Đây cũng là điều khiến tôi bị dằn vặt tra tấn mỗi ngày. Ở chung cư, nhà nào nhà nấy san sát nhau, cửa sổ tòa nhà này hướng sang tòa nhà kia, lại hay mở cửa sổ cho thoáng mát.
Vì vậy chỉ cần tiếng chuông điện thoại nhà bên, bên này cũng có thể nghe thấy rõ.
Gần đây hôm nào tôi cũng phải nghe thấy tiếng một người phụ nữ vừa đánh vừa chửi mắng một bé gái chừng 7, 8 tuổi.
Tiếng mắng chửi rất lớn, cùng với tiếng roi vụt người ngoài nghe cũng thấy xót xa.
Hơn cả là tiếng cô bé khóc đau đớn, nhiều lúc tiếng khóc nghẹn ở cổ vừa xin tha tội, xin hứa: 'Từ nay con chừa ạ', nhưng tiếng roi vẫn tiếp tục vút lên.
Tôi hỏi mẹ chuyện nhà đôi diện, mẹ chỉ bảo: 'Thôi đừng nói nữa, con bé đấy đáng thương lắm'.
Trước đây bố của cô bé hay phải nằm viện. Mẹ con bé công việc quá bận rộn nên không có thời gian chăm sóc chồng, đành thuê một người bạn chăm sóc giúp.
Ai mà ngờ được hai người kia lại 'chim chuột mèo mả gà đồng', mẹ con bé ức chế quá cũng bỏ nhà ra đi, bỏ mặc con gái ở lại.
Sau rồi bố con bé cũng cưới người vợ mới.
Lúc mới lấy về, người phụ nữ này cũng chăm sóc con riêng của chồng hết mực.
Nhưng lấy nhau về được một thời gian, người phụ nữ này cũng sinh một cậu con trai. Từ đây người mẹ kế mới ngày càng thể hiện rõ sự ác độc với con riêng của chồng.
Ông bố thường xuyên đi làm xa không về nhà. Vắng chồng, người mẹ kế mới bắt đầu hành hạ con riêng.
Chỉ đến khi một lần mẹ kế cho con chồng ăn cơm mốc, bà của cô bé bất ngờ đến nhà chơi mới phát hiện ra.
Bà con bé tức mình, đánh cô con dâu mới một trận rồi đuổi đi. Thế nhưng một thời gian sau, bà nội về quê, người phụ nữ ác độc ấy lại quay về, và còn hành hạ con riêng của chồng tàn ác hơn.
Ban đầu tôi nghĩ rằng, chỉ khi chồng đi vắng, người mẹ kế mới dám hành hạ con riêng. Sau tôi mới phát hiện ra, ngay cả khi chồng ở nhà, mẹ kế vẫn thản nhiên đánh đập, chửi mắng con chồng.
Có một lần tôi nghe thấy rất rõ, người phụ nữ tàn ác lớn giọng quát mắng con bé: 'Mày có ăn không thì bảo?'
Con bé bị đánh quá đau, khóc thét lên. Lúc ấy giọng một người đàn ông mở sầm cửa quát lớn: 'Nó không ăn thì đập bát đi!'
Lúc đấy tôi mới biết ông bố cũng hoàn toàn đồng tình với việc vợ lẽ đánh con gái.
Dường như buổi tối hôm nào tôi cũng phải nghe thấy tiếng bà mẹ ác độc chửi rủa, đánh đập, cùng tiếng con bé van xin, khóc lóc.
Tôi tự hỏi, mình là người dưng còn cảm thấy đau đớn, xót xa đến vậy, không lẽ trái tim ông bố là cầm thú?
Mấy lần tôi định sang gõ cửa nhà họ, đều bị mẹ ngăn lại. Mẹ tôi nói: 'Nếu tôi sang, con bé sau đó sẽ càng bị đánh đập tàn ác hơn mà thôi. Việc này chúng ta không lo được đâu.'
'Vả lại, con nó nó còn không thương xót, nói chi người dưng như mình? Nó đâu có bận tâm!'
Một lần vài người bạn đến nhà tôi ăn tiệc, lại nghe thấy những âm thanh đáng sợ ấy. Bạn tôi cả quyết phải lên làm cho ra lẽ mọi chuyện.
Mẹ tôi đã thừa sống thiếu chết quyết ngăn không cho chúng tôi mở cửa.
Lúc sau bình tĩnh lại tôi lại nghĩ, quả thật mình chỉ có thể lo được 1 ngày một giờ, đâu có thể lo cho con bé cả đời được.
Chỉ vì cảm giác bất bình cá nhân, mà có khi cả đời con bé còn bị đánh đập khốn khổ hơn.
Mỗi ngày nghe tiếng đứa trẻ bị đánh đập dã man đến vậy, tôi thấy như chính mình bị tra tấn. Nhiều lúc còn bỏ nhà đi ra ngoài chơi cho khỏi đớn đau.
Nhưng tôi phải làm sao? Là một người hàng xóm tôi có thể làm gì?
Những người cha đến con mình còn không thương tiếc, người mẹ sẵn sàng bỏ đứa con đứt ruột mà đi. Họ tàn nhẫn đến vậy nói chi người mẹ kế?
Nếu tôi nói chuyện này với tổ trưởng tổ dân phố, hay công an, liệu mọi chuyện có được giải quyết. Hay chỉ là một thoáng một chốc, rồi đâu lại vào đấy, rồi con bé có còn khốn khổ hơn.
Napoleon từng nói: 'Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt.'
Vậy tôi phải làm sao, hãy cho tôi một phương án để cứu sống cô bé này.
Thường ngày con bé chỉ đóng cửa chặt trong nhà, không được ra ngoài giao tiếp với ai, mẹ kế cũng đang ở nhà chăm con nên tôi không có cơ hội nào tiếp xúc riêng với con bé.
Tôi rất muốn có được liên lạc của người nào đó trong gia đình để hy vọng họ có thể mang con bé đến nơi khác nuôi.
Nhưng có lẽ bà nội bé cũng biết nhưng bất lực, liệu còn có thể hy vọng vào một người họ hàng nào khác?
Thảo NguyênBạn đang xem bài viết [Tâm sự] - Tôi phải làm gì khi chứng kiến cháu bé hàng xóm bị mẹ kế đánh đập mỗi ngày? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].