GS Nguyễn Thanh Liêm nói gì về hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới?

GS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, vấn đề quan ngại nhất hiện nay không chỉ là chỉnh sửa gen mà là liệu có thể tạo được con người bằng sinh sản vô tính không?

Ông Hạ Kiến Khuê (trái) làm việc tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc) - Ảnh: AP

Cả thế giới đang chú ý tới một nhà khoa học Trung Quốc có tên Hạ Kiến Khuê sau khi ngày 25/11/2018, ông tự nhận đã tạo ra hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới nhờ kỹ thuật CRISPR.

Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc & công nghệ Gen Vinmec lý giải: "Nói một cách đơn giản thì sửa chữa gen giống như đưa vào cơ thể một chiếc kéo siêu nhỏ để cắt bỏ đoạn gen bị lỗi. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất là chiếc kéo này bị dẫn đường sai nên đáng lẽ cắt gen bệnh thì lại cắt gen lành hoặc vừa cắt gen bệnh nhưng đồng thời cắt thêm cả các gen lành. Khi đó nhiều hậu quả đáng tiếc sẽ sảy ra". 

GS Liêm cho biết thêm, việc nghiên cứu điều trị cho các em bé bị các bệnh do lỗi gen bằng sửa chữa gen (gen editing) hoặc ức chế gen bệnh (gene therapy) đang được nhiều trung tâm trên thế giới tiến hành nhất là ở Đức và Mỹ.

"Nhóm nghiên cứu của đại học Stanford Mỹ đã hoàn thành việc chỉnh sửa gen trong phòng thí nghiệm cho bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) dự kiến sẽ đưa vào áp dụng trên bệnh nhân trong tương lai rất gần.

Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cũng đang có một dự án nghiên cứu về vấn đề này hợp tác với các nhà khoa học Mỹ và Đức, bước đầu đã thu được những thành công trong phòng thí nghiệm", GS Liêm cho hay. 

Cộng sự của ông Hạ bỏ phôi thai vào dụng cụ chứa phôi - Ảnh: AP

"Vấn đề quan ngại nhất hiện nay không chỉ là chỉnh sửa gen mà là liệu có thể tạo được con người bằng sinh sản vô tính không?"

Theo GS Liêm, về mặt khoa học có lẽ đây không phải là một điều không tưởng vì các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo được các con tinh tinh rất gần với loài người bằng sinh sản vô tính nhưng có lẽ sẽ là một cú sốc khủng khiếp và cả thế giới sẽ "lên đồng" nếu một con người bằng sinh sản vô tính ra đời.

Cuối cùng, GS Liêm nhấn mạnh: "Có lẽ còn cần nhiều thời gian hơn để các nhà khoa học tối ưu phương pháp điều trị mới mẻ này". 

Trong đoạn video hôm 26/11, nhà khoa học người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê đã nói về nghiên cứu của mình: "Trong 40 năm qua, các quy định và yếu tố đạo đức đã phát triển song song với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)… Phẫu thuật gen chỉ là một tiến bộ khác của IVF và chỉ được dùng để giúp một số ít gia đình".

"Hai bé gái xinh đẹp người Trung Quốc, Lộ Lộ và Na Na, đã cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh như bất cứ em bé nào cách đây vài tuần. Hai bé hiện đang ở nhà với mẹ Grace và cha Mark”, ông Hạ thông tin trong đoạn video đăng trên Youtube ngày 25/11.

Công trình này xoay quanh việc vô hiệu hóa một gen gọi là CCR5 trong bào thai vốn được virus HIV dùng để xâm nhập tế bào người.

Ông Hạ cho biết cặp song sinh Lộ Lộ và Na Na được sinh ra bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, trứng đã trải qua quá trình chỉnh sửa trước khi cấy vào tử cung người mẹ.

"Khi Lộ Lộ và Na Na chỉ là một đơn bào, cuộc phẫu thuật đã loại bỏ con đường mà virút HIV sử dụng để thâm nhập và lây nhiễm cho con người", ông Hạ cho biết.

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan