Facebooker Thu Hà: Tôi đã giành lại quyền nuôi con như thế nào?

Facebooker Thu Hà, nhà báo, tác giả cuốn sách kỹ năng nuôi dạy con ‘Con nghĩ đi, mẹ không biết’ cũng là một bà mẹ đã trải qua cảnh không được nuôi cả 2 đứa con sau khi ly hôn. Chị đã chia sẻ cách mình bảo vệ con, giành lại quyền nuôi con khi phát hiện thấy con bị bạo hành.

Dù không muốn trách móc ai hay đào bới quá khứ, nhưng chị đã chia sẻ trên Facebook của mình kinh nghiệm bảo vệ con khỏi bạo hành, nhằm hỗ trợ cho các bà mẹ trong hoàn cảnh tương tự.

Được sự cho phép của nhà báo Thu Hà, báo Gia Đình Mới xin đăng lại những ý kiến chia sẻ của chị.

Đọc tin về em bé bị ba và mẹ kế đánh mà nhà tui xáo động mất nguyên buổi chiều.

Những ký ức đã quên ùa về, Xu Sim nhớ lại: ‘Hồi đó mẹ dữ tợn lắm!’

Ờ, đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi cãi lộn lớn tiếng ngay ngoài đường, là lần mà Sim phải nói: Khi cãi nhau, mẹ xấu như một mụ phù thủy.

Ờ, tui sẵn sàng làm phù thủy, nếu làm phù thủy mà cứu được con tôi.

Dì ghẻ con chồng là chuyện bình thường, tui không kỳ vọng cổ yêu con mình. Nhưng ba thì giành con nhưng ko chăm con, còn mẹ kế thì ko giành nhưng lại hành hạ bé. Nghĩ gì mà mình ngồi yên?

Có người hỏi cắc cớ là ‘Tại sao phải khổ như thế’, ‘Tại sao chuyện ly hôn tới tận 3 năm? Thường thì chỉ 6 tháng là xong mà!’. Vâng, tùy hoàn cảnh riêng, ko phải trường hợp nào cũng có thể dùng lý lẽ là xong.

Và tui nhiều nỗi sợ, tôi sợ mình làm mạnh quá, thì con mình sẽ khổ. Nên cứ loay hoay tìm cách êm thấm nhất. Và, thực sự thì xét theo lý thì ba của tụi nó cũng có quyền nuôi con mà.

Tôi gặp luật sư nhờ tư vấn.

Nên nhờ luật sư các bạn ạ, để biết đang có ưu thế gì, bất lợi gì, việc gì thì được và thế nào thì không được, để có chiến lược riêng phù hợp với mình.

Tòa xử mỗi người nuôi 1 bé. Tôi phải đồng ý. Và nhận nuôi hộ Xu. Một thời gian sau, bên đó đòi Xu về, nhưng vẫn để học cùng trường với Sim, tôi vẫn gặp Xu ngày 2 lần.

Sau đó họ đòi chuyển trường cho Xu. Tôi lên nói với ban giám hiệu rằng việc này chắc chắc chỉ là tạm thời, xin đừng gạch tên Xu khỏi lớp.

Tôi bắt đầu nghênh chiến. Và 2 bên cãi lộn. Cổ thậm chí đã rượt theo lao xe máy vào xe tôi, đâm tôi, rồi đòi giết.

Tôi ra công an phường trình báo, lập biên bản.

Mỗi ngày chục lần cổ nhắn tin chửi mắng tôi, tôi lưu lại.

Cổ gọi điện thoại dọa, tôi ghi âm.

Cổ không đánh Xu, nhưng hành hạ tinh thần, ví dụ cổ mang dao ra dọa ‘Tao sẽ giết chết mẹ của mày’. Tôi cũng ghi âm hết lại.

Tôi tìm gặp những người làm thuê cho nhà họ, nghe kể Xu ở đó thường lo lắng sợ hãi. Thấy cổ, Xu trốn vào trong tủ hoặc gầm bàn. Tôi cũng ghi âm lại.

Tôi xuống công an liên tục, công an nhẵn mặt tôi.

Tôi viết đơn lên Hội Phụ nữ, viết đơn lên UBND phường, viết đơn lên Hội Bảo vệ trẻ em, tôi tìm gặp các báo, nhờ các phóng viên giúp...

Thư nào cũng kèm một tập chứng cớ...

Tôi nói, nếu bình thường thì 1 tuần 1 lần tôi tới thăm Xu, nhưng bây giờ vì tình hình này nên ngày nào tôi cũng thăm. Và vì tôi cũng đã từng bị dọa nên mỗi lần tới tôi sẽ đi cùng công an.

Mẹ rất dịu dàng, nhưng khi cần bảo vệ con, mẹ phải mạnh mẽ

Nếu hành hạ con tôi, nếu không trả con cho tôi thì tôi sẽ gây phiền nhiễu, khỏi làm ăn luôn.

Hãy kéo các hội đoàn và công an vào, các bạn ạ, dù họ cũng chả giúp gì nhiều đâu. Nhưng hãy kéo.

Công an không thích những vụ việc kiểu này, cứ đuổi tôi quầy quậy, nhưng tôi bám dai quá, lại hay đi cùng mấy bà mẹ khác nữa, rồi mấy đứa con nheo nhóc khóc lóc giữa đêm khuya, nên họ cũng đành phải làm.

Được cái người dân thì nhiệt tình lắm. Có bác xe ôm đi đâu cũng chở đi, và gặp họ là chống nạnh hằm hằm, vẻ rất bặm trợn.

Có mấy chị phụ huynh cùng lớp Xu, 11, 12h đêm cũng tha cả con đi cùng tôi tới công an phường.

Nghe kể thì dài. Nhưng thực tế thì còn dài hơn, như cả thế kỷ đã trôi qua.

Thời gian đo trên lịch thì Xu chỉ chuyển trường có hơn 1 tuần rồi lại chuyển về lớp cũ và chính thức ở với mẹ.

Ngày Xu về với mẹ, nhóm các chị phụ huynh nấu lẩu ăn mừng, mẹ và Xu thì khóc.

Mẹ Hà chỉ là một con gà mái.

Nhưng đụng tới Xu Sim coi, mẹ Hà thành đại bàng đấy ạ.

 

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan