Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 3 ca ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) trong đợt nghỉ lễ.
Cụ thể, ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận 3 trường hợp ngộ độc rượu methanol nhập viện. Đó là các bệnh nhân N.T.Đ (57 tuổi, ở quận Thanh Xuân), bệnh nhân V.X.K (42 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm), bệnh nhân P.V.C (59 tuổi, ở huyện Sóc Sơn). Các bệnh nhân này đều được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, xử lý tại cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1 - 2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi.
Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…
Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng lượng cồn trong giới hạn cho phép; không sử dụng rượu, bia không có nguồn gốc rõ ràng.
Lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.
Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.