Trong tuần giao dịch gần đây, giá dầu thô thế giới liên tục ''rung lắc'', giảm tới 20% và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Đại diện của Bloomberg - một công ty tài chính có trụ sở tại Mỹ cho rằng việc cắt giảm sản lượng lịch sử của OPEC+ có thể coi là thất bại.
Bằng chứng cho nhận định này là viêc chỉ sau một tuần chính thức công bố cắt giảm sản lượng, giá dầu thô trên thế giới đã liên tục biến động, hỗn loạn, không những không tăng mà còn giảm gần 20%.
Tính đến thời điểm 6h30 sáng ngày 19/4, giá dầu Brent nhích nhẹ 0,26 đô la, lên mức 28,08 đô la, trong khi giá dầu thô nhẹ tại NYMEX (Sàn giao dịch hàng hóa New York) giảm 1,60 đô la xuống mức 18,27 đô la.
Trong phiên giao dịch buổi chiều phiên 17/4, giá dầu thô WTI giao trong tháng 5 tại Mỹ đã giảm 10,92% xuống 17,7 USD mỗi thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong 18 năm tại Mỹ kể từ năm 2002.
Trước đó, ngày 12/4, các nước OPEC+ đã đi đến quyết định giảm sản lượng dầy và kêu gọi các nước ngoài OPEC cắt giảm tương xứng để kích cầu giá dầu trên thế giới.
Theo thỏa thuận, các nước OPEC+ sẽ giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng mỗi ngày (giảm 23%) trong tháng 5-6, giảm 7,7 triệu thùng mỗi ngày (giảm 18%) từ tháng 7 đến hết năm 2020, sau đó, giảm 5,7 triệu thùng mỗi ngày (14%) từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2022.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại có thể thấy OPEC+ chưa thực sự đạt được mong muốn của mình.
Trước thực trạng bất ổn đó, nhóm OPEC+ cuối tuần qua đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, nhằm bình ổn giá dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.
Trong một bối cảnh khác, Trung Quốc đã lên tiếng rằng, nền kinh tế của họ đang rơi vào một cuộc suy thoái lịch sử từ đầu quý I. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, nhu cầu về dầu của Trung Quốc cũng sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ và hàng tồn kho của Mỹ và châu Âu hiện đã tăng mạnh.
Trước những biến động này, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn rất nhiều phức tạp, thị trường dầu mỏ chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ sụt giảm lâu dài.
Dù giá dầu thô trên thế giới biến động không ngừng thì giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn giữ nguyên giá từ kỳ điều chỉnh ngày 13/4.
Bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex được chia theo vùng 1 và vùng 2 ngày 18.4 với mức giá cụ thể như sau:
Vùng 1, xăng RON 95-IV có giá 12.030 VND/lít, xăng RON 95-III giá 11.930 VND/lít, E5 RON 92-II có giá 11.340 VND/lít, DO 0,001S-V ở mức 11.120 VND/lít và DO 0,05S-II duy trì ở mức 10.820 VND/lít.
Vùng 2, xăng RON 95-IV có giá 12.270 VND/lít, RON 95-III ở mức 12.160 VND/lít. Xăng E5 RON 92-II ở mức 11.560 VND/lít, DO 0,001S-V giá 11.340 VND/lít và DO 0,05S-II có giá 11.030 VND/lít.