm.
7 giờ sáng 7/10/2006, một chiếc đò chở hơn 30 học sinh từ bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, Con Cuông (Nghệ An) vượt sông Lam đưa các em học sinh tới trường đã bị chìm. Chỉ có hơn chục em thoát chết, 19 em khác (15 học sinh nữ, 4 nam) bị nước cuốn trôi...
Làm gì đây để những tai nạn đau xót như thế này không lặp lại? Bơi lội dễ mà! Thế rồi, những bài viết đầu tiên về bơi lội được “ắp” lên mạng xã hội 360o Yahoo…
Lúc đầu, E-Bơi cũng nghĩ phải dạy bơi (ếch, sải) để khỏi bị đuối nước, và tập trung tìm cách học sao cho ít phải xuống nước nhất với công thức “Học bơi = Học trên cạn + Bơi dưới nước”.
Tuy nhiên, tới 2009 E-Bơi thấy rằng học bơi là một thứ xa xỉ đối với nhiều vùng, miền còn khó khăn, hơn nữa chỉ biết bơi thôi cũng không đủ an toàn nên mối quan tâm được chuyển dần sang phổ biến kiến thức phòng chống đuối nước cùng với một kiểu bơi rất dễ học, sau được gọi là “Bơi tự cứu Dịch cân kinh”.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 12, 13 năm trôi qua và dù cố gắng nhiều thì con trẻ vẫn cứ bị đuối nước dài dài. Một bác bạn lâu năm thấy E-Bơi mãi quan tâm về chuyện con trẻ đuối nước thì nói vui, một con én không thể làm nên mùa xuân nhưng với ba con én thì... các bợm nhậu có thể chế thành một đĩa mồi.
Cũng buồn, nhưng không phải không có những tín hiệu vui. Ví dụ, gần đây nhất, hè 2018, chương trình phòng chống đuối nước và Bơi tự cứu của E-Bơi đã được Đoàn TNCSHCM Bắc Giang phổ biến trên diện rộng tại TP. Bắc Giang và 9 huyện trực thuộc.
Mấy năm trước đó, nhờ sự hỗ trợ của công ty Quảng Văn, của một số cá nhân, tổ chức khác, E-Bơi có dịp lan tỏa tới nhiều vùng miền của cả nước như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, Đắk Lắk…
Năm nay, hè chưa bắt đầu, nhưng đã có đông người hơn nhận thức được rằng chỉ biết bơi thôi là chưa đủ. Vụ 8 học sinh biết bơi bị chết đuối ở Hòa Bình là một bằng chứng đau xót về việc cần phải dạy trẻ phòng chống đuối nước.
Có sự thay đổi này cũng là nhờ Tạp chí điện tử Gia Đình Mới giúp E-Bơi viết một chuỗi bài giúp mọi người hiểu hơn về những gì cần làm trong tương lai.
Tuy vậy, trong tháng 3, tháng 4 vừa qua, vẫn có nhiều trẻ bị thiệt mạng vì đuối nước quá và sợ là nếu chúng ta không thay đổi nhanh thì những vụ việc thương tâm như thế sẽ còn xảy ra. Tai nạn rơi vào đầu ai thì sao mà biết được.
Trở lực ngăn cản sự thay đổi nằm ở đâu? Có vẻ như dân ta đã bị ám thị quá lâu về việc lấy bơi lội để phòng chống đuối nước theo một chuỗi suy luận như sau:
(1) Đuối nước là do không biết bơi. Có vẻ dù truyền thông bao lâu và bao nhiêu đi nữa rằng đuối nước là do đuối sức vì ngạt thở, vì nước hay một chất lỏng nào đó xâm nhập vào làm khí quản co thắt làm người ta không thở được.
