Gia đình phản đối, người tự nguyện hiến tạng nên làm gì?

Hiến mô tạng và hiến thi thể không nên xem là hành động bất hiếu, mà là việc làm nghĩa thiện, có giá trị mang lại sự sống cho nhiều người và phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, mổ xẻ trong y học…”.

PGS Trần Ngọc Anh, Thượng tọa Thích Nhật Từ và GS.TS Trịnh Hồng Sơn… giải đáp các thắc mắc và tư vấn về hiến tạng... tại chùa Pháp Vân.

Thượng toạ Thích Nhật từ nhận được trong buổi lễ hiến tạng tập thể diễn ra tại chùa Pháp Vân, Hà Nội diễn ra mới đây giải thích cho câu hỏi của Phật tử: “Con đã đăng ký hiến tạng nhưng chưa dám ghi tên hiến xác vì sợ bất hiếu và gây ra nỗi đau cho cha mẹ, người thân”

Thượng toạ Thích Nhật Từ giải đáp: “Đây là quan niệm báo hiếu cực đoan. Theo Luật pháp Việt Nam và các nước trên thế giới, người 18 tuổi đủ tư cách quyết định việc hiến mô tạng và hiến xác thì có hay không sự đồng ý của cha mẹ và người giám hộ.

Hiến mô tạng và hiến thi thể không nên xem là hành động bất hiếu, mà là việc làm nghĩa thiện, có giá trị mang lại sự sống cho nhiều người và phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, mổ xẻ trong y học…”.

Theo quy định tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác người quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác nêu rõ: Người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy với quy định của pháp luật hiện hành thì người chưa đủ 18 tuổi không được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác. 

Theo đó, bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não. 

Tuy nhiên, khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì trong trường hợp nếu đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế hoặc tránh sự phản đối của gia đình trong trường hợp hiến khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não, làm cho không thực hiện được ý nguyện hiến tặng của mình.

Trong trường hợp không có sự hợp tác của người thân thì thi thể người chết không thể được chuyển giao cho bệnh viện hoặc trung tâm y khoa có chức năng ghép mô tạng và nhận thi thể được.

Theo gợi ý của Thượng tọa Thích Nhật Từ, PGS Trần Ngọc Anh, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, trong trường hợp gia đình, người thân phản đối thì người tự nguyện hiến nên tìm hiểu kỹ, đưa ra sự giải thích và thuyết phục bằng nhiều cách. Cụ thể: 

- Bản thân người ấy phải được tư vấn kỹ, có hiểu biết, có kiến thức và khẳng định được với gia đình đây không phải việc phạm tội bất hiếu mà còn giúp ích, làm điều thiện, lành.

- Nên thuyết phục theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

- Có thể tìm kiếm những bài giảng của Phật pháp chia sẻ về việc hiến là gieo điều lành.

- Tìm kiếm những thông tin, gương thực tế về người hiến tạng (như trường hợp bé gái Hải An ở Hà Nội là một ví dụ…) trên báo chí, Internet để dần dần thuyết phục gia đình, người thân…

Trong buổi lễ hiến tạng tập thể diễn ra tại chùa Pháp Vân, Hà Nội diễn ra ngày 25/11, trong tổng số gần 500 người tham dự đã có khoảng 130 người làm thủ tục viết đơn tự nguyện hiến mô và bộ phận cơ thể ở người sau khi chết/chết não bao gồm giác mạc, thận, tụy, tim, gan, xương, phổi, sụn, gan, da, van tim, mạch máu…

An Vy/giadinhmoi.vn

Tin liên quan