Để không bị đuối nước, chỉ cần không cho nước lọt vào khí quản là xong. Học bơi, biết bơi chỉ là một trong nhiều cách (chưa chắc đủ an toàn và khó khả thi trên diện rộng) thì dân tình vẫn lại xôn xao, xôn xao học bơi thôi, học bơi thôi… khi nghe thấy một vụ đuối nước / chết đuối nào đó xảy ra, kể cả đó là vụ việc của những người đã biết bơi;
(2) Dù đuối nước xảy ra quanh năm nhưng số đông luôn nghĩ học bơi phải đợi đến hè;
(3) Bố mẹ nào cũng nghĩ không biết bơi, không biết dạy nên không dạy con được, cần tìm giáo viên;
(4) Học bơi tốn kém, mất thời gian đưa đón, học toán lý hóa, ngoại ngữ, nhạc, họa… cần hơn;
(5) Bể bơi cũng không nhiều mà nước bẩn lắm, hại tóc, hại da…
Hậu quả của chuỗi ám thị này thế nào thì mọi người đều biết cả.
Muốn thoát khỏi chuỗi ám thị này để con trẻ không còn bị đuối nước, bố mẹ cần thay đổi suy nghĩ từ gốc:
(1) Đuối nước là do đuối sức vì ngạt nước;
(2) Dạy con mọi lúc, mọi nơi, mọi cách để ngăn nước lọt vào khí quản của trẻ theo nội dung 10 Biết dưới đây:
Một Biết Đuối nước - Tại sao?
Hai Biết Đuối nước Nơi Nào xảy ra
Ba, Bốn Biết Nước, Biết Ta
Năm là Biết cách Thở ra, Thở vào
Sáu Biết Lặn / Nổi lên cao
Bẩy Biết Chuyển động thế nào cho xinh
Tám Bơi kiểu Dịch cân kinh
Chín Biết cứu bạn, cứu mình khi nguy
Mười, Nhấn tim, thổi ngạt học đi
Phòng chống đuối nước có gì khó đâu!
Bài viết này sẽ giúp bố mẹ giúp con mình "Biết nước" để sống an toàn với nước.
Thực ra, nước đối với đứa trẻ chẳng xa lại gì bởi ngay từ khi chưa sinh ra, bé nào chả nằm trong bọc nước ối rất lâu.
Chẳng có trẻ sơ sinh nào sợ nước. Nếu bé sợ nước thì đó là do tại bố mẹ, ông bà nội ngoại chăm sóc, kiêng cữ quá mà thành. Chuyện này sẽ được đề cập sau trong chuyên đề dạy trẻ sơ sinh học bơi.
Chuyển từ môi trường nước (ối) sang môi trường cạn là một bước chuyển lớn đối với bé. Thời gian trôi đi và bé lớn dần. Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Bé lớn nữa, mọi phản xạ bơi lội bẩm sinh mất dần. Hết mẫu giáo tới tiểu học… và con trẻ dần quen với cuộc sống trên mặt đất.
Cảm giác của bạn khi rơi vào nước mà chân không chạm tới đáy sẽ thế nào? Với đa số người không biết bơi là chông chênh, bồng bềnh, mất tự tin hơn so với ở trên cạn và dường như mất hết sức lực giống như vị thần Antaeus bị thần Hercules tóm chân nhấc khỏi Đất Mẹ (Gaia) trong thần thoại Hy Lạp. Hoảng hơn nữa là rất dễ bị sặc, càng vùng vẫy thì càng có vẻ bị nước tóm chặt, cứ há mồm định kêu, định thở thì nước ập vào…
Tình trạng của mọi nạn nhân đuối nước lúc đầu đều là như vậy.
Nhưng như đã nói, con người sinh ra không phải để bị đuối nước. Không phải vô lý mà Đức Phật nói, cái này có bởi cái kia có.
Nếu nước "đặc" hay "loãng" hơn so với hiện nay thì sẽ ra sao? Khi nước "đặc" hơn, người rơi vào nước sẽ nổi bềnh lên và có thể ung dung nằm đọc sách trên mặt nước mà không lo chìm (Biển Chết), nhưng máu trong huyết quản sẽ đặc hơn và sẽ dễ vón cục. Tim tha hồ bóp để bơm máu đi nuôi cơ thể. Vất vả hơn thì sẽ dễ đột quỵ hơn! Cây cối cũng sẽ khó hút được nước từ dưới sâu lên.
Khi nước "loãng" hơn, người rơi vào nước sẽ chìm nghỉm như cục sắt chứ chả có cơ hội nổi lên đâu. Nước cũng nhanh bốc hơi khỏi biển cả, sông ngòi, khỏi lá và cây cối trên đồng ruộng, trong rừng xanh chả mấy chốc sẽ héo rũ dưới ánh nắng Mặt Trời…
Trong thế giới này, mọi thứ tồn tại đều phụ thuộc vào nhau, kết nối với nhau, tác động qua lại với nhau vì thế người này có thể vì vô thức, vì thiếu hiểu biết mà gây ra tai nạn cho người khác.
Tạo hóa sinh ra con người không phải để chết đuối nên cơ thể con người có độ "đặc" tương đương với nước. Khi lâm nạn, do không biết chuyện này nên người ta cứ vùng vẫy hoảng loạn để nổi lên thở và rồi uống no nước chìm dần xuống.
Giá mà, người ta bình tĩnh nín thở để nước đẩy lên nhờ lực đẩy Archimedes cho tới khi đầu lập lờ sát mặt nước rồi quạt tay vươn lên thở (Bơi tự cứu Dịch cân kinh) là thoát nguy. Rơi xuống – Nổi lên thở - Rơi xuống – Nổi lên thở… Đơn giản thế thôi.
Trong phút giây hiểm nghèo, Tạo hóa đã phát tín hiệu rằng con người sinh ra không phải để bị đuối nước, tiếc là lúc đó nạn nhân quá hoảng loạn nên không nhận được tín hiệu mách bảo này.
Với con người, nước là người bạn hai mặt. Tốt đấy mà xấu đấy nhưng tốt hay xấu phụ thuộc vào việc con người có biết nước, có hiểu nước hay không.
Nước là môi trường vui chơi giải trí rất thu hút trẻ nhỏ. Nước có tính truyền nhiệt tốt nên mùa hè được bơi lội, tắm mát thì ai chả thích.
Nhưng đi bơi lúc ăn no, lúc người đầy mồ hôi thì lại nguy hiểm. Nước lạnh dễ gây cảm, chuột rút. Mặt nước bằng phẳng che giấu bao hiểm họa bên dưới.
Mặt nước bằng phẳng lặng thinh
Nhưng bao nguy hiểm đang rình đợi ta
Hố sâu đất sụp bùn sa
Gặp nơi như thế ắt là nguy thôi
Ăn no đừng tắm bạn ơi
Dạ dày nó kiện, “chuột” thời rút gân
Tập bơi nên chọn chỗ gần
Nước nông, quen thuộc, khi cần kêu to
Qua sông thì phải lụy đó
Áo phao nên mặc để cho an toàn
Thi bơi nhảy cắm đùa càn
Nơi nước sâu xiết xin ngàn lần không…
Cậy biết bơi, nhảy từ trên cầu cao xuống nước, hay bơi ra những chỗ sâu, xoáy thì có ngày gặp họa. Cậy biết bơi mà cứ bơi ở những chỗ có biển cấm tắm, cấm bơi; ở những chỗ đã có cảnh báo về dòng cuốn xa bờ thì hậu quả thế nào, có ai không biết?
Trong nước cũng có nhiều mối nguy hiểm đến từ cá dữ, sứa, rắn độc, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh cho mắt, tai mũi họng, cho hệ tiêu hóa, bài tiết, da... Ở những vùng nước tù đọng ở Mỹ, có cả vi khuẩn ăn não người, thật đáng sợ.
Bố mẹ nên nhớ, biết bơi là tốt nhưng chưa đủ an toàn. Hãy dạy con “Biết Nước”, biết phòng chống đuối nước để sống an toàn với nước.
TS Phạm Anh Tuấn
Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